Hướng nghiệp theo mùa như chờ… sung rụng!

GD&TĐ - Dù được quan tâm, tuy nhiên nhiều chương trình hướng nghiệp cho học sinh vẫn chưa thực sự mang lại hiệu quả cao. Nhiều chuyên gia cho rằng, không phải chỉ chờ đến mùa mới tư vấn hướng nghiệp.

Ảnh minh họa/INT
Ảnh minh họa/INT

Tăng cường trải nghiệm nghề nghiệp sớm

Anh Giang Quốc Cường, huyện Đoàn Khoái Châu, tỉnh Hưng Yên chia sẻ: Theo thống kê hàng năm, nhu cầu của xã hội và thị trường lao động đối với nhân lực đã qua đào tạo là rất lớn. Tuy nhiên, tỷ lệ học sinh phổ thông vào học nghề vẫn chưa đáp ứng được số lượng và chất lượng.

Vì vậy, cần nắm bắt được nguyên nhân của thực trạng này. Từ đó có những giải pháp về vấn đề hướng nghiệp, đào tạo nghề cho học sinh trong giai đoạn tiếp theo.

Liên quan đến vấn đề này, ông Bùi Quang Huy, Bí thư thường trực TƯ Đoàn cho biết, nhiều bạn có tâm lý đã đi học phải học đại học, không quan tâm đến việc mình có thích không, có phù hợp không. Điều đó làm cơ cấu học tập bị lệch, dẫn đến một bộ phận tốt nghiệp đại học nhưng không có việc làm.

Trong những năm qua việc này đã có điều chỉnh rất lớn. Các trường nghề đã đẩy mạnh hoạt động, nhiều trường cam kết việc làm cho người học sau khi ra trường, vì thế sự chuyển dịch học nghề có xu hướng tăng lên.

Để khắc phục tình trạng này, ông Bùi Quang Huy nhấn mạnh phải thay đổi nhận thức của chính học sinh, sinh viên. “Các bạn chọn nghề phải phù hợp điều kiện, hoàn cảnh, sở trường của mình. Không nên chạy theo xu thế trong khi điều đó không phù hợp với bản thân.

Thời gian qua, T.Ư Đoàn đã tham gia thực hiện giáo dục trải nghiệm nghề nghiệp cho học sinh ngay từ THCS. Đồng thời, tổ chức các giải thưởng tôn vinh những người giỏi nghề như: Người thợ trẻ giỏi, học sinh ba rèn luyện… Sắp tới, tổ chức Đoàn sẽ tổ chức nhiều hoạt động tư vấn hướng nghiệp và tư vấn nâng cao nhận thức, thay đổi nhận thức cho đoàn viên thanh niên trong thời gian tới”, ông Huy nói.

Ông Bùi Quang Huy cũng nhấn mạnh, cần làm sao để có nguồn nhân lực bảo đảm chất lượng đáp ứng với nhu cầu xã hội. Muốn vậy, các nhà trường cần thực hiện giáo dục trải nghiệm nghề nghiệp cho học sinh, sinh viên ngay từ khi đi học. Các em có thể học và hình dung ra các ngành nghề trong tương lai. Đồng thời định hướng cho các em trải nghiệm từ những giờ ngoại khóa.

Thực tế nhiều người học và ra làm nghề có thu nhập rất cao. Chúng ta cần tiếp tục tôn vinh các bạn thanh niên giỏi nghề. Đây cũng là cách để hướng nghiệp hiệu quả, thiết thực hơn. T.Ư Đoàn cũng đang làm phần mềm trải nghiệm thực tế ảo để các em hình dung về nghề nghiệp tương lai. Đồng thời có nhiều hoạt động tư vấn hướng nghiệp để có thêm thanh niên giỏi vào học nghề, đóng góp cho sự phát triển của đất nước.

Bà Ngô Minh Thủy - Phó HT Trường Đại học Ngoại ngữ (ĐHQGHN) cho rằng: Cái khó chung của công tác hướng nghiệp hiện nay là thiếu đội ngũ giáo viên chuyên trách, thiếu tài liệu tham khảo về xu hướng ngành nghề mới. 

Hơn nữa, thời lượng dành cho chương trình giáo dục hướng nghiệp còn ít. Ngoài ra, hoạt động ngoại khóa, đưa học sinh đi tham quan, trải nghiệm thực tế cũng gặp nhiều khó khăn do thiếu kinh phí, chưa nhận được sự quan tâm của một số doanh nghiệp cũng như cha mẹ học sinh.

Cơ hội việc làm từ hướng nghiệp sớm

Nhiều chuyên gia cho rằng hiện nay việc Bộ Giáo dục và Đào tạo xây dựng và đang lấy ý kiến đóng góp vào dự thảo Thông tư Quy định công tác hướng nghiệp, tư vấn việc làm và hỗ trợ khởi nghiệp trong các cơ sở giáo dục là rất cần thiết.

Điều này thể hiện tầm quan trọng của công tác hướng nghiệp. Các cơ sở cần tổ chức cho học sinh ngay từ cấp tiểu học chứ không phải chỉ tập trung vào cuối bậc học THCS, THPT hoặc thời điểm cận kề mỗi mùa tuyển sinh. 

Bà Ngô Minh Thủy cho biết thêm, ở các trường đại học, không chỉ tập trung vào việc nâng cao chất lượng đào tạo mà cần tiến hành nhiều hoạt động hướng nghiệp cho sinh viên, kết nối các em với các nhà tuyển dụng.

Đây là dịp để các sinh viên gặp gỡ, có thêm những kiến thức liên quan đến các cơ quan, doanh nghiệp và nhu cầu của xã hội. Từ đó, các em có thể kiểm nghiệm năng lực của bản thân, trải nghiệm và định hướng cho nghề nghiệp trong tương lai.

Thông qua Ngày hội việc làm, nhiều sinh viên năm thứ nhất, năm thứ hai, năm thứ ba có thể tìm được cơ hội thực tập hoặc kiến tập. Sinh viên năm cuối có thể tìm được việc làm phù hợp và được tuyển dụng. 

Bên cạnh đó, nhà trường và các cơ quan doanh nghiệp có cơ hội thắt chặt mối quan hệ hợp tác vì sự phát triển của mỗi bên và của xã hội nói chung. Đồng thời đó cũng là cơ hội để các cơ quan, doanh nghiệp giới thiệu hình ảnh và nội dung hoạt động của mình tới đông đảo các em sinh viên. 

Ngoài ra, cần đổi mới công tác tuyển sinh và chú trọng công tác hướng nghiệp cho học sinh, sinh viên. Ở mỗi người cũng cần xác định chọn nghề đúng năng lực bản thân. Bởi việc này có ý nghĩa đối với cả cuộc đời con người. Cần ưu tiên cho sở thích, sở trường nhưng cũng cần xác định sự khác biệt giữa sở thích và năng lực phù hợp để tránh ngộ nhận khi chọn lựa ngành nghề.

Thực tế, nhiều học sinh còn băn khoăn giữa học đại học hay học nghề tại các cơ sở GDNN. Đối với các nhà tư vấn hướng nghiệp, để có ngay một lời khuyên cho vấn đề này là rất khó. 

Giảng viên Kiều Văn Trung – Phòng Đào tạo Trường ĐH FPT cho biết: Đại học, hay học nghề là để phục vụ cho yêu cầu của công việc ở từng cấp độ khác nhau. Chúng ta không thể phủ nhận việc học đại học là rất cần thiết. Tuy nhiên, học vào thời điểm nào và phục vụ mục đích gì rất quan trọng. 

Do đó, để xác định việc học đại học hay học nghề, người học cần xác định các yếu tố bảo đảm tính phù hợp. Đó là các yếu tố như năng lực bản thân, sở thích và bối cảnh, nhu cầu xã hội. Khi đã hiểu được thế mạnh của mình thì bước tư vấn hướng nghiệp càng đem lại hiệu quả cao.

Ông Kiều Văn Trung cũng cho biết thêm, để từng bước khắc phục tình trạng có những ngành đổ dồn lượng thí sinh lựa chọn, trong khi có những ngành dù thị trường lao động đang cần nhưng lại khó tuyển sinh, cần có giải pháp lâu dài.

Các cơ quan quản lý Nhà nước, các cơ sở đào tạo cần có nhiều hơn các chính sách khuyến khích người học như miễn, giảm học phí, cấp học bổng, cam kết hỗ trợ việc làm… Nhưng, một trong những giải pháp mang tính quyết định vẫn là tăng cường tuyên truyền, tư vấn định hướng nghề cho cả học sinh và phụ huynh học sinh.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Ngoại trưởng Ukraine Dmitry Kuleba

Kiev khẳng định không có Kế hoạch B

GD&TĐ - Ngoại trưởng Ukraine cho biết, Kiev không có kế hoạch B cho cuộc xung đột với Nga nếu Quốc hội Mỹ từ chối phê duyệt thêm viện trợ quân sự cho nước này.
Giáo viên Trường Tiểu học Lê Đình Chinh với sáng kiến tổ chức cho học sinh viết thư “điều con muốn nói” gửi đến ba, mẹ trong buổi họp sơ kết học kỳ I năm học 2023 - 2024. Ảnh: PV

Chống 'sốc' cho giáo viên trẻ

GD&TĐ - Không chỉ gặp khó khăn về phương pháp sư phạm, nhiều giáo viên trẻ còn hạn chế trong kỹ năng quản lý lớp học, tương tác với phụ huynh, học sinh…