Mong muốn của đại biểu Cháu ngoan Bác Hồ toàn quốc 2020

GD&TĐ - Tại buổi gặp mặt với lãnh đạo Bộ GD&ĐT, 63 đại biểu thiếu nhi tiêu biểu của Đại hội Cháu ngoan Bác Hồ toàn quốc lần thứ 9, năm 2020 đã bày tỏ mong muốn được học tập trong môi trường giáo dục phát triển toàn diện.

Hà Phương Thảo – đại biểu đến từ Thái Bình bày tỏ ý kiến tại buổi gặp mặt.
Hà Phương Thảo – đại biểu đến từ Thái Bình bày tỏ ý kiến tại buổi gặp mặt.

Em Hà Phương Thảo – đại biểu đến từ Thái Bình chia sẻ: Thời gian vừa qua, nhà trường tổ chức hoạt động giáo dục STEAM dành cho học sinh. Đây là hoạt động bổ ích, đem lại cho học sinh nhiều kiến thức không những về học tập mà còn về kĩ năng mềm, kĩ năng giao tiếp. Thảo bày tỏ mong những hoạt động này sẽ được nhân rộng.

Còn Nguyễn Khánh Sơn – đại biểu tỉnh Hòa Bình cho biết em mong muốn trở thành giáo viên dạy môn Toán và luôn có ý thức học tốt các môn văn hóa. Nhưng sau khi tham dự Đại hội, được giao lưu với các nghệ sĩ em đã nhận ra việc phát triển các môn nghệ thuật trong nhà trường cũng vô cùng quan trọng. Vì vậy, em mong muốn học sinh sẽ được tạo điều kiện cơ hội phát triển các năng lực nghệ thuật.

Võ Anh Thư - đại biểu tỉnh Khánh Hòa bày tỏ: Lớp em được cô giáo tổ chức chương trình định hướng nghề nghiệp vào giờ sinh hoạt lớp rất có ý nghĩa. Thương mong muốn sẽ có chương trình hướng nghiệp dành cho tất cả các bạn học sinh và đề xuất tổ chức hoạt động hướng nghiệp sớm hơn, có thể ngay từ năm học lớp 10...

Võ Anh Thư - đại biểu đến từ Khánh Hòa.
Võ Anh Thư - đại biểu đến từ Khánh Hòa.

Nguyễn Tú Linh – đại biểu đến từ Sơn La cho rằng, hiện nay nhiều bạn chạy theo các môn học tự nhiên như Toán, Vật lý, Hóa học, hoặc chú trọng học tiếng Anh nhưng lại lơ là các môn xã hội như Lịch sử, Địa lý.

“Nhiều bạn giỏi Hóa học, nhớ hóa trị hóa chất, nguyên tố, thuộc 360 động từ bất quy tắc nhưng không thể nhớ nổi 63 tỉnh thành ở Việt Nam. Có bạn còn hỏi em Sơn La là huyện nào của Hà Nội. Vì vậy em mong muốn có những hoạt động bổ ích vừa vui chơi vừa học các môn Lịch sử, Địa lí tìm hiểu phong tục tập quán của mỗi vùng miền” - Linh bày tỏ.

Vũ Ngọc Hà - đại biểu đến từ Yên Bái đề xuất tạo cơ hội hỗ trợ các bạn học sinh vùng cao tủ sách, thư viện sách. Còn Nguyễn Hoàng Thế Kiệt – đại biểu đến từ Thừa Thiên Huế phản ánh tình trạng học sinh phải học thêm quá nhiều, dẫn đến không có thời gian vui chơi, giải trí và thiếu kỹ năng sống, thậm chí không biết giao tiếp với mọi người.

Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Hữu Độ ghi nhận và biểu dương các thành tích đạt được của các đại biểu trong học tập và rèn luyện.
Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Hữu Độ ghi nhận và biểu dương các thành tích đạt được của các đại biểu trong học tập và rèn luyện.

Tại buổi gặp mặt, Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Hữu Độ ghi nhận và biểu dương các thành tích đạt được của các đại biểu trong học tập và rèn luyện; đồng thời cho biết những ý kiến các đại biểu đặt ra chính là những vấn đề Bộ GD&ĐT đang tích cực thay đổi.

Hiện nay, Bộ GD&ĐT đang xây dựng nền giáo dục mở, xóa bỏ rào cản về giáo dục đối với tất cả các vùng miền. Học sinh sẽ được giáo dục để hướng đến trang bị, bồi dưỡng 5 phẩm chất (yêu nước, nhân ái, chăm chỉ lao động, trung thực, trách nhiệm) và 10 năng lực cốt lõi, trong đó có ba năng lực quan trọng tự chủ, giao tiếp và hợp tác.

Giải đáp thắc mắc của các học sinh về chương trình giáo dục phổ thông mới, ông Đỗ Đức Quế - Phó Vụ trưởng Vụ Giáo dục Trung học cho biết: Những điều các em thắc mắc về STEM, phát triển phẩm chất năng lực sẽ được giải quyết trong chương trình giáo dục phổ thông mới.

Mới đây, Bộ GD&ĐT đã ban hành quy định triển khai giáo dục STEM với mục tiêu cuối cùng là phát triển năng lực phẩm chất của các em.

Ông Đỗ Đức Quế - Phó Vụ trưởng Vụ Giáo dục Trung học giải đáp thắc mắc kiến nghị của các em học sinh.
Ông Đỗ Đức Quế - Phó Vụ trưởng Vụ Giáo dục Trung học giải đáp thắc mắc kiến nghị của các em học sinh.

Còn bà Trịnh Hoài Thu - Phó Vụ trưởng Vụ Giáo dục Tiểu học giải đáp thêm về môn học nghệ thuật: Chương trình mới chuyển đổi từ truyền thụ kiến thức chuyển sang dạy học phát triển toàn diện, quan tâm đến năng lực của mỗi cá nhân. Các em có năng khiếu âm nhạc, hội họa, văn học thì đều được phát triển năng lực đó của mình trong quá trình học tập.

Giáo dục nghệ thuật sẽ trở thành người bạn đồng hành trong tất cả các môn học, các em sẽ được học nghệ thuật một cách toàn diện. Giáo dục nghệ thuật không phải dạy để các em trở thành nghệ sĩ, ca sĩ... mà mục đích mang đến cho các em những hiểu biết, cảm thụ về cái hay cái đẹp trong cuộc sống, đặc biệt giáo dục cho các em khả năng phát triển thẩm mĩ.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ