Đạt 27,75 khối C, nữ sinh dân tộc Thái đi làm thêm kiếm tiền vào ĐH

GD&TĐ - Đạt 27,75 điểm khối C, nữ sinh Lục Thị Doanh (lớp 12C2, Trường THPT Dân tộc nội trú số 2 Nghệ An) nằm trong tốp đầu học sinh điểm cao xứ Nghệ. Điều bất ngờ là em không tự thưởng cho mình thời gian nghỉ sau chuỗi ngày học tập căng thẳng, mà đã đi làm thêm.

Nữ sinh người Thái - Lục Thị Doanh hiện đang làm thêm ở một quán cafe để  kiếm tiền chuẩn bị vào ĐH
Nữ sinh người Thái - Lục Thị Doanh hiện đang làm thêm ở một quán cafe để kiếm tiền chuẩn bị vào ĐH

“Em muốn tranh thủ kiếm tiền để trang trải cuộc sống sinh viên sắp tới. Bây giờ em không là học sinh được thầy cô, nhà trường lo cho nữa, mà phải tự lập rồi” nữ sinh người dân tộc Thái tâm sự.

Sức bật của cô học trò người Thái

Kỳ thi THPT quốc gia, em Lục Thị Doanh đạt 27,75 điểm khối C (Ngữ văn 9.25 điểm, Lịch sử: 9.00 điểm, Địa lí: 9.5 điểm) nằm trong tốp đầu học sinh điểm cao xứ Nghệ. Kết quả này khiến các thầy cô, bạn bè vui mừng, phấn khởi mà còn vô cùng khâm phục.

Doanh sinh ra trong một gia đình người dân tộc Thái nghèo ở xã khó khăn Nghĩa Đức, huyện Nghĩa Đàn. Khi xa nhà xuống TP Vinh học nội trú, phía sau em là niềm tin, kỳ vọng của bố mẹ - suốt đời gắn bó với nương rẫy, mong mỏi các con tự lập nên người.

Nữ sinh người Thái đạt 27,75 khối C nằm trong tốp học sinh điểm cao xứ Nghệ
 Nữ sinh người Thái đạt 27,75 khối C nằm trong tốp học sinh điểm cao xứ Nghệ

Bố em không may mắc bệnh hiểm nghèo, chứng suy thận bào mòn sức lực, thời gian nằm viện nhiều hơn ở nhà. Chỉ còn mẹ em là lao động chính, lo cho chồng bạo bệnh, nuôi các con đi học. Cũng chính vì thế, Doanh đã sớm đặt ra cho mình mục tiêu học tập rõ ràng, không để bố mẹ phải lo lắng cho mình.

“Điều may mắn là em được các thầy cô ở trường hết sức quan tâm, bày dạy từng chút một. Ngoài kiến thức, thầy cô còn dạy em phương pháp tự học, học nhóm, các kỹ năng giao tiếp, ứng xử”.

Trong suốt 3 năm THPT, Lục Thị Doanh luôn giữ vị trí tốp đầu về học tập trong lớp. Ngoài ra, em còn năng nổ tham gia hoạt động phong trào, đoàn thanh niên, chương trình ngoại khóa.

Lục Thị Doanh (ngoài cùng bên phải) được kết nạp Đảng khi còn là học sinh lớp 12
 Lục Thị Doanh (ngoài cùng bên phải) được kết nạp Đảng khi còn là học sinh lớp 12

Đến năm lớp 12, sau mấy lần thi thử chỉ đạt 22 – 23 điểm, Doanh tự nhủ, cần phải đầu tư ôn tập, luyện đề nhiều hơn nữa. Nhưng khi đang vào giai đoạn tăng tốc cho kỳ thi, thì bố em đột ngột qua đời. “Em vừa về thăm nhà rồi xuống trường được 3 ngày thì mẹ báo tin. Em không tin nổi, lúc em ở nhà bố vẫn đang còn đi lại được…”, Doanh nghẹn ngào. 

Đó là cú sốc lớn, khiến em phải mất mấy tháng mới có thể bình tâm. Nữ sinh nhớ lại: “Khi quay về trường, em đã rất cố gắng tập trung học tập, nhưng mỗi lần nhớ nhà, nhớ bố em không kìm được, lại khóc. Sau đó, em đã luôn tin tưởng mình, kỳ thi đến gần, không còn nhiều thời gian, em phải mạnh mẽ lên”. Lục Thị Doanh còn đặt ra mục tiêu cho mình là phải đạt trên 26 điểm để được tỉnh Nghệ An vinh danh.

Đi làm thêm nuôi ước mơ thành cô giáo

Nữ sinh cho biết, mình và các bạn trong lớp mỗi ngày học tới 3 – 4 ca: sáng, chiều, tối và khuya. Nhà trường cũng tạo điều kiện, luôn mở cửa lớp cho học sinh lên ngồi tự học.

Doanh còn đăng ký tham gia tất cả các cuộc thi thử do trường tổ chức. Tìm trên mạng Internet đề thi thử của trường THPT ở Nghệ An và cả tỉnh Thanh Hóa, Hà Tĩnh. Qua đó, rèn luyện kỹ năng làm bài. Sau khi thi xong, chỉ riêng đề thi 3 môn Văn – Sử - Địa mà nữ sinh này sưu tầm đã đầy 1 vali tặng lại cho các em khóa sau.

“Khi Bộ GD&ĐT công bố điểm thi, nhìn thấy kết quả chính thức của mình, em vô cùng vui mừng, phấn khởi. Em không quá bất ngờ về điểm số đó, nhưng vậy là em đã hoàn thành được mục tiêu đặt ra, đã thực hiện được lời hứa với bố mẹ”, Lục Thị Doanh chia sẻ.

Thứ trưởng Nguyễn Thị Nghĩa trong dịp về thăm cô trò lớp 12C2 Trường THPT DTNT số 2 Nghệ An
 Thứ trưởng Nguyễn Thị Nghĩa trong dịp về thăm cô trò lớp 12C2 Trường THPT DTNT số 2 Nghệ An

Nói về dự định tương lai, nữ sinh cho biết em đăng ký xét tuyển vào Sư pham Ngữ Văn (ĐH Vinh) để thực hiện ước mơ trở thành cô giáo của mình. Hiện em xin mẹ cho xuống TP Vinh đi làm thêm.

“Bây giờ em không còn là học sinh nữa, không được thầy cô, nhà trường nuôi ăn ở như lúc học nội trú. Vì thế, em muốn đi làm kiếm tiền chuẩn bị cho cuộc sống sinh viên tự lập. Em cũng muốn va chạm với cuộc sống xã hội để học các kỹ năng giao tiếp, ứng xử”, nữ sinh dân tộc Thái chia sẻ.

Đều là học sinh DTTS, các bạn trong lớp đoàn kết, yêu thương và cùng phấn đấu học tập để đạt điểm cao thi THPT quốc gia
Đều là học sinh DTTS, các bạn trong lớp đoàn kết, yêu thương và cùng phấn đấu học tập để đạt điểm cao thi THPT quốc gia 

Nói về học trò của mình, cô Nguyễn Thị Bính, giáo viên chủ nhiệm lớp 12C2 tự hào: “Em Lục Thị Doanh là một học sinh có tố chất thông minh, đặc biệt là chăm ngoan, lễ phép, ham học hỏi và tính tự lập cao. Năm lớp 12, Doanh mất bố nhưng đã cố gắng vượt qua nỗi đau, kết quả này là sức bật đáng nể của em.

Em cũng rất hòa đồng, vui vẻ, biết quan tâm đến mọi người. Không chỉ học tốt em còn là một cán bộ Đoàn năng nổ, có năng khiếu ca hát, là đầu tàu cho phong trào của lớp, của trường. Doanh cũng là 1 trong 5 học sinh của trường được kết nạp vào Đảng cộng sản Việt Nam trong tháng 5 vừa qua”.

Lớp học 100% HS dân tộc thiểu số đạt 21,5 điểm khối C trở lên

Lớp 12C2, Trường THPT Dân tộc nội trú số 2 tỉnh Nghệ An có thành tích hết sức đáng nể với tất cả 28 học sinh đều đạt từ 21,5 điểm khối C trở lên.

Trong đó có 5 em đạt từ 26 điểm trở lên là em Lục Thị Doanh (27,75 điểm); em Lương Thị Phương Thảo (26,75 điểm); em Lang Xuân Diệu (26,25 điểm) và 2 em Vi Thị Kim Dung, Lữ Thị Đàm cùng đạt 26 điểm.

Học sinh của lớp đều là người DTTS, xa nhà đi học, các em đã cố gắng, đoàn kết, yêu thương nhau, cùng có mục tiêu vào đại học. Trong đó, có những em hoàn cảnh đặc biệt khó khăn nhưng vẫn đạt điểm cao. Như em Lang Xuân Diệu (huyện biên giới Quế Phong), em Lữ Thị Đàm (huyện Quỳ Châu) mẹ đi làm xa, các em ở với bà ngoại. Hè về các lại đi làm, đi rẫy giúp bà.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Ảnh minh họa.

Xóa định kiến

GD&TĐ - Xóa bỏ định kiến về giới tính trong lựa chọn ngành, trường học, nghề nghiệp là vấn đề đặt ra nhiều năm nay và đã có những chuyển biến tích cực.