Thủ khoa Sư phạm: Mong sẽ được học sinh yêu mến

GD&TĐ - Với điểm tổng kết 3,88/4 và 10 điểm khóa luận tốt nghiệp, Nguyễn Võ Thanh Việt, sinh viên lớp CLC K65 Khoa Vật lý trở thành thủ khoa Trường Đại học Sư phạm Hà Nội năm 2019. 

Việt nhận quà tặng cho SV xuất sắc
Việt nhận quà tặng cho SV xuất sắc

Trong thời gian học tại trường, Việt đoạt giải Ba cuộc thi Sinh viên nghiên cứu khoa học (SVNCKH) cấp Bộ năm 2018, giải Nhất hội nghị SVNCKH cấp khoa, cấp trường; danh hiệu Sinh viên xuất sắc cả 4 năm học; giành Học bổng Odon Vallet; được tặng giấy khen về thành tích xuất sắc trong công tác Đoàn và phong trào Thanh niên; giấy khen Sinh viên 5 tốt cấp trường.

Học lớp chuyên Vật lý, Trường THPT chuyên Lê Quý Đôn (Đà Nẵng), năm lớp 12, Việt giành được suất tham dự kỳ thi học sinh giỏi quốc gia môn Vật lý và đạt giải Khuyến khích.

Kể về lý do lựa chọn sư phạm và nghề giáo, Việt dẫn lời trong một cuốn sách: “Vấn đề lớn nhất của thế giới này là mọi người đều tìm cách tạo ra một cuộc đời tốt hơn cho lũ trẻ mà lại quá ít người tìm cách tạo ra một lũ trẻ tốt đẹp hơn cho cuộc đời”. Do đó, em cũng muốn bản thân là một phần trong số ít đó.

Việt kể, ngày còn là học sinh, em luôn mong ước sẽ trở thành một thầy giáo, được đứng trên bục giảng. Qua các năm học đại học, em nhận thấy rằng không phải cứ đứng trên bục giảng, sẽ được gọi là thầy, là cô. Để trở thành giáo viên đúng nghĩa cần nhiều hơn những điều mình đã nghĩ. Và bây giờ, em mong sẽ trở thành một giáo viên tốt, được học sinh yêu mến.

Việt nhận Bằng khen của Trường Đại học Sư phạm Hà Nội tại lễ bế giảng
 Việt nhận Bằng khen của Trường Đại học Sư phạm Hà Nội tại lễ bế giảng

Việt cho rằng có 3 điều mà thầy cô phải dạy học sinh của mình, đó là: Biết đọc, biết lắng nghe và biết đấu tranh. Việt giải thích: Biết đọc ở đây được hiểu là khi đứng trước một thông tin gì đó, ta biết cẩn thận đọc từng câu chữ, biết chọn nguồn thông tin để đọc, biết dừng lại để suy ngẫm, để trăn trở về những gì ta được đọc.

Trong một cuộc đối thoại, đôi khi chúng ta cứ mải suy nghĩ xem mình sẽ đáp lại người kia như thế nào trong lúc họ đang nói mà quên mất điều họ mong muốn ở ta là lắng nghe và thấu hiểu. Do đó, em muốn dạy cho học sinh hãy luôn lắng nghe người khác một cách chân thành, để ta cảm thông cho những khó khăn, lầm lỗi họ đã gặp phải.

Thầy giáo tương lai cũng muốn học sinh của mình luôn biết giúp đỡ lẫn nhau. “Ai cũng sẽ gặp khó khăn khi làm việc một mình, đó là lý do chúng ta cần sống trong một xã hội. Em còn muốn dạy học sinh thật nhiều, dạy các em từ những điều nhỏ nhặt như xếp hàng, bỏ rác vào thùng, chấp hành luật lệ giao thông; dạy các em phải kiên nhẫn, biết yêu thương, biết đặt bản thân mình vào vị trí của người khác để thấu hiểu lẫn nhau, và nhiều điều khác nữa” - Việt tâm sự.

Kể về dự định trong tương lai, Việt cho biết sẽ về Đà Nẵng để làm việc, sau đó tiếp tục ra Hà Nội học thạc sĩ tại Trường Đại học Sư phạm Hà Nội và tìm kiếm học bổng tiến sĩ ngành Khoa học giáo dục.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ