(GD&TĐ) - Ở Việt Nam, số gia đình có con tự kỷ ngày càng nhiều, nhất là tại các thành phố lớn. Nếu trẻ tự kỷ từ 1 - 3 tuổi được can thiệp kịp thời về y tế, giáo dục..., các em sẽ có cơ hội hòa nhập với cộng đồng. Song, công việc giáo dục hòa nhập cho trẻ tự kỷ hiện còn nhiều khó khăn, nhất là vấn đề đội ngũ GV chuyên biệt.
Lớp học của trẻ tự kỷ |
Nỗ lực đưa trẻ đến trường
Song song với việc đưa trẻ tự kỷ đến các trung tâm, bệnh viện để được can thiệp sớm thì công tác GD hòa nhập cần được coi trọng, tiến hành càng sớm thì hiệu quả càng cao. Nếu như trẻ ở thể nặng ở mức không biết đau hoặc rối loạn hành vi không thể điều chỉnh thì cần đưa vào trường chuyên biệt.
Số còn lại chiếm tới 70 -80% là trẻ tự kỷ ở thể nhẹ hoặc trung bình thì môi trường hòa nhập ở trường phổ thông là tốt nhất. Sự quan tâm, chia sẻ, tình yêu thương của giáo viên và các bạn trong lớp sẽ tạo cơ hội cho trẻ tự kỷ thuyên giảm hoặc hoàn toàn khỏi bệnh.
Có con năm nay lên lớp 5, chị Nguyễn Thu Hải (Hải An, Hải Phòng) chia sẻ: Chính cô giáo dạy con chị ở lớp mẫu giáo 3 tuổi đã phát hiện ra cháu tự kỷ bởi cô được đào tạo ở khoa Sư phạm chuyên biệt. Cả nhà chị rất hoang mang, lo lắng, mang bé đi chạy chữa khắp nơi. Rất may bé bị ở thể nhẹ, do nguyên nhân khi sinh bị ngạt, thiếu máu lên não. Vì vậy, qua một quá trình điều trị, bé dần khỏi, đến nay đã học lớp 5, không phải bỏ học giữa chừng, học lực xếp loại khá.
Thực tế cho thấy, trong những năm gần đây, việc đẩy mạnh GD hòa nhập cho trẻ khuyết tật nói chung, trẻ tự kỷ nói riêng đã được Bộ GD&ĐT chú trọng. Ngay tại Hà Nội có hơn 1.000 trẻ tự kỷ đang học cấp Tiểu học, một số ít đang học THCS mặc dù đây chưa phải là con số sát với thực tế.
HS tự kỷ nếu được GD hòa nhập một cách tích cực thì chỉ một thời gian sau các em đã có nhiều thay đổi, tiến bộ, hòa đồng cùng các bạn trong giờ học, giờ ngoại khóa, biết đọc, biết viết, biết làm toán, dù còn chậm hơn so với trẻ bình thường.
Nhiều trăn trở
Trẻ tự kỷ cần được giáo dục hòa nhập |
Dạy trẻ bình thường đã khó, với HS khuyết tật lại càng khó khăn bội phần. Chỉ cần sự thay đổi nho nhỏ trong hành vi, nhận thức của các em đã là kỳ công lớn của đội ngũ GV. Bên cạnh đó cần tuyên truyền để phụ huynh xóa bỏ mặc cảm, kéo gần khoảng cách giữa HS bình thường với HS tự kỷ khi GD hòa nhập.
Ông Phạm Xuân Tiến - Trưởng phòng GD Tiểu học, Sở GD&ĐT Hà Nội - chia sẻ: Dạy trẻ vốn là một công việc đầy khó nhọc, nhưng dạy trẻ tự kỷ còn lại khó nhọc hơn nhiều, bởi vì công việc này đòi hỏi người thực hiện không chỉ có chuyên môn vững vàng, mà còn phải có lòng thương yêu cao cả và tinh thần trách nhiệm.
Quan trọng hơn nữa là cần phải có sự phối hợp chặt chẽ giữa các nhà chuyên môn, các bậc phụ huynh, các cơ quan ban ngành, đoàn thể, các tổ chức trong và ngoài nước, những người thực sự quan tâm đến tương lai và cuộc đời của trẻ em tự kỷ.
Tuy nhiên, công tác GD hòa nhập cho HS tự kỷ ở nước ta vẫn còn nhiều hạn chế. Hiện nay, do kinh nghiệm còn ít, do điều kiện cơ sở vật chất còn thiếu thốn, đội ngũ GV nhiều trường mới tốt nghiệp sư phạm, không qua đào tạo chuyên biệt nên việc thực hiện công tác giáo dục hòa nhập cho trẻ tự kỷ gặp nhiều khó khăn.
Đó chính là trăn trở của nhiều hiệu trưởng không chỉ riêng ở Hà Nội. Nhiều cô chia sẻ, thay đổi thời tiết đột ngột khiến trẻ tự kỷ hay phát bệnh. Lúc đó nếu GV hiểu tâm lý, cứ để trẻ tự dời lớp, ra sân, các em hò hét thỏa thích một lúc sẽ tự vào lớp học tiếp bình thường. Nếu không sẽ ảnh hưởng đến các bạn khác trong lớp.
Hiệu trưởng Trường Tiểu học Xuân Đỉnh (Từ Liêm, Hà Nội) cho biết: Trường có gần 10 trẻ tự kỷ theo học ở một số lớp khác nhau. Có rất nhiều phụ huynh trẻ không thích cho con mình chơi chung với trẻ tự kỷ. Ở lứa tuổi tiểu học, HS còn quá bé nên cũng không muốn chơi với các bạn trong lớp có hành vi khác lạ, sống khép mình, hoặc vì nói mãi bạn chẳng chịu tiếp thu, toàn gây rối.
Mặt khác, do còn thiếu kinh nghiệm sống, thiếu kỹ năng sư phạm cũng như kinh nghiệm nghề nghiệp khiến một số GV khó xử lý tốt những tình huống sư phạm xảy ra với HS tự kỷ hòa nhập.
Đẩy mạnh công tác GD hòa nhập sẽ tạo cơ hội cho trẻ tự kỷ một cuộc sống bình thường. Tuy nhiên, công việc này rất cần sự chung tay của gia đình, nhà trường và toàn xã hội.
PGS.TS Lê Văn Tạc (Viện Khoa học Giáo dục Việt Nam): “Đối với trẻ tự kỷ nếu được hòa nhập và dìu dắt một cách khoa học thì các em có thể học tập và trưởng thành như trẻ bình thường khác”. ThS Nguyễn Thị Thanh (Trường CĐ Sư phạm Trung ương): “Ở nước ta có ba mô hình đào tạo dành cho trẻ tự kỷ là mô hình giảng dạy chuyên biệt, giảng dạy bán hòa nhập và giảng dạy hòa nhập. Tuy nhiên, qua nghiên cứu cho thấy mô hình đem lại hiệu quả cao nhất là GD hòa nhập”. |
Lâm Hà