Mô hình đào tạo đột phá trong phát triển nguồn nhân lực

GD&TĐ - Tại Chỉ thị 24/CT-TTg về đẩy mạnh phát triển nhân lực có kỹ năng nghề, Thủ tướng đã giao Bộ LĐ-TB&XH, đề xuất thí điểm đào tạo trình độ cao đẳng cho học sinh tốt nghiệp trung học cơ sở (hệ 9+)...

Với mô hình đào tạo 9+, học sinh có khả năng thực hành nghề ngay từ lúc còn đang học.
Với mô hình đào tạo 9+, học sinh có khả năng thực hành nghề ngay từ lúc còn đang học.

Đây là chương trình đào tạo liên thông, hứa hẹn sự đột phá trong phát triển nhanh nguồn nhân lực chất lượng cao cho đất nước.

Con đường sự nghiệp thích hợp

Ông Trần Thanh Hải, Hiệu trưởng Trường Cao đẳng Viễn Đông cho biết, Chỉ thị của Thủ tướng đã tạo luồng gió mới cho hệ thống giáo dục nghề nghiệp, đặc biệt là tại các cơ sở đào tạo. Phát triển nguồn nhân lực có kỹ năng nghề, trong đó Chỉ thị đề cập thực hiện đào tạo nghề nghiệp cho hệ 9+, vì vậy, nhà trường có thể tập trung đào tạo tốt ở hệ này.

Hiện nay, sau khi tốt nghiệp THCS, THPT các em học sinh lựa chọn đi học cơ sở giáo dục nghề nghiệp là một con đường sự nghiệp thích hợp. Nếu các em chấp nhận được rằng “cuộc chơi” của mình không nhất thiết phải có tấm bằng đại học.

Không học đại học, học sinh vẫn có thể học tại cơ sở giáo dục nghề nghiệp, rồi sau đó vừa đi làm vừa học liên thông lên đại học. Đây là hướng đi hoàn toàn phù hợp với thực tế và các quy định của pháp luật, được Quốc hội khuyến khích quá trình học tập suốt đời của mọi công dân.

“Với kinh nghiệm giảng dạy của tôi, thì những bạn học liên thông, vừa học vừa đi làm sẽ học rất tốt” – ông Trần Thanh Hải khẳng định.

Theo Chỉ thị, Thủ tướng đã giao Bộ LĐ-TB&XH, đề xuất thí điểm đào tạo trình độ cao đẳng cho học sinh tốt nghiệp trung học cơ sở (hệ 9+) và tiếp tục triển khai các chương trình chuyển giao từ nước ngoài có hiệu quả để nhân rộng trong hệ thống giáo dục nghề nghiệp.

Kinh nghiệm quốc tế cho thấy, học sinh tốt nghiệp THCS học lên trung cấp và liên thông lên trình độ cao đẳng là mô hình đào tạo đã được nhiều nước phát triển như Đức, Nhật Bản, Hàn Quốc... áp dụng thành công để tạo ra nguồn nhân lực có kỹ năng nghề cao.

Phân luồng học sinh từ đào tạo 9+

Về các vấn đề chế độ chính sách, việc làm sau học nghề của chương trình đào tạo 9+, ông Trương Anh Dũng – Tổng cục trưởng Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp cho biết, đây là chính sách rất quan trọng của Nhà nước đã có từ trước.

Luật Giáo dục nghề nghiệp có chính sách miễn học phí cho học sinh tốt nghiệp THCS đi học trung cấp. Đây cũng là giải pháp quan trọng để thực hiện phân luồng sau THCS, THPT theo chủ trương của Đảng và Nhà nước.

Các em tốt nghiệp THCS có thể học thẳng trình độ trung cấp để lấy bằng trung cấp và tham gia thị trường lao động. Các em cũng có thể học song song, vừa học chương trình giáo dục nghề nghiệp trình độ trung cấp, đồng thời học đủ khối lượng kiến thức văn hóa để vừa có bằng trung cấp nghề và đủ điều kiện tham dự Kỳ thi THPT để lấy bằng tốt nghiệp THPT, sau đó học liên thông lên trình độ cao đẳng. Tùy theo nhu cầu và điều kiện cá nhân, các em có thể lựa chọn các phương án thích hợp, đây là giải pháp rất tốt để tạo cơ hội cho người học.

Theo ông Trương Anh Dũng, rất mừng, trong thời gian vừa qua phần lớn các trường cao đẳng, trung cấp hiện nay đang thực hiện tuyển sinh đầu vào là học sinh tốt nghiệp THCS, khoảng một nửa số học sinh này có nhu cầu học liên thông lên trình độ cao đẳng.

Chỉ thị 24 của Thủ tướng cũng mở thêm hướng, ngoài miễn giảm học phí học nghề, tùy theo điều kiện của từng địa phương còn có thể giảm thêm cả phần học phí học văn hóa cho các em học sinh tham gia mô hình 9+.

Các phụ huynh và các em học sinh tốt nghiệp THCS hoàn toàn có thể yên tâm với chương trình đào tạo này.

Theo Luật Lao động từ 15 tuổi trở lên, các học sinh tốt nghiệp THCS đã đủ 15 tuổi, chỉ trừ một số nhóm ngành nghề Luật Lao động quy định trên 15 tuổi mới được hành nghề, phần lớn các nghề trên 15 tuổi đã có thể đi làm.

Đối với các em học trung cấp nghề theo chương trình 9+, ra trường doanh nghiệp nhận vào làm việc bình thường. Doanh nghiệp sẽ tạo điều kiện tuyển dụng theo quy định của Bộ luật Lao động.

Đào tạo theo mô hình 9+, trong thời gian học trung cấp, học sinh được học thêm chương trình văn hóa THPT theo quy định của Bộ Giáo dục và Đào tạo để bảo đảm cho học sinh có đủ điều kiện tiếp tục học liên thông lên trình độ cao đẳng, bảo đảm phù hợp với quy định của Luật Giáo dục nghề nghiệp.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ