Từ chiếc bánh 12 ngàn đồng đến bánh bạc triệu

GD&TĐ - Không thiếu những tiệm bánh truyền thống ở Bình Dương với đủ chủng loại bánh có sẵn cho khách hàng lựa chọn, nhưng trong xu thế mua sắm hiện nay, ngày càng có nhiều người, đặc biệt là những người làm việc văn phòng, chọn mua bánh qua mạng từ Như Thảo. Cô gái trẻ tốt nghiệp đại học chuyên ngành Quản trị Kinh doanh này quyết tâm khởi nghiệp tại quê nhà với những chiếc bánh có giá từ 12.000 đồng.

Cô gái bán bánh thời hiện đại Như Thảo
Cô gái bán bánh thời hiện đại Như Thảo

Một quyết định khó khăn    

Đỗ Thị Như Thảo sở hữu một vẻ ngoài xinh xắn với nước da trắng, thân hình thon gọn và gu thời trang tinh tế. Dường như chuyện bột chuyện đường không ảnh hưởng mấy đến vóc dáng của “bà chủ tiệm” người đẹp Bình Dương này.

“Dù có bận rộn với công việc làm bánh, Thảo vẫn dành thời gian tập thể dục và làm đẹp, vì đã chọn nghề bánh tức là phải luôn ghi nhớ việc làm đẹp cho đời, trên mọi phương diện” – Thảo dí dỏm.

Cách đây vài năm, Như Thảo không được tự tin như vậy. Khi ấy, cô gái 9X chuẩn bị nhận bằng cử nhân Quản trị Kinh doanh của Trường Đại học Thủ Dầu Một. Vốn xuất thân từ một gia đình có bố mẹ là công chức nhà nước, Như Thảo được định hướng một công việc ổn định và phù hợp với chuyên ngành.

Nhưng cô gái trẻ đã e dè bày tỏ quan điểm với cả nhà, mong được tiếp tục theo nghề bánh, nghề mà cô đã tự mày mò vừa học vừa làm từ năm thứ 3 đại học.

Lúc đó, Như Thảo chỉ nhận được sự phản đối xen lẫn thất vọng từ gia đình. “Ba mẹ rất nghi ngờ sự lựa chọn của Thảo. Thảo hiểu và cảm nhận rất rõ từng tiếng thở dài lo lắng mỗi ngày của ba mẹ, sợ Thảo thất bại, sợ Thảo là con gái mà phải bươn chải kinh doanh thì cực và… bị xấu. Bản thân Thảo cũng rất lo lắng với sự lựa chọn của mình vì thấy vốn liếng mình bỏ ra đầu tư cho việc làm bánh không nhỏ, bạn bè cùng trang lứa thì đã có công việc ổn định”.

Ngoài việc làm bánh, giao bánh, Như Thảo nỗ lực tự hoàn thiện mình bằng cách mày mò học thêm các kỹ thuật làm bánh trên mạng, qua sách báo và qua những khóa học chuyên nghiệp ở TPHCM để làm phong phú các chủng loại bánh, đảm bảo về chất lượng cũng như an toàn vệ sinh thực phẩm.

Các đơn hàng đến ngày càng nhiều và những lời động viên, khen ngợi cũng như góp ý của khách hàng đã “vực” tinh thần của cô gái trẻ lên rất nhiều.

Khi đã hoàn toàn tự chủ về mặt tài chính và bắt đầu kéo thêm được nhiều cộng sự về làm cùng mình cho kịp đơn hàng, cũng chính là lúc Như Thảo tự tin khẳng định với mọi người: “Làm bánh và bán bánh đã là nghề của em”.

Từ những chiếc bánh đơn giản chỉ có giá 12 ngàn, đến nay Như Thảo đã có những đơn hàng trị giá 3-4 triệu cho một chiếc bánh.

Bánh Thảo làm đa dạng về chủng loại, màu sắc, nguyên vật liệu
Bánh Thảo làm đa dạng về chủng loại, màu sắc, nguyên vật liệu

Tuy đã có hơn 3 năm thâm niên trong nghề nhưng hiện tại Như Thảo vẫn quyết định chưa mở tiệm bánh truyền thống mà chỉ chăm chút cho tiệm bánh trên mạng.

Trên tiệm bánh online của mình, Như Thảo thường xuyên cập nhật nhiều mẫu mã và chủng loại cho khách hàng lựa chọn. Bánh được làm theo đơn đặt hàng và giao ngay trong ngày nên đảm bảo được độ tươi và chất lượng hoàn hảo nhất khi đến tay người nhận.

“Em muốn bánh của mình có 1 màu riêng, sao cho bánh của em làm ra không bị lẫn”, Như Thảo chia sẻ. Cũng bởi lý do này mà cô không hướng tới khách hàng đại trà, chỉ tập trung vào một nhóm khách hàng nhất định, nhất là những người làm việc văn phòng không có nhiều thời gian đi lựa bánh, mua bánh nhưng lại thường xuyên làm việc với máy tính và có gu thưởng thức bánh hướng ngoại, ít ngọt, ít béo và màu sắc khá “Tây”, họa tiết trang trí ít nhưng được chăm chút tỉ mỉ.

Mô hình bán bánh trực tuyến có lợi thế là không tốn chi phí mặt bằng và hao hụt; tuy nhiên theo Như Thảo, mô hình này cũng có những rủi ro đặc thù.

Thay vì khách hàng tự tìm đến tiệm bánh truyền thống để mua và mang bánh về nhà thì việc bán bánh qua mạng đòi hỏi người bán phải chăm chút luôn khâu giao hàng, phải đảm bảo chiếc bánh khi tới tay người nhận vẫn giữ nguyên chất lượng và hình dạng.

Vậy nên dù đã xây dựng được một đội ngũ giao hàng nhiều kinh nghiệm, Như Thảo vẫn tự mình đảm nhận việc giao hàng cho những đơn hàng lớn để có thể tự mình kịp thời chỉnh sửa những chiếc bánh nếu chẳng may có sai sót trong quá trình vận chuyển.

“Kinh nghiệm đáng nhớ nhất là một lần Thảo cho người đi giao bánh ở xa, sau khi nhận bánh, khách gọi cho mình tỏ ý không hài lòng vì một vài chi tiết trên bánh bị xê dịch. Lúc đó Thảo vội vàng chạy xe đi cả chục km để đến chỉnh sửa lại bánh cho tới khi khách hàng hài lòng mới quay xe về. Nhưng vui lắm vì người khách này sau đó trở thành khách hàng thân thiết của tiệm Thảo luôn”, Như Thảo kể.

Tương lai rộng mở

Khi được hỏi so với các bạn có công việc ổn định, có nhiều cơ hội tiếp xúc với xã hội và thăng tiến, Như Thảo có thấy mình thua kém? Cô gái 9X trả lời không đắn đo: “Thảo thấy mình may mắn vì được làm đúng nghề mà mình tâm huyết”. Và chính cái may mắn đó đã đẩy Như Thảo tiến xa hơn rất nhiều so với dự định ban đầu.

Năm 2017 này, Như Thảo nhận được lời mời dạy làm bánh như một môn ngoại khóa “khéo tay hay làm” cho các học viên tại Trường Anh ngữ ILA Bình Dương và Nhạc viện TPHCM. Với lợi thế giao tiếp lưu loát bằng cả tiếng Việt lẫn tiếng Anh, ngoại hình sáng, Như Thảo trở thành một cô giáo dạy làm bánh rất được chào đón từ các em nhỏ người Việt Nam đến người nước ngoài.

Các học viên nhí và thành quả sau giờ học làm bánh với cô Như Thảo

“Làm bánh đã khó, dạy làm bánh tưởng đơn giản mà lại khó hơn nhiều”, Như Thảo vừa nói vừa nhớ lại những lần đi dạy làm bánh cho hàng chục học viên nhí.

Để chuẩn bị cho vài giờ dạy, cô phải sắp sẵn nguyên vật liệu, học cụ và thực tập trước đó rất nhiều ngày. Vậy mà đến lúc lên lớp thật, Như Thảo vẫn quay mòng với vô vàn câu hỏi của các bé và rất nhiều vấn đề phát sinh ngoài giáo án.

“Để làm ra một chiếc bánh thực sự ưng ý, nhiều khi Thảo phải nhốt mình trong phòng lạnh rất lâu và tập trung cao độ để hoàn thành việc trang trí bánh. Còn để dạy học, Thảo phải cởi mở và nhanh nhạy ứng phó với các tình huống và điều quan trọng nhất là làm sao phải truyền được sự đam mê bánh sang các bé”.

Chính những lần đi dạy đã thúc đẩy Như Thảo thêm một lần liều lĩnh mơ giấc mơ thành lập một trung tâm dạy làm bánh thật bài bản để truyền sự đam mê làm bánh và chuẩn bị những kỹ năng từ đơn giản đến cao cấp cho những người muốn học nghề.

Hiện tại ở Bình Dương chỉ có những cơ sở dạy làm bánh gia đình hoặc những trung tâm dạy nghề tích hợp khóa học về bánh, Như Thảo mong muốn các bạn mình sau này khi muốn học làm bánh sẽ được định hướng bài bản để rút ngắn thời gian và sớm đạt được mục đích hơn mình lúc trước.

“Làm bánh, nói vui nôm na cũng là bộ môn khoa học vì yêu cầu độ chính xác cao và sự tỉ mỉ; các bước làm bánh phải luôn tuân theo định lượng và quy tắc nhất định.

Ví dụ nếu từ đầu không làm sạch âu trước khi đựng bột thì bước tiếp theo trứng sẽ không bông và bánh sẽ hỏng. Học làm bánh cũng vậy, nếu ngay từ đầu được định hướng tốt, tiếp cận được đúng nguyên tắc về bánh thì quãng đường học sẽ được rút ngắn rất nhiều”, cô tâm tình.

Hành trang Như Thảo chuẩn bị cho mơ ước mới này của mình là tích lũy vốn và kinh nghiệm dạy nghề ngay từ bây giờ.

Điều đáng quý nhất ở cô gái sinh năm 1993 này là dù nói chuyện về quá khứ, hiện tại hay tương lai, Như Thảo đều đặt mình trong bối cảnh quê nhà Bình Dương.

“Nếu ngày xưa em đi học xa nhà thì chắc việc học và cuộc sống mới đã cuốn em đi. Chính vì chọn học gần nhà, gần ba mẹ đã cho em một khoảng lặng đủ để chú tâm học hỏi theo đuổi đam mê về bánh. Và khi ra nghề, thị trường Bình Dương chưa lớn nhưng có đủ cơ hội để em tìm được một chỗ đứng khá vững cho mình. Tương lai em càng muốn gắn bó và cống hiến cho mảnh đất quê hương”.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ