Thái Nguyên: Phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao, phục vụ sự phát triển chung của tỉnh

GD&TĐ - Sáng 12/10, Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh Thái Nguyên lần thứ XX, nhiệm kỳ 2020 - 2025 đã được khai mạc. Đồng chí Phạm Bình Minh, Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Thủ tướng Chính phủ dự và chỉ đạo Đại hội.

Đồng chí Phạm Bình Minh, Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Thủ tướng Chính phủ phát biểu chỉ đạo tại Đại hội
Đồng chí Phạm Bình Minh, Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Thủ tướng Chính phủ phát biểu chỉ đạo tại Đại hội

Tham dự đại hội có Đồng chí Uông Chu Lưu, Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Phó Chủ tịch Quốc hội; đại biểu là Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, lãnh đạo các Ban, Bộ, ngành trung ương, Quân khu 1, các tỉnh trong khu vực; cùng 350 đại biểu chính thức đã tham dự Đại hội.

Phát biểu chỉ đạo tại Đại hội, đồng chí Phạm Bình Minh, Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Thủ tướng Chính phủ đã nhiệt liệt chúc mừng, biểu dương những thành tích mà Đảng bộ, chính quyền và nhân dân các dân tộc tỉnh Thái Nguyên đã đạt được trong nhiệm kỳ 2015 - 2020.

Đồng chí Phạm Bình Minh khẳng định: “Những kết quả đạt được sau 35 năm đổi mới và trong nhiệm kỳ qua là hết sức đáng tự hào, làm thay đổi rất lớn diện mạo của tỉnh, mang lại cho tỉnh nhiều nguồn lực mới, tạo tiền đề thuận lợi cho phát triển của tỉnh nói riêng và cả nước nói chung trong giai đoạn tiếp theo”.

Đoàn chủ tịch Đại hội nhận quà tặng chúc mừng từ Phó Thủ tướng Chính phủ Phạm Bình Minh
Đoàn chủ tịch Đại hội nhận quà tặng chúc mừng từ Phó Thủ tướng Chính phủ Phạm Bình Minh

Phó Thủ tướng cũng nhấn mạnh một số yêu cầu đối với Thái Nguyên: Cần nhận thức đúng về tình hình và bối cảnh chung, xác định rõ tiềm năng, lợi thế của địa phương, lựa chọn nhiệm vụ trọng tâm và khâu đột phá, để tập trung lãnh đạo, chỉ đạo, tạo bước chuyển biến mới trong phát triển kinh tế - xã hội; Chủ động và tích cực hội nhập quốc tế, nhất là hội nhập kinh tế quốc tế, để thu hút thêm nguồn lực, nâng cao sức mạnh tổng hợp, huy động tiềm năng của toàn xã hội; Tập trung xây dựng kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội của tỉnh, quan tâm công tác quy hoạch và quản lý quy hoạch; Tiếp tục tái cơ cấu ngành nông nghiệp theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững…

Tại Đại hội, thay mặt lãnh đạo tỉnh, đồng chí Bí thư Tỉnh ủy Thái Nguyên Nguyễn Thanh Hải khẳng định: Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh lần thứ XX là một sự kiện chính trị đặc biệt được toàn thể nhân dân các dân tộc trong tỉnh hết sức quan tâm, trông đợi và kỳ vọng. Đại hội sẽ quyết định những chủ trương lớn, quan trọng mang tính định hướng chung cho sự phát triển của Tỉnh nhà trong nhiệm kỳ tới và tầm nhìn cho những năm tiếp theo.

Phát huy truyền thống cách mạng, tinh thần đoàn kết, thống nhất, Đảng bộ và nhân dân các dân tộc tỉnh Thái Nguyên quyết tâm xây dựng tỉnh Thái Nguyên ngày càng phát triển giàu mạnh, đời sống của người dân ngày càng hạnh phúc, ấm no, sung túc; đưa Thái Nguyên trở thành trung tâm kinh tế, công nghiệp lớn, hiện đại không những chỉ của vùng trung du miền núi phía Bắc mà còn của vùng Thủ đô Hà Nội vào năm 2030.

Báo cáo chính trị trình Đại hội đã đánh giá toàn diện, sâu sắc kết quả của tỉnh Thái Nguyên trong giai đoạn 2015 - 2020.

Toàn cảnh Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh Thái Nguyên lần thứ XX, nhiệm kỳ 2020 - 2025
Toàn cảnh Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh Thái Nguyên lần thứ XX, nhiệm kỳ 2020 - 2025

Kinh tế của tỉnh tiếp tục duy trì đà tăng trưởng; các chỉ tiêu kinh tế - xã hội đều đạt và vượt mục tiêu Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XIX đề ra; cơ cấu kinh tế chuyển dịch nhanh và bứt phá ở khu vực công nghiệp. Thu ngân sách nhà nước năm 2020 gấp 2,1 lần so với năm 2015. Môi trường đầu tư, năng lực cạnh tranh và thu hút đầu tư có nhiều chuyển biến tích cực. Kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội được quan tâm đầu tư nâng cấp. Diện mạo của tỉnh từ thành thị đến nông thôn có nhiều khởi sắc.

Công tác xây dựng Đảng, xây dựng hệ thống chính trị được tăng cường trên các mặt chính trị, tư tưởng, tổ chức và đạo đức; hoạt động của chính quyền và đoàn thể các cấp có những chuyển biến tích cực. Quốc phòng, quân sự địa phương, an ninh được bảo đảm; trật tự, an toàn xã hội được giữ vững, ổn định, tạo điều kiện thuận lợi phát triển kinh tế - xã hội.

Nhiều giá trị văn hóa truyền thống của dân tộc được bảo tồn và phát huy; công tác an sinh xã hội được bảo đảm, dân trí được nâng lên; chất lượng cuộc sống của đại bộ phận nhân dân ngày càng được cải thiện và nâng cao.

Đại hội đã đề ra mục tiêu tổng quát trong nhiệm kỳ 2020 - 2025: Tăng cường xây dựng, chỉnh đốn Đảng và hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh, tinh gọn, hiệu lực, hiệu quả; bảo đảm quốc phòng, an ninh; huy động, sử dụng hiệu quả các nguồn lực, nâng cao toàn diện đời sống nhân dân các dân tộc trong tỉnh; xây dựng Thái Nguyên trở thành một trong những trung tâm kinh tế công nghiệp hiện đại của khu vực trung du, miền núi phía Bắc và vùng Thủ đô Hà Nội vào năm 2030.

Là một trong số những trung tâm giáo dục - đào tạo lớn nhất của cả nước, Thái Nguyên đặc biệt chú trọng lĩnh vực này khi đề ra nhiều nhiệm vụ, giải pháp quan trọng. Cụ thể: 

Tiếp tục đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo theo hướng nâng cao chất lượng; phát triển toàn diện con người. Bảo đảm đủ số lượng, nâng cao chất lượng, năng lực nghề nghiệp của đội ngũ giáo viên và cán bộ quản lý giáo dục theo chuẩn nghề nghiệp mới.

Triển khai thực hiện có hiệu quả chương trình giáo dục phổ thông; củng cố vững chắc và nâng cao chất lượng phổ cập giáo dục các cấp học và trường chuẩn quốc gia; đổi mới mạnh mẽ cơ chế quản lý giáo dục, công tác quản trị, tăng quyền tự chủ của các cơ sở giáo dục, đào tạo; chuẩn hóa, tăng cường hội nhập quốc tế và khai thác hiệu quả các thành tựu của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư.

Phát huy tiềm năng, thế mạnh của Đại học Thái Nguyên và các trường đại học thành viên trong nghiên cứu khoa học, trong đào tạo, phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao phục vụ trực tiếp việc thực hiện các chỉ tiêu phát triển chung của tỉnh.

Đẩy mạnh xã hội hóa, huy động các nguồn lực phát triển giáo dục và đào tạo. Tạo điều kiện chuyển đổi mô hình các cơ sở giáo dục mầm non, trung học phổ thông từ công lập ra ngoài công lập ở những nơi có khả năng xã hội hóa cao phù hợp với chủ trương của Đảng. Tiếp tục quan tâm đến giáo dục ở vùng đặc biệt khó khăn, vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ