Sinh viên 5 tốt chia sẻ cách vượt qua “mặc cảm” học trường tư

GD&TĐ - Vũ Thị Út - sinh viên ngành Công nghệ kĩ thuật môi trường (khoa Quản lí tài nguyên và môi trường, Trường ĐH Thành Đô) - “Sinh viên 5 tốt” cấp thành phố - chia sẻ kinh nghiệm để trở thành một sinh viên giỏi, tự tin với kiến thức và kỹ năng khi tốt nghiệp ra trường.

Sinh viên Vũ Thị Út
Sinh viên Vũ Thị Út

Học chủ động, đa dạng môi trường học tập

Nhà nghèo, Vũ Thị Út từng có suy nghĩ tìm việc làm ngay sau khi tốt nghiệp THPT để hỗ trợ thêm cha mẹ. Được người thân động viên và quyết định chọn Trường ĐH Thành Đô, Vũ Thị Út trở thành một trong những gương măt sinh viên tiêu biểu của trường với điểm số tổng kết hằng năm luôn đạt loại giỏi, điểm rèn luyện mỗi kì luôn đạt xuất sắc.

Chia sẻ kinh nghiệm để có được thành tích này, Vũ Thị Út cho rằng, việc đầu tiên cần có phương pháp học phù hợp; phân bố thời gian hợp lí giữa việc học, nghỉ ngơi và giải trí. Sinh viên nên tập trung nghe giảng khi học trên giảng đường, ghi chép cẩn thận, khoa học và đọc thêm những vấn đề liên quan ở sách báo hoặc trên internet vào thời gian rảnh.

Trước mỗi bài kiểm tra hoặc kì thi, việc ôn luyện kiến thức theo chuỗi sơ đồ tư duy là cách học hiệu quả. Khi viết ra lần lượt các kiến thức trọng tâm, các từ khoá giúp người học nhớ nhanh hơn nội dung của môn học, tránh tình trạng học sáo rỗng, học “vẹt”.

Một thói quen rất tốt và vô cùng hữu ích là thói quen đọc sách. "Hãy đọc sách nhiều hơn mỗi ngày. Sách không chỉ mở ra cho bạn kho tàng kiến thức mới mà còn giúp cải thiện vốn từ ngữ hiệu quả.

Cuối cùng, điều quan trọng nhất giúp học tập tốt là chăm chỉ, kiên nhẫn và chủ động. Chăm chỉ học, đọc, tìm hiểu thông tin trên mạng; kiên nhẫn trong giải quyết một đề bài khó và chủ động hơn trong mở rộng vốn kiến thức bản thân là điều không thể thiếu" - Vũ Thị Út chia sẻ.

Ngoài việc học, nữ sinh viên quê Lào Cai cho rằng, mỗi sinh viên nên tham gia các hoạt động ngoại khoá do nhà trường tổ chức. Khởi đầu là tham gia vào các câu lạc bộ, đội nhóm mà mình yêu thích. Bởi ở môi trường tập thể này, mỗi người sẽ có cơ hội giao lưu với bạn bè, mở rộng mối quan hệ xã hội, học được nhiều kĩ năng quan trọng như thuyết trình, làm việc nhóm, kĩ năng lãnh đạo...

Cùng với đó, rất nên có ý thức tích cực tham dự các hội thảo, trò chuyện cùng chuyên gia; những buổi trang bị kĩ năng cho sinh viên do nhà trường tổ chức. Các hoạt động ngoại khoá này là nơi giúp sinh viên trau dồi thêm các kĩ năng cần thiết, là nơi thể hiện khả năng bản thân và truyền cảm hứng học tập sáng tạo cho các sinh viên khác.

Vũ Thị Út (ảnh trái) trong một hoạt động biểu diễn văn nghệ của trường
Vũ Thị Út (ảnh trái) trong một hoạt động biểu diễn văn nghệ của trường

Phá rào cản tâm lý khi học trường ngoài công lập

Là người yêu thích công việc tình nguyện, ngay từ năm thứ nhất, Vũ Thị Út đã đăng kí tham gia câu lạc bộ sinh viên tình nguyện của nhà trường.

"Khi được làm các công việc có ích giúp đỡ cho nhà trường, cho cộng đồng, cho xã hội, em cảm thấy bản thân mình có ích hơn.

Công việc tình nguyện giúp nuôi dưỡng và phát triển nhiệt huyết tuổi trẻ, giúp em nhận được nguồn năng lượng lạc quan, cách làm việc hiệu quả và tinh thần đồng đội, đoàn kết. Điều đó giúp em cảm thấy bớt căng thẳng hơn, thích thú với việc học tập hơn" - Vũ Thị Út tâm sự.

Ngoài tình nguyện, việc tham gia các hoạt động văn nghệ-thể thao cũng là yếu tố giúp Út trở thành một “sinh viên 5 tốt”. Cô gái trẻ cho biết, trong quá trình học ở trường mình luôn tích cực tham gia diễn văn nghệ cho các chương trình lớn nhỏ của trường như Lễ khai giảng, lễ bế giảng, gala chào tân sinh viên, các buổi hội thảo, lễ tri ân nhà giáo VN 20/11, ngày 20/10,... Cùng với đó là tham gia các hoạt động thể thao để rèn luyện sức khoẻ để có thể hoàn thành tốt nhiệm vụ học tập và hoàn thành công việc mình yêu thích.

Trong suốt ba năm qua, vừa chăm chỉ học tập trau dồi kiến thức chuyên môn, hiện Vũ Thị Út hiện là uỷ viên Ban chấp hành Đoàn trường, phó chủ nhiệm câu lạc bộ Sinh viên tình nguyện và câu lạc bộ Nghệ thuật - hai trong số chín câu lạc bộ lớn của Trường ĐH Thành Đô.

Qua quá trình học tập tại trường, nhận thấy một số bạn có thái độ tự ti khi học trong trường đại học tư thục sẽ khó có cơ hội xin việc, Vũ Thị Út cho rằng, việc ra trường có kiếm được việc làm hay không phụ thuộc ở sự năng động, chăm chỉ và kĩ năng của mỗi người.

"Năng lực của bản thân không phụ thuộc vào tấm bằng đại học mà phụ thuộc ở cách bản thân mình làm việc. Nếu các bạn chăm chỉ học tập, chủ động và sáng tạo hơn trong việc tiếp cận tri thức, dành thời gian học thêm ngoại ngữ, trau dồi kĩ năng mềm, kĩ năng tin học, tích cực trong các hoạt động ngoại khoá, hoạt động tình nguyện thì khoảng cách giữa trường đại học công lập và trường tư thục sẽ rút ngắn lại" - Vũ Thị Út chia sẻ.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ