“Trị tận gốc” thói lì lợm: “Giáo án” nào cho các bậc phụ huynh?

GD&TĐ - Tuổi còn nhỏ, trẻ chưa thể điều khiển cảm xúc của bản thân. Đó là một trong những lý do khiến trẻ luôn muốn làm theo ý thích của mình. Mỗi khi có ai làm phật ý, trẻ thường tỏ thái độ chống đối, lì lợm.

Cha mẹ cần đặt mình vào vị trí của con. Ảnh minh họa.
Cha mẹ cần đặt mình vào vị trí của con. Ảnh minh họa.

Việc giáo dục không đúng cách sẽ khiến trẻ càng trở nên khó trị, ngang bướng. Mắng chửi, quát tháo không khiến trẻ sợ. Thay vào đó, biện pháp này sẽ khiến con càng trở nên vô cảm. 

Phương pháp phù hợp

Đối phó với những đứa trẻ bướng bỉnh là một thách thức với không ít bậc  cha mẹ. Việc yêu cầu con thực hiện điều gì đó, ngay cả những công việc cơ bản như tắm, ăn hoặc đi ngủ... nhiều khi lại trở thành cuộc chiến hằng ngày. Trẻ luôn tỏ ra cố chấp, bướng bỉnh và để ngoài tai những gì phụ huynh nói.

Theo các chuyên gia, nếu không chấn chỉnh từ sớm, lâu dần, trẻ sẽ hình thành thói quen xấu. Điều đó sẽ gây ảnh hưởng đến nhân cách sau này. Tuy nhiên, làm sao để con hết lì lợm vẫn là một bài toán “hóc búa” đối với nhiều phụ huynh.

Không ít cha mẹ áp dụng phương pháp “thương cho roi, cho vọt” để dạy con. Với những phụ huynh này, việc cho con “ăn đòn” là điều cần thiết để trẻ từ bỏ thói bướng bỉnh.

Chị Nguyễn Thị Thanh (Từ Liêm, Hà Nội) chia sẻ, bé Bìn (7 tuổi) nhà chị sẽ “no đòn” nếu lì lợm. “Tôi thường chiều con, nên đôi khi, cháu tỏ ra bướng bỉnh nếu không được đáp ứng nhu cầu nào đó. Mỗi khi như vậy, ông xã nhà tôi có xu hướng đánh đòn con. Bởi, quan niệm của chồng tôi là cần để con đau và nhớ. Khi đó, con sẽ không lặp lại hành vi đó nữa”, chị Thanh chia sẻ.

Trong khi đó, chị Nguyễn Thanh Tâm (Ba Đình, Hà Nội) là người thường xuyên đánh con để... giáo dục. Theo nữ phụ huynh này, vì không kiềm chế được khi con ương bướng, nên chuyện cho trẻ “ăn đòn” là điều bình thường.

Song, thực tế, không phải phương pháp nào cũng hiệu quả. Chắc hẳn, nhiều trẻ dù “no đòn” cỡ nào thì cũng khó bỏ thói lì lợm. Theo các chuyên gia, điều quan trọng là phụ huynh cần tìm ra phương pháp dạy con hiệu quả. Khi đó, con sẽ dần bỏ được tính lì lợm.

Đôi khi, trẻ không nghe lời vì con gặp vấn đề về sức khoẻ. Ảnh minh họa.

Đôi khi, trẻ không nghe lời vì con gặp vấn đề về sức khoẻ. Ảnh minh họa.

Tìm hiểu “gốc rễ”

Chuyên gia tư vấn phụ huynh Nguyễn Tú Anh - nhà sáng lập tổ chức Happy Parenting, chia sẻ, có rất nhiều nguyên nhân góp phần làm trẻ gia tăng hành vi lì lợm. Điều quan trọng là, yếu tố đóng góp cho hành vi này đến từ cả hai phía: Con trẻ và người lớn.

“Giáo dục trẻ nhỏ là một việc hết sức khó khăn đối với các cha mẹ. Việc dạy dỗ con sai cách sẽ khiến trẻ nảy sinh tâm lý ấm ức. Lâu dần, có tư tưởng chống đối, ngang ngược hơn. Nhiều cha mẹ thắc mắc rằng, dạy con lì lợm phải làm sao, dù đã thử nhiều cách nhưng tính cách trẻ dường như vẫn không thay đổi”, bà Tú Anh cho biết.

Theo chuyên gia này, với trẻ lì lợm, việc dạy con không đúng cách sẽ khiến bé càng trở nên khó trị, ngang bướng hơn. Những lời mắng chửi, quát tháo hay đánh trẻ không những không khiến trẻ sợ, mà càng trở nên vô cảm. Thậm chí, nhiều trẻ còn tỏ ra chống đối lại cha mẹ bằng cách im lặng, không phản ứng gì.

Có lẽ, không ít ông bố bà mẹ “bất lực” trước thái độ ương bướng của con. Nhiều người thậm chí không thể hiểu nguyên nhân vì sao con lại như vậy. Lý giải về thái độ này ở trẻ, bà Tú Anh cho biết, nguyên nhân là do con không thật sự chú ý. Trẻ cũng không hoàn toàn để tâm đến lời yêu cầu của cha mẹ. Việc này thường xảy ra khi người lớn đứng từ khoảng cách quá xa, không trong tầm mắt của con. Hoặc, cha mẹ vừa làm việc, di chuyển, vừa đưa ra lời yêu cầu với con. Trong khi đó, con đang bận làm việc khác.

Một nguyên nhân khác cũng có thể là vì lời yêu cầu được đưa ra sai thời điểm. Ví dụ, con đang dở dang giữa một hoạt động đến hồi gay cấn như chơi điện tử hoặc xem phim… Khi đó, nếu cha mẹ yêu cầu con dừng, chắc hẳn, nhiều trẻ sẽ “phớt lờ” phụ huynh.

Đôi khi, trẻ cũng trở thành đứa bé lì lợm vì cảm thấy không cần phải thực hiện theo lời yêu cầu đó ngay lập tức.

“Vì qua năm tháng lớn lên, con học được từ tương tác với người lớn rằng: “Không cần phải làm ngay, chỉ khi nào có sự quát mắng, lớn tiếng, đe dọa thì mới cần làm”. Nếu chưa có những điều đó, thì chưa cần làm”, bà Tú Anh dẫn chứng.

Thậm chí, con cảm thấy đang bị thách thức, xen lẫn những cảm giác khác như tức giận, bị từ chối, bêu riếu, muốn “bỏ trốn”… Khi đó, con muốn thách thức ngược lại phụ huynh. Tuy nhiên, cũng có thể, trẻ thật sự có vấn đề sức khỏe hoặc tâm trạng như khó chịu, cảm thấy mệt mỏi hoặc ức chế. Song, cha mẹ không nhìn nhận ra.

Trước tình huống này, không ít cha mẹ đe doạ hoặc lớn tiếng, thậm chí là sử dụng đòn roi với con. Tuy nhiên, nhiều phụ huynh dù thường xuyên đe dọa, nhưng chỉ nói rồi để đó và không thực hiện. Theo chuyên gia Tú Anh, khi đó, con sẽ hiểu là lời nói của cha mẹ không nghiêm túc.

“Thân lừa ưa nặng lắm, ngọt nhẹ không nghe, cứ phải gào lên thì mới nghe”. Thế là người lớn mỗi lần muốn con làm gì đó, thường đứng từ rất xa để nói. Con không làm theo thì sẽ gào ầm lên, đe dọa nhiều hơn, và căng thẳng mãi leo thang.

“Hư lắm, càng ngày càng hư”. Con hư là do chính con hư và con muốn “kiếm chuyện”, chọc tức bố mẹ, và lỗi hoàn toàn là do con. Con sẽ không thể thay đổi được. Suy nghĩ này thường khiến cha mẹ cảm thấy bất lực, tuyệt vọng, dẫn đến dễ mất kiểm soát và nóng giận quá mức”, bà Tú Anh chia sẻ.

Trong khi đó, một số phụ huynh không nhất quán trong việc kỷ luật con. Với cùng một hành vi không tốt của con, đôi lúc, cha mẹ sẽ phạt nặng. Trong khi lúc khác, họ chấp nhận bỏ qua cho con. Hoặc, cha mẹ muốn phạt con, ông bà không cho phép… Điều đó dẫn đến việc con không thật sự học được về giới hạn của vấn đề.

Nguyên nhân chủ chốt khác khiến con trở nên lì lợm là không có sự hướng dẫn và khuyến khích cụ thể từ cha mẹ. Như vậy, con sẽ không biết cách thực hiện hành vi đúng.

Không tạo điều kiện để con hư

Chia sẻ về biện pháp giải quyết sự ương bướng của trẻ, bà Phan Hồ Điệp - Giảng viên Trường Đại học Sư phạm Hà Nội gợi ý, cha mẹ hãy nói rõ với con những điều muốn trẻ thực hiện. Theo nữ giảng viên này, một trong những lỗi cha mẹ hay mắc phải là nói những mệnh lệnh mang tính cấm đoán, như: “Đừng chạy nữa! Không được sờ! Đừng đánh em! Đừng ném bóng!...”.

Tuy nhiên, khi cha mẹ đưa ra những hiệu lệnh này, con có xu hướng không nghe. Hoặc, trẻ sẽ dừng lại trong giây lát có thể vì giật mình do âm lượng giọng nói to khác thường của cha mẹ. Song, sau đó, trẻ vẫn tiếp tục “phớt lờ”.

“Không nghe không hẳn con hư, có khi do con kém trong suy luận logic. Chúng không thể hiểu: “Không chạy” - là bò, bay, nhảy? Chúng không biết xử lý tiếp theo thế nào? Chính vì thế, khi muốn yêu cầu con làm một việc gì đó, bố mẹ hãy nói thật rõ ràng với con”, bà Phan Hồ Điệp gợi ý.

Ví dụ, thay vì yêu cầu con “đừng chạy”, cha mẹ có thể nhắc trẻ rằng, hãy đi bộ từng bước. Hoặc, thay vì ra lệnh “không được sờ”, phụ huynh hãy nói rằng, con đừng chạm tay vào đây, hãy thử đặt tay vào chỗ khác.

Bên cạnh đó, một trong những biện pháp giúp con nghe lời là cha mẹ không nên đưa ra một câu có quá nhiều yêu cầu. Ví dụ, cha mẹ không nên nói: “Con ra giá lấy giày rồi đi vào và sau đó lấy cặp, mẹ đợi ở xe”. Thay vào đó, hãy nói: “Con lấy giày đi!”. Sau khi con hoàn thành nhiệm vụ, phụ huynh có thể nói tiếp yêu cầu sau.

Để không khiến mọi chuyện trở nên căng thẳng, phụ huynh có thể thay đổi không khí. Bà Phan Hồ Điệp gợi ý, cha mẹ hãy biến mọi việc thành vui vẻ. Phụ huynh có thể sử dụng những bài hát hay bài thơ vui nhộn. Hoặc thậm chí, hãy sử dụng những câu chuyện tưởng tượng.

“Vừa đọc vừa nhặt đồ chơi, vừa cầm một đồ chơi và nói: “Ôi tôi tuân lệnh tướng quân!”. Hoặc khi muốn con đi tìm giày, hãy nói là con tham gia chuyến thám hiểm để tìm con quái vật giày. Có thể con quái vật sẽ có mùi giống mùi… chuột chăng? Còn khi muốn con đi ngủ, hãy giả giọng làm người trông trẻ có giọng nói kì dị và sẽ chọc lét nếu con không chịu lên giường”, nữ giảng viên gợi ý.

Yếu tố không kém phần quan trọng khác là hãy thông cảm cho con. Theo bà Phan Hồ Điệp, cha mẹ hãy đặt mình vào vị trí của con để hiểu cảm giác của trẻ. Từ đó, phụ huynh có thể đưa ra những yêu cầu mang tính thông cảm. Ví dụ, phụ huynh có thể nói: “Mẹ biết là con đang thích xem chương trình tivi này, nhưng thời gian đã hết rồi. Con có muốn có thêm 5 phút nữa để xem không?”, hoặc: “Mẹ biết là con đang vui, nhưng con có thể bỏ giày ra rồi quay lại chơi tiếp không?”...

Nữ chuyên gia chia sẻ, để thông cảm, trước khi phạt con, phụ huynh hãy tự đặt ra câu hỏi: Tại sao con lại cư xử theo cách này? Có phải vì môi trường lạ? Vì con không có kĩ năng giao tiếp? Hay con chỉ đang hành động theo đúng lứa tuổi? Con cảm thấy thế nào? Có thể con đang buồn hay sợ, hoặc mong muốn cha mẹ chú ý?

Mục tiêu của cha mẹ là gì khi phạt con?

Bên cạnh đó, bà Phan Hồ Điệp nhấn mạnh, cha mẹ không nên tạo điều kiện để con... hư. Điều quan trọng là cha mẹ cần nhất quán và không đồng ý với những “yêu sách” của con.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ