(GD&TĐ) - Giáo dục khu vực Đồng bằng sông Cửu Long trong 3 năm gần đây có sự phát triển nhờ đội ngũ giáo viên (GV) ngày càng chuẩn hóa, đặc biệt tỉ lệ GV THPT trên chuẩn (có bằng thạc sĩ - ThS) tăng nhanh. Hiệu quả tích cực của việc nâng chuẩn chưa có tác dụng trước mắt mà đòi hỏi phải lâu dài. Tuy nhiên, theo nhiều nhà quản lý, việc nâng chuẩn là chưa đủ, cần phải đào tạo thêm “kỹ năng mềm” cho GV mới quyết định chất lượng.
Một tiết dạy ở trường THCS Tân Lộc Bắc, Cà Mau |
Bước chuyển nâng chất lượng GV
Đồng Tháp có đề án, theo đó đến năm 2015, ngành Giáo dục tỉnh này sẽ có 500 ThS. Cuối năm 2012, số cán bộ - GV cấp THPT đạt chuẩn là 99,56%, trên chuẩn là 10,41%, có 349 ThS, 92 người đang học cao học; 100% GV đạt trình độ A tin học và 50% đạt trình độ A ngoại ngữ.
TP Cần Thơ có 230 GV THPT có bằng ThS. 1 tiến sĩ làm công tác quản lý; đang theo học cao học có 69 GV.
Tỉnh Vĩnh Long, 62 cán bộ - GV có bằng ThS và 2 nghiên cứu sinh sắp bảo vệ tiến sĩ, đang học cao học có 149 người. Tỉnh An Giang, 111 cán bộ, GV có bằng ThS.
Đặc biệt ở Đồng Tháp, trường ĐH Đồng Tháp liên kết với nhiều trường phía Bắc hàng năm đào tạo trên 200 ThS đã tạo cơ hội cho GV trong tỉnh nâng chuẩn. Tỉnh còn có đề án hỗ trợ cho GV học cao học nên số lượng GV có bằng ThS ở tỉnh này cao nhất khu vực. Đứng thứ nhì là TP Cần Thơ, nơi có trường ĐH CầnThơ đào tạo ThS trên 20 chuyên ngành cũng đã tạo điều kiện cho giáo viên “vừa học, vừa làm”. Tuy vậy, Cần Thơ chưa có chính sách đãi ngộ như Đồng Tháp, mặt khác trường ĐH CầnThơ tuyển sinh cao học khó hơn, lớp học ít hơn (từ 20-40 học viên) trong khi ĐH Đồng Tháp tuyển sinh cao học có lớp lên đến 120 học viên.
Các tỉnh còn lại tuy có đầu tư, nhưng do xa trường, điều kiện học tập khó khăn nên GV có bằng ThS ít hơn.
Đánh giá của các nhà quản lý
Ông Lý Đại Hồng - Phó GĐ Sở GD&ĐT Vĩnh Long - nhận định: việc GV học ThS nâng chuẩn là tốt, nhưng có quá nhiều người đi học cao học chuyên ngành Quản lý giáo dục. Điều đó không phát huy tác dụng.
Ông Nguyễn Hữu Quí - Phó phòng Tổ chức cán bộ (Sở GD&ĐT Cần Thơ) cũng thẳng thắn nói: “GV dạy môn Địa lý, đi học cao học ngành Khoa học đất, bởi trường ĐH Cần Thơ không có ngành nào gần hơn. Như vậy ra trường không phát huy tác dụng, chỉ có thể chuyển về Sở Tài nguyên - Môi trường hay Sở Nông nghiệp - Phát triển nông thôn”.
Thực tế có một số mâu thuẫn: trường cần một số GV có kỹ năng dạy các chuyên đề cho học sinh giỏi, nhưng không thể cử, không thể chọn đào tạo, trong khi GV tự chọn ngành học cao học. Ví dụ GV dạy Sinh học đi học cao học tại ĐH Cần Thơ chỉ có ngành Công nghệ sinh học và Kỹ thuật môi trường. Những kiến thức ấy khó mà vận dụng trong giảng dạy. Cũng có quá nhiều GV chọn học cao học ngành Quản lý giáo dục, thực tế ở trường học không cần những kiến thức chuyên sâu như vậy. Chưa kể cũng có khá nhiều GV chọn ngành phương pháp giảng dạy... rất chung chung, khó vận dụng vào thực tiễn.
“Kỹ năng mềm” quan trọng hơn?
Trường THPT chuyên Nguyễn Bỉnh Khiêm (Vĩnh Long), theo qui chế thì phải có từ 40 - 50% GV trên chuẩn, tức có bằng ThS trở lên.
Đối với học sinh trường chuyên thì GV cần nghiên cứu những chuyên đề chuyên sâu cho chương trình THPT, còn kiến thức từ cao học chuyên ngành chỉ mang tính bổ trợ.
Theo ông Bùi Chí Hiếu - Hiệu trưởng Trường THPT chuyên Nguyễn Bỉnh Khiêm, những GV dù chỉ tốt nghiệp đại học nhưng có đầu tư sâu nghiên cứu chuyên đề mà mình giảng dạy cộng với một số “kỹ năng mềm” vẫn là lực lượng nòng cốt đào tạo học sinh giỏi của trường. Ông cho biết, trường Nguyễn Bỉnh Khiêm có 40 ThS trong 100 GV, nhưng các GV đầu đàn, tổ trưởng các tổ bộ môn hầu hết không phải là ThS!
Có thể thấy ngành GD Đồng bằng sông Cửu Long đã có ý thức nâng chuẩn, nâng chất lượng giáo dục bắt đầu từ đội ngũ GV. Thực tế đã có những kết quả ban đầu đáng ghi nhận. Tuy nhiên nâng chuẩn bằng cách cho đi học sau đại học là cần nhưng chưa đủ. Thực tiễn cần đội ngũ GV có nhiều “kỹ năng mềm” mới hoàn thiện. Điều đó cũng đặt ra vấn đề cho các trường ĐH là khi xây dựng chương trình Sau ĐH cần đưa nội dung “kỹ năng mềm” vào đào tạo cho sát thực tiễn, tránh hiện tượng học viên được đào tạo “thừa lý luận, thiếu kỹ năng”. |
Theo ông, “kỹ năng mềm” cần thiết cho GV là: Giỏi ít nhất một ngoại ngữ để có thể đọc tài liệu tham khảo nước ngoài. Trường rất cần loại GV này để dạy thí điểm các môn khoa học tự nhiên bằng tiếng Anh. Hiện tại chỉ dạy được môn Toán. GV phải biết ứng dụng thành thạo công nghệ thông tin trong khai thác tư liệu, soạn giáo án điện tử, giảng dạy trực tuyến… Hiện tại GV trong độ tuổi 30-40 có kỹ năng này khá tốt, nhưng GV U50 trở lên tỏ ra rất khó thích nghi. Ông Bùi Chí Hiếu nói: “Trong trường có nhiều GV học đại học cùng lứa, nhưng năng lực giảng dạy không thể lấy bằng cấp ThS mà đánh giá”.
Ông Hiếu còn một băn khoăn, Đồng bằng sông Cửu Long, các trường THPT chuyên ở Bến Tre, Tiền Giang… cử GV tập huấn với các giáo sư đầu đàn về kỹ năng đào tạo học sinh giỏi cấp quốc gia, quốc tế… Vì thế học sinh giỏi ở các tỉnh này đang tăng nhanh.
Trường THPT chuyên Bến Tre hiện đang vươn lên đứng đầu khu vực về thành tích có học sinh giỏi cấp quốc gia, năm học 2010-2011, đạt 29 giải (14 giải ba và 15 giải khuyến khích). Đặc biệt, trường có phong trào học sinh tham gia nghiên cứu khoa học, đề tài có đăng ký với Sở Khoa học-Công nghệ tỉnh. Trong 3 năm qua có 22 đề tài như vậy. Để có thành quả ấy, trước tiên phải kể đến sự không ngừng vươn lên của đội ngũ GV và cán bộ quản lý. Ban giám hiệu có 4 người, hiệu trưởng có học vị Tiến sĩ, 3 hiệu phó có học vị ThS. Các tổ trưởng bộ môn đều có học vị ThS. Tỉ lệ GV có trình độ ThS năm 2008-2009: 10; 2009-2010: 18 ; 2010-2011: 25, trên tổng số 58 GV.
Khi đặt vấn đề chất lượng giáo dục nâng cao không ngừng có phải là do nâng chuẩn GV, TS Bùi Văn Năm, hiệu trưởng nhà trường “bật mí”: “Muốn có học sinh giỏi cấp quốc gia phải cho GV “tầm sư học đạo” với các chuyên gia đầu ngành, chớ học cao học chưa đủ đâu! Bằng cấp thì thầy nào cũng có, vấn đề là “kỹ năng mềm”, kỹ năng dạy chuyên đề trong đào tạo học sinh giỏi”.
Theo PGS.TS Nguyễn Đức Vũ (Trường ĐHSP - ĐH Huế), những kỹ năng cần có của GV trong bối cảnh khoa học công nghệ hiện đại, gồm: - Tự học, tự nghiên cứu |
Nguyễn Ngọc