"Tiếp lửa" đam mê sáng tạo cho những nhà khoa học trẻ

Euréka đã đồng hành và kết nối niềm đam mê nghiên cứu của nhiều thế hệ SV
Euréka đã đồng hành và kết nối niềm đam mê nghiên cứu của nhiều thế hệ SV

20 năm một hành trình gieo tình yêu khoa học

PGS. TS Trần Minh Triết, từng tham gia giải thưởng sinh viên nghiên cứu khoa học  (SV NCKH) Euréka và đạt giải nhất năm 2001. Sau đó, thầy tham gia công tác giảng dạy tại trường ĐH Khoa học Tự nhiên, ĐH Quốc gia TPHCM. Mới đây, PGS.TS Trần Minh Triết được bổ nhiệm làm Phó hiệu trưởng Trường ĐH Khoa học Tự nhiên, ĐH Quốc gia TPHCM.

PGS.TS Trần Minh Triết, chia sẻ về những kỷ niệm ngày đầu đến với Euréka tại buổi giao lưu tổng kết 20 năm giải thưởng.
 PGS.TS Trần Minh Triết, chia sẻ về những kỷ niệm ngày đầu đến với Euréka tại buổi giao lưu tổng kết 20 năm giải thưởng.

Thầy Triết là người hướng dẫn trực tiếp nhiều thế hệ SV trong các đề tài nghiên cứu, đặc biệt trong lĩnh vực trí tuệ nhân tạo. Đặc biệt, các SV, nhóm SV do thầy Triết hướng dẫn đã đạt 1 giải đặc biệt và 6 giải nhất của Euréka các năm qua.

Không nằm trong danh sách mời tham dự chung kết giải thưởng Euréka năm 2018 mới đây, nhưng thầy Triết vẫn tới và đứng ở một góc nhỏ để quan sát những đề tài nghiên cứu của các bạn SV.

Những ký ức của chính bản thân mình cách đây gần 20 năm như tái hiện trước mắt thầy. “Quả thật Euréka ngày càng có sự phát triển vượt bậc. Cách đây mấy chục năm thế hệ chúng tôi điều kiện NCKH còn khó khăn, nhưng bây giờ SV có nhiều thuận lợi hơn và các bạn cũng đã có những góc nhìn thực tế hơn khi tìm cách giải quyết những vấn đề hiện hữu trong cuộc sống bằng khoa học” - TS Triết bày tỏ.

PGS.TS Đỗ Thị Hồng Tươi, giảng viên khoa Dược, ĐH Y Dược TPHCM “bén duyên” với giải thưởng Euréka từ năm 2005, chị giành “cú đúp” với một giải nhất và giải nhì năm đó. Nhưng khi về làm công tác nghiên cứu tại khoa Dược, ĐH Y Dược TPHCM thừa nhận, chính SV là người kéo tôi ra khỏi những nghiên cứu hàn lâm, thiếu thực tế.

Chị nói, SV luôn nhạy cảm với những vấn đề của cuộc sống. Và nhiều em đặt ra những ý tưởng giải pháp cho những vấn đề xung quanh mình. Khi đó, các em trao đổi lại với giảng viên để cùng thảo luận về đề tài nghiên cứu.

“Chính điều đó đã khiến cho tôi tư duy cởi mở hơn như cách đây 13 năm tôi NCKH. Từ một đề tài về dược, nghiên cứu của tôi được Thành đoàn TPHCM giới thiệu đến công ty dược có tiếng. Nay, những bạn SV đã tiếp thêm động lực cho tôi với những tư duy mới mẻ như thế”- PGS.TS Đỗ Thị Hồng Tươi tâm sự.

Euréka đã trở thành sân chơi khoa học quen thuộc của nhiều thế hệ SV.
 Euréka đã trở thành sân chơi khoa học quen thuộc của nhiều thế hệ SV.

Những vấn đề mắt thấy, tai nghe trong cuộc sống được tiếp nối bằng câu chuyện về những tính thực tế về đề tài NCKH của Nguyễn Thị Thu Thảo, SV trường ĐH Y Dược TPHCM.

Thảo kể, ngay từ khi học năm 2 đã được nhà trường tạo điều kiện theo thầy cô, anh chị làm NCKH. Trong chuyến thực tập tại trung tâm y tế dự phòng thành phố, Thảo nhận thấy bệnh sốt xuất huyết có số ca mắc tăng cao, chưa có thuốc điều trị đặc hiệu và vắc xin phòng ngừa. Từ câu chuyện đó, Thảo đã nghĩ đến ý tưởng xây dựng một hình dự báo hỗ trợ việc phòng chống dịch bệnh.

Thảo sử dụng yếu tố thời tiết dự báo sớm dịch sốt xuất huyết tại TPHCM. Đồng thời, Thảo đã xây dựng một ứng dụng di động để hỗ trợ về thông tin cho cán bộ tại các Trung tâm Y tế dự phòng về các địa phương sử dụng trong công tác phòng chống dịch.

Đề tài này sẽ được Trung tâm y tế dự phòng TPHCM tiếp nhận để triển khai trong việc ứng dụng.

Vượt lên số phận bằng đam mê và tình yêu khoa học

Câu chuyện của PGS.TS Trần Minh Triết và của bạn Nguyễn Thị Thu Thảo gợi cho nhiều người suy nghĩ về đức tính tìm tòi những vấn đề trong cuộc sống và dấn thân để giải quyết nó. Còn đối với những bạn trẻ có hoàn cảnh thiệt thòi, khó khăn hơn, liệu lòng đam mê và dấn thân của họ có mạnh mẽ hơn?

Bà Võ Thị Dung, Phó bí thư Thành ủy TPHCM tặng hoa chúc mừng cho Đinh Văn Lộc, một SV khiếm thị nhưng đam mê khoa học.
Bà Võ Thị Dung, Phó bí thư Thành ủy TPHCM tặng hoa chúc mừng cho Đinh Văn Lộc, một SV khiếm thị nhưng đam mê khoa học.

Vàng Sảo Hai, SV trường ĐH Nông lâm - ĐH Thái Nguyên và Đinh Văn Lộc, SV trường ĐH Sư phạm TPHCM là những minh chứng của câu chuyện đó.

Sảo Hai là một SV dân tộc Mông. Để vào giảng đường ĐH là cả một sự nỗ lực không ngừng nghỉ. Còn với nghiên cứu khoa học, nó còn là một vấn đề mà ngay cả những người thân trong gia đình Sảo Hai còn chưa bao giờ nghĩ tới. Vậy mà Sảo Hai đã có riêng cho mình những sản phẩm đầu tay từ quá trình học tập tại trường.

Lý do, chọn đề tài của Sảo Hai xuất phát từ đồng bào dân tộc tại Thái Nguyên - quê hương của bạn - có nhiều kinh nghiệm quý sử dụng cây thuốc chữa bệnh. Từ câu chuyện đó, Hai đã điều chế một loại dung dịch tinh chiết từ các cây thuốc gia truyền của bà con dân tộc nhằm giúp kiểm soát vấn đề nhiễm khuẩn trong bệnh viện và trong đời sống hằng ngày.

“Sản phẩm này của nhóm khi tham gia Euréka đã được nhiều bạn SV các trường khác quan tâm. Một số bạn còn gợi ý nhóm nên đăng ký sở hữu trí tuệ trước khi thương mại hóa. Bản thân mình cảm thấy rất may mắn khi nhận được sự quan tâm của những người bạn cùng yêu thích nghiên cứu trong cộng đồng những nhà khoa học trẻ khắp mọi miền đất nước”- Sảo Hai tâm sự.

Biểu đồ số lượng đề tài tham gia Euréka qua các năm.
 Biểu đồ số lượng đề tài tham gia Euréka qua các năm.

Đinh Văn Lộc, SV trường ĐH Sư phạm TPHCM, là một người khiếm thị. Dù không có đôi mắt, Lộc vẫn còn đôi tai để lắng nghe các chương trình thời sự trên sóng radio. Những vụ xâm hại tình dục đối với trẻ em tiểu học cứ ám ảnh và thôi thúc cậu tạo ra một sản phẩm giáo dục điện tử nhằm giúp các em phòng tránh bị xâm hại tình dục.

Bắt tay vào thực hiện dự án, Lộc nhờ bạn bè đọc các tài liệu về vấn đề xâm hại tình dục để ghi nhớ và rút ra được các phương pháp luận cho đề tài. Tiếp đến, Lộc tiến hành thực nghiệm tại các trường tiểu học bằng các bảng hỏi làm cơ sở cho hướng nghiên cứu.

“Mình không cói đôi mắt để quan sát nhưng mình còn có đôi tai để lắng nghe những chia sẻ của các bạn nhỏ trong quá trình thực nghiệm. Từ những chia sẻ đó, mình có thể hình dung vấn đề cho đề tài nghiên cứu”- Lộc chia sẻ.

Sản phẩm cuối cùng của Lộc đó là một website giáo dục cho học sinh tiểu học phòng chống xâm hại tình dục. Trang website này có đầy đủ tài liệu kiến thức cũng như các đoạn video, cẩm nang, trò chơi… để học sinh tiếp cận kiến thức dễ dàng hơn.

Trước đó, Lộc cũng đã xây dựng một website chia sẻ tài liêu học tập cho những sinh viên khiếm thị, bằng việc sử dụng phần mềm hỗ trợ trên máy vi tính. Đây được xem là công cụ giúp các bạn sinh viên khiếm thị tiếp cận tài liệu dễ dàng hơn, phục vụ cho công việc học tập, nghiên cứu.

“Những đối tượng yếu thế rất dễ bị tổn thương cả về thể chất lẫn tinh thần. Mình muốn làm một điều gì đó cho họ để họ có thể vượt lên và học tốt hơn, sống tốt hơn” - Lộc nói.

Anh Phạm Hồng Sơn, Bí thư Thành đoàn TPHCM trao giải cho các thí sinh đạt giải cao tại Euréka lần thứ 20 tổ chức vào tháng 11/2018.
Anh Phạm Hồng Sơn, Bí thư Thành đoàn TPHCM trao giải cho các thí sinh đạt giải cao tại Euréka lần thứ 20 tổ chức vào tháng 11/2018. 

Theo anh Phạm Hồng Sơn, Bí thư Thành đoàn TPHCM nói, 20 năm giải thưởng Euréka đã đồng hành cùng SV, chia sẻ với các bạn trẻ niềm đam mê nghiên cứu, khám phá và làm chủ khoa học công nghệ.

Nhiều thí sinh khi tham gia giải thưởng tiếp tục phát triển đề tài nghiên cứu thành các công trình khoa học, trở thành những nhà khoa học có uy tín, những vị trí quan trọng trong nhiều lĩnh vực, giảng dạy tại các trường ĐH, CĐ,…

Qua 20 năm triển khai giải thưởng Euréka, Ban tổ chức đã ghi nhận hơn 9000 đề tài của hơn 20.000 tác giả, nhóm tác giả từ hơn 100 trường ĐH, CĐ cả nước tham gia.

Nhiều nhà quản lý, nhà khoa học trưởng thành từ giải thưởng này, cụ thể: PGS.TS Phạm Khánh Phong Lan, Trưởng Ban An toàn thực phẩm TPHCM  (tham gia Euréka năm 2001); PGS.TS Trần Minh Triết, Phó hiệu trưởng Trường ĐH khoa học tự nhiên TP.HCM (giải nhất Euréka năm 2001); PGS.TS Đỗ Thị Hồng Tươi, giảng viên khoa Dược – Trường ĐH Y Dược TP.HCM (giải nhất và giải nhì Euréka năm 2005)…

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ