Nhóm bạn sáng tạo và đề tài hữu ích cho cộng đồng

GD&TĐ - Sản phẩm “Thiết bị tìm kiếm cứu nạn” của nhóm học sinh (HS) Trường THPT chuyên Vị Thanh, Hậu Giang đã xuất sắc đạt giải Nhất tại Hội thi Tin học trẻ toàn quốc lần thứ XXIII - năm 2017. Sản phẩm có nhiều ứng dụng thực tiễn, giúp việc tìm kiếm cứu nạn trở nên dễ dàng hơn và hữu ích cho cộng đồng.

Thầy và trò bên sản phẩm “Thiết bị tìm kiếm cứu nạn”
Thầy và trò bên sản phẩm “Thiết bị tìm kiếm cứu nạn”

Nỗ lực đam mê

Em Đàm Thanh Phong, HS lớp 12 Hóa (Trường THPT chuyên Vị Thanh, Hậu Giang) chia sẻ: Vốn đam mê sáng tạo, em cùng hai bạn Nguyễn Vĩnh Lạp (lớp 12 Vật Lý) và Nguyễn Dương Hoàng Sơn (lớp 12A2) đã mày mò nghiên cứu làm nên sản phẩm.

Dù học 3 lớp khác nhau nhưng tụi em có chung một ý tưởng, sáng tạo nên sản phẩm có nhiều ứng dụng thực tế. Cùng là bạn chơi thân với nhau nên tụi em chọn tham gia vào nhóm đầu tiên của trường mở lớp học về ngôn ngữ lập trình C và sau đó cùng tham gia vào Câu lạc bộ RC - Hậu Giang (CLB máy bay điều khiển từ xa).

Khi đó, các bạn nghĩ, chơi không thì phí quá. Sao không biến trò chơi thành một thiết bị có ích. Vậy là ý tưởng được hình thành từ những lần nhìn những chiếc máy bay bay lơ lửng trên bầu trời.

“Về khởi nguồn máy bay, do chúng em từ nhỏ đã thích bộ môn RC, là thành viên trong nhóm RC - Hậu Giang, tiếp xúc sớm với kĩ thuật làm máy bay, còn xe là một sản phẩm do bạn Nguyễn Vĩnh Lạp từng tham gia cuộc thi robot ở trường, cải tiến lại”, Thanh Phong cho biết.

Nhóm trưởng Thanh Phong tâm sự: Để thực hiện sản phẩm này chúng em và giáo viên hướng dẫn đã tốn nhiều thời gian và công sức. Nhiều lần thử nghiệm bị thất bại, máy bay cứ bay lên rồi rớt xuống hoài, tốn kém lắm nhưng chúng em không nản lòng. May mắn của chúng em chính là được sự quan tâm, động viên hỗ trợ của nhà trường, gia đình, thầy cô cùng các thành viên trong CLB RC, nên mới có được sản phẩm thành công như ngày nay.

Sản phẩm “Thiết bị tìm kiếm cứu nạn” của nhóm HS Trường THPT chuyên Vị Thanh được điều khiển bằng điện thoại di động. Sản phẩm kết hợp giữa sự tiện lợi của chiếc xe ôtô và chiếc máy bay. Theo đó, làm sao để máy bay bay lên được còn mang theo một chiếc xe ôtô với một con robot ở dưới nặng hơn 1kg.

Xe ôtô sẽ mang theo robot đi vào hiện trường vụ việc, nhờ vào các cảm biến nhận được từ robot gửi về điện thoại qua sóng 3G, khi đó, người điều khiển sẽ có thể quan sát robot cứu nạn đi đến đâu bằng camera được gắn và truyền trực tiếp về màn hình. Nhờ cảm biến mà nhận diện được nhiệt độ, độ ẩm, cảm biến khí ga…

Sản phẩm này nếu được sử dụng tại các khu chung cư, siêu thị, môi trường sản xuất công nghiệp sẽ hỗ trợ con người làm nhiệm vụ phản ánh thông tin. Với khu vực nguy hiểm, con người không thể tiếp cận vì có khí độc, hóa chất, nhiều khói… thì có thể điều khiển robot để quan sát hiện trường.

Hữu ích cho cộng đồng

Thầy Huỳnh Sinh Lel, giáo viên (GV) Tin học Trường THPT chuyên Vị Thanh, cho biết: Khi nghe các em chia sẻ ý tưởng, tôi và thầy Lê Hữu Kỳ Quan cũng thấy bất ngờ, nhưng từ ý tưởng này thầy và trò cũng muốn thử sức mình với những sản phẩm độc đáo này.

Nói về sản phẩm của nhóm mình, em Đàm Thanh Phong tâm sự: “Do lập trình phần cứng Arduino nên khó và tốn kém nhiều kinh phí. Cũng may là nhóm em được thầy cô, cha mẹ hỗ trợ nhiệt tình.

Một số trở ngại khi thực hiện đề tài là, về mô hình máy bay thường gặp trục trặc về mạch, độ cân bằng máy bay không thể ổn định khi nâng vật nặng ở trên không... Linh kiện luôn phải thay đổi và đặt mua các linh kiện để phù hợp với trọng lượng của máy bay cần nâng. Về xe mô hình, thường bị lỗi về code nạp vào mạch. Do điều kiện ở TP Vị Thanh không có shop bán các linh kiện thay thế nên có khi phải tìm mua từ TPHCM hoặc thậm chí phải đặt mua tận Hà Nội gửi vào.

Thầy Huỳnh Sinh Lel, GV hỗ trợ kỹ thuật cho nhóm, bộc bạch: “Cũng mất hơn 1 năm sản phẩm mới được hoàn thành xong. Chúng tôi rất vui vì đã thực hiện bằng chính sự đam mê và sáng tạo của mình. Dự kiến sắp tới, thầy và trò sẽ tiếp tục nghiên cứu để thay đổi thiết kế của bánh xe cũng như cải thiện mẫu mã xe cho phù hợp với điều kiện thực tế”.

Tận mắt nhìn chiếc máy bay cẩu theo chiếc xe ôtô của nhóm HS bay vút lên cao, chúng tôi thầm tự hào vì HS tỉnh nhà đã có những sản phẩm đủ sức, đủ tầm để có thể vươn xa trong lĩnh vực nghiên cứu khoa học.

Điều đó đã mang vinh dự về cho nhà trường nói riêng và tỉnh Hậu Giang nói chung, khi tên sản phẩm xuất sắc vượt qua các đội bạn, được xướng tên giành giải Nhất, và tỉnh Hậu Giang được vinh dự đứng thứ Nhì toàn đoàn tại Hội thi Tin học trẻ toàn quốc lần thứ XXIII - năm 2017.

Các thành viên trong nhóm cùng GV hướng dẫn và phụ huynh

Các thành viên trong nhóm cùng GV hướng dẫn và phụ huynh

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Giáo viên Trường THCS Thụy Liên (Thái Thụy, Thái Bình) trong giờ dạy môn Khoa học tự nhiên.

Giúp dạy học hiệu quả môn tích hợp

GD&TĐ - Sau 3 năm triển khai, các nhà trường đã rút ra những kinh nghiệm để triển khai dạy học hiệu quả môn tích hợp, nhất là môn Khoa học tự nhiên.
Minh họa/INT

Bóng ma hạt nhân ở Trung Đông

GD&TĐ - Tình hình Trung Đông đã đột ngột căng thẳng kể từ đêm 13/4 rạng sáng 14/4 khi Iran lần đầu tiên trong lịch sử thực hiện một cuộc không kích quy mô lớn.
Minh họa/INT

Lễ hội nhân dân

GD&TĐ - Tuần lễ du lịch Quảng Ngãi năm 2024 sẽ được bắt đầu vào ngày 22/4 tới.
Minh họa/INT.

Khi giới trẻ tìm về phim lịch sử

GD&TĐ - Tiếp làn sóng ủng hộ phim 'Đào, phở và piano'(Đạo diễn Phi Tiến Sơn), một bộ phận khán giả trẻ quay trở lại tìm kiếm những bộ phim lịch sử, cách mạng.