Đào tạo theo mô hình 9+: Thêm lao động có tay nghề tốt

GD&TĐ - Hiện nay, học sinh tốt nghiệp THCS có thể lựa chọn học văn hóa song song với học nghề (mô hình 9+) ở nhiều trình độ khác nhau. Đây là cơ hội tốt để các trường nghề mở rộng đối tượng tuyển sinh.

Giờ học thực hành nấu ăn của HS Trường Trung cấp nghề nấu ăn – nghiệp vụ du lịch và thời trang Hà Nội.
Giờ học thực hành nấu ăn của HS Trường Trung cấp nghề nấu ăn – nghiệp vụ du lịch và thời trang Hà Nội.

Đào tạo hệ 9+ trung cấp phù hợp với HS tốt nghiệp THCS

Đón bắt nhu cầu HS học theo mô hình 9+, từ năm học 2019 - 2020, Trường Cao đẳng nghề Công nghiệp Hà Nội bắt đầu tuyển sinh đào tạo nghề hệ 9+ trung cấp với các ngành học như công nghệ thông tin, điện – điện tử, cơ khí, công nghệ ô tô…

Theo cô Phạm Thị Hường - Hiệu trưởng nhà trường, sau hai năm tuyển sinh, số lượng HS đăng ký theo học mô hình 9+ trung cấp của nhà trường đang tăng dần từ 193 HS năm học 2019 - 2020 lên 250 em năm học này. Nhiều phụ huynh đã chủ động tìm đến trường để được tư vấn và đăng ký học cho con em mình.

Điều đó chứng tỏ nhận thức của phụ huynh HS đã có nhiều thay đổi. Đánh giá về chất lượng HS học theo mô hình 9+ trung cấp, cô Hường cho biết: Giai đoạn đầu khi HS mới vào học cũng gặp một số khó khăn nhưng chỉ sau một học kì đã thấy có sự thay đổi, nhiều em rất thích học nghề. Hiện nay, nhóm ngành công nghệ ô tô, điện – điện tử với các nghề như kỹ thuật máy lạnh và điều hòa không khí, điện dân dụng đang thu hút nhiều HS.

Chia sẻ thêm về việc đào tạo mô hình 9+, cô Hường cho biết, nhà trường chưa thực hiện đào tạo thí điểm hệ 9+ cao đẳng bởi với HS từ THCS lên, học song bằng giữa chương trình văn hóa với chương trình cao đẳng nghề sẽ hơi nặng với các em.

Đối với các ngành học ở khối dịch vụ nhà hàng, khách sạn, du lịch thì có thể được, nhưng đối với các nghề về kỹ thuật như cơ khí, điện, ô tô đòi hỏi vừa phải có kiến thức chuyên môn vừa có kỹ năng tay nghề cao. Vì vậy, sau khi các em học xong 3 năm được cấp bằng THPT, trung cấp nghề chính quy, rồi học liên thông lên cao đẳng nghề sẽ phù hợp hơn.

Với các em không có nhu cầu học liên thông, học xong trung cấp nghề ra trường, hoàn toàn có thể gia nhập thị trường lao động vì lúc đó các em vừa có bằng THPT, vừa có tay nghề và đủ tuổi lao động.

Là một trong những trường có thế mạnh nhất trong việc phối hợp với các doanh nghiệp như Công ty Samsung, Hyundai Đông Nam, Công ty Kim khí Thăng Long… đặc biệt năm học 2020 - 2021, nhà trường đã ký đào tạo song hành với Tập đoàn Vinfast với nghề cơ điện tử và công nghệ ô tô, nên sinh viên học đến năm thứ 3 tại trường đều được các doanh nghiệp tuyển dụng hết.

HS nhà trường có rất nhiều cơ hội lựa chọn công việc khi ra trường. Cô Hường thông tin thêm, hiện nay nhu cầu về nhân lực của các doanh nghiệp là rất lớn, tuyển cả lao động phổ thông. Bởi vậy với HS theo học hệ 9+ trung cấp, học song bằng giữa trung cấp nghề và văn hóa, khi ra trường, các em có thể đáp ứng được nhu cầu của rất nhiều doanh nghiệp. 

Cần đầu tư cơ sở vật chất

Trao đổi về vấn đề hướng nghiệp nghề, thầy Nguyễn Xuân Hùng – Hiệu trưởng Trường Trung cấp nghề nấu ăn – nghiệp vụ du lịch và thời trang Hà Nội cho biết, việc phân luồng học sinh sau THCS bước đầu đã thay đổi ý nghĩ, tư duy, cách nhìn nhận của xã hội, người học thấy tin tưởng hơn. Việc phân luồng cũng góp phần tạo điều kiện cho các trường trung cấp, cao đẳng nghề trong công tác tuyển sinh.

Từ cách đây 5 năm, nhà trường đã có sự liên kết với các trung tâm GDNN - GDTX để dạy nghề cho HS của các trung tâm. Hai năm trở lại đây, nhà trường bắt đầu có chỉ tiêu HS học theo mô hình 9+. Nhưng vì không có chức năng giảng dạy về văn hóa, nên nhà trường phải liên kết với các trung tâm GDNN - GDTX để dạy văn hóa cho HS, còn nhà trường sẽ dạy nghề, trong công tác quản lý nhà trường sẽ quản lý chung.

Với thế mạnh của nhà trường là dạy nghề nấu ăn nên số HS đăng ký theo học nghề này chiếm tỷ lệ lớn trong số các ngành nghề mà nhà trường đang đào tạo. 70% HS của nhà trường làm việc tại các khách sạn chủ chốt trên địa bàn Hà Nội. Hiện nay, với hệ trung cấp chỉ tiêu tuyển sinh của nhà trường là 700, riêng với hệ 9+, chỉ tiêu nhà trường được giao là 80 nhưng nhà trường đã tuyển sinh được khoảng 90 HS.

Theo thầy Hùng với cách tư duy nhìn nhận đã có nhiều thay đổi chắc chắn những năm tiếp theo, số lượng HS theo mô hình 9+ sẽ tăng. Tuy nhiên, thầy Hùng cũng cho biết, hiện nay cơ sở vật chất của nhà trường cũng còn nhiều hạn chế, nhất là với các trường dạy nghề cần thực hành nhiều. Nếu có cơ sở vật chất tốt hơn sẽ thuận lợi cho nhà trường trong công tác tuyển sinh.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ