Vấn đề khi học trực tuyến
Vào tháng 3, quyết định mở các trường học trên khắp nước Mỹ đã làm dấy lên nhiều ý kiến trái chiều. Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh Mỹ (CDC) thông báo, các trường học có thể mở cửa trở lại an toàn mà không làm tăng số ca mắc Covid-19 trong cộng đồng, hoặc khiến giáo viên cũng như học sinh gặp rủi ro. Theo CDC, để bảo đảm điều đó, cần thực hiện các biện pháp nhằm giảm sự lây truyền của virus. Tuy nhiên, điều đó không xoa dịu sự lo lắng của các phụ huynh, nhân viên nhà trường và cả giới khoa học.
Hiện, các nhà quản lý trường học đã dựa trên kinh nghiệm để lên kế hoạch cho năm học mới. Ở Vương quốc Anh, trẻ em đi học trở lại vào tháng 3 và tháng 4. Tại Pháp, làn sóng Covid-19 thứ ba đã đóng cửa các trường học. Song, học sinh đã trở lại lớp vào tháng 5. Trong khi đó, tại Mỹ, hơn 1/2 số khu học chánh bắt đầu lại chương trình giảng dạy toàn thời gian vào đầu tháng 6, với sự kết hợp giữa hình thức trực tuyến và trực tiếp.
Tuy nhiên, theo thống kê trên toàn thế giới vào cuối tháng 6, có 770 triệu trẻ em không đi học toàn thời gian. Ngoài ra, có hơn 150 triệu trẻ em ở 19 quốc gia không được tiếp cận với trường học trực tiếp. Các em đang học trực tuyến, hoặc thậm chí là không học. Ngay cả khi các trường học mở cửa trở lại, nhiều trẻ em được dự đoán là sẽ không đến trường. Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa Liên Hợp Quốc (UNESCO) ước tính vào năm ngoái, khoảng 24 triệu trẻ sẽ bỏ học do đại dịch.
Robert Jenkins - Giám đốc giáo dục UNICEF nhận định, các trường học phải là nơi đóng cửa cuối cùng và mở cửa đầu tiên.
“Có nhiều quốc gia nơi cha mẹ có thể ra ngoài và ăn tối với món bít tết ngon, nhưng đứa trẻ 7 tuổi của họ không đi học. Đó là một vấn đề”, ông Jenkins cho biết.
Ngày càng có nhiều bằng chứng cho thấy, các trường học có thể mở cửa an toàn. Song, điều đó vẫn chưa dập tắt được cuộc tranh luận về việc liệu các trường có nên được mở hay không. Nếu có, phương pháp nào sẽ là cần thiết để hạn chế sự lây lan của virus? Vào tháng 9, khi các trường học ở nhiều nơi trên thế giới mở cửa trở lại, mối quan tâm và tranh luận được cho là diễn ra mạnh mẽ hơn. Nhiều thanh thiếu niên và trẻ sẽ được chủng ngừa ở Mỹ, cũng như các quốc gia phát triển khác. Tuy nhiên, ở một số quốc gia có thu nhập thấp và trung bình, việc tiếp cận với vắc-xin ngừa Covid-19 vẫn bị hạn chế. Trong khi đó, virus tiếp tục biến chủng và phát triển.
Tranh luận không hồi kết
Vào tháng 3/2020, khi nhiều trường học đóng cửa, có rất ít thông tin về SARS-CoV-2. John Bailey - một thành viên tại Viện nghiên cứu doanh nghiệp Mỹ ở Washington DC, cho biết: “Chúng tôi đóng cửa trường học sớm, không chỉ để giúp làm dẹt đường cong. Đối với hầu hết các bệnh về đường hô hấp, trẻ em là nhóm có nguy cơ cao nhất”.
Thực tế, các nhà khoa học sớm phát hiện, trẻ em là nhóm ít có nguy cơ mắc bệnh nặng nhất. Tuy nhiên, liệu trẻ em có dễ nhiễm bệnh như người lớn không và có thể truyền virus cho người khác không vẫn là vấn đề chưa được kết luận. Một số nhà nghiên cứu lo rằng, việc cho trẻ đi học trở lại có thể khiến đại dịch bùng phát.
Khi các trường tiểu học ở Đan Mạch mở cửa trở lại vào tháng 4/2020, một số phụ huynh lo rằng, con họ bị biến thành “chuột thí nghiệm”. Ở Pháp, nơi hầu hết các trường học vẫn mở cửa, thanh thiếu niên đã phản đối vào tháng 11 năm ngoái. Họ cho rằng, các biện pháp ngừa Covid-19 trong lớp học là chưa đủ. Tại Berlin (Đức), giới chức đã loại bỏ kế hoạch mở cửa lại một phần trường học vào tháng 1, sau phản ứng dữ dội từ phụ huynh, giáo viên và các quan chức chính phủ.
Điểm mấu chốt là vấn đề tiêm vắc-xin. Khi các trường học bắt đầu mở cửa vào tháng 3 và tháng 4, phần lớn giáo viên vẫn chưa được tiêm phòng. Điều đó khiến việc cân nhắc rủi ro và lợi ích trở nên đặc biệt khó khăn. Jennifer Nuzzo - nhà dịch tễ học tại Trung tâm An ninh Y tế Johns Hopkins ở Baltimore, Maryland, cảnh báo: “Rủi ro lớn nhất là đối với người lớn trong hệ thống trường học”.
Tuy nhiên, các nhà nghiên cứu cho rằng, việc học tập từ xa sẽ nới rộng khoảng cách giữa học sinh da trắng và da màu ở nhiều quốc gia. Robin Lake - Giám đốc Trung tâm Đổi mới Giáo dục Công tại Seattle, Washington, cho biết: “Những đứa trẻ da màu không phải là nhóm duy nhất bị lãng quên. Chúng tôi cũng biết rằng, học sinh khuyết tật và trẻ em có nhu cầu đặc biệt đã bị bỏ lại phía sau”.
Tuy nhiên, tại Mỹ, các cuộc khảo sát cho thấy, nhiều phụ huynh da màu không muốn con học trực tiếp. Khi trường học mở cửa, họ là một trong số những gia đình chưa sẵn sàng gửi con trở lại.
Môi trường không dễ lây lan
Hơn một năm sau khi đại dịch bùng phát, các nhà nghiên cứu đã hiểu nhiều hơn về Covid-19. Mặc dù một số trẻ em và giáo viên mắc Covid-19, nhưng trường học dường như không phải là môi trường để virus lây lan. Tracy Hoeg - nhà dịch tễ học tại Đại học California, nhận định: “Tỷ lệ lây nhiễm trong các trường học không cao hơn ở cộng đồng”.
Việc theo dõi các trường hợp mắc bệnh trong trường học tương đối đơn giản. Song, điều mà các quan chức y tế công cộng thực sự muốn biết là liệu học sinh và nhân viên lây bệnh trong trường, hay ở nơi khác. Một trong những nghiên cứu lớn nhất về Covid-19 tại các trường học Mỹ đã xem xét hơn 90 nghìn học sinh và giáo viên ở Bắc Carolina trong 9 tuần vào mùa thu năm ngoái.
Khi đó, Daniel Benjamin - bác sĩ nhi khoa tại Viện nghiên cứu lâm sàng Duke ở Durham, Bắc Carolina, dự đoán có khoảng 900 trường hợp lây trong cộng đồng. Tuy nhiên, khi tiến hành theo dõi để xác định các trường hợp lây nhiễm liên quan đến trường học, nhóm nghiên cứu chỉ xác định được 32 ca bệnh.
Một nghiên cứu khác đã xem xét 17 trường học ở vùng nông thôn Wisconsin. Nhóm nghiên cứu đã quan sát 191 trường hợp mắc Covid-19 là nhân viên và sinh viên trong 13 tuần, từ mùa thu năm 2020. Đây là thời điểm khu vực ghi nhận sự lây lan mạnh. Kết quả cho thấy, có 7 trường hợp trong số đó dường như bắt nguồn từ trường học.
Các nhà khoa học cho rằng, nếu không có nghiên cứu, những đứa trẻ không triệu chứng sẽ khó được xác định. Vì vậy, số ca mắc thực ở trẻ có thể cao hơn nhiều. Song, ngay cả khi số trường hợp thực tế gấp đôi hoặc gấp ba con số trong các nghiên cứu này, tỷ lệ lây truyền vẫn thấp hơn nhiều so với trong cộng đồng. Bác sĩ Benjamin nhận định: “Các em ở trường sẽ an toàn hơn ngoài cộng đồng”.
Tại Na Uy, các nhà nghiên cứu đã xác định 13 trường hợp mắc Covid-19 ở trẻ em từ 5 - 13 tuổi tại các trường học. Họ kiểm tra gần 300 trường hợp tiếp xúc gần với bệnh nhi để đánh giá tỷ lệ lây nhiễm. Kết quả cho thấy, có 0,9% trẻ em và 1,7% người lớn tiếp xúc nhiễm virus.
Ở thành phố Salt Lake (Mỹ), các nhà nghiên cứu đã xét nghiệm Covid-19 cho hơn 1.000 học sinh và nhân viên. Đây là những người đã tiếp xúc với một trong số 51 học sinh dương tính với Covid-19. Trong số khoảng 700 người được xét nghiệm, chỉ 12 trường hợp có kết quả dương tính. Sau đó, các nhà khoa học kết hợp điều tra dịch tễ và giải trình tự gen. Nhờ đó, xác định các trường hợp lây truyền xảy ra ở trường. Kết quả là, chỉ 5/12 ca bệnh liên quan đến trường học. Con số này đồng nghĩa rằng, tỷ lệ Covid-19 tấn công là 0,7%. Nhóm nghiên cứu nhận định, những học sinh nhiễm virus không có xu hướng lây lan ở trường. Một nghiên cứu tương tự được thực hiện ở thành phố New York (Mỹ) cho thấy, tỷ lệ Covid-19 tấn công ở trường thậm chí thấp hơn, chỉ 0,5%.
Tuy nhiên, khi các biện pháp ngừa Covid-19 không được áp dụng, tỷ lệ mắc bệnh trong trường học có thể cao hơn nhiều. Ở Israel, các trường học đã mở cửa trở lại vào giữa tháng 5/2020. Trong hai tuần, một đợt bùng phát lớn đã xảy ra ở một trường trung học. Các quản trị viên đã điều tra hơn 1.200 người tiếp xúc gần của hai ca mắc Covid-19. Họ đã xác định được 153 sinh viên và 25 nhân viên nhiễm bệnh. Tỷ lệ mắc Covid-19 lần lượt là 13,2% và 16,6%.
Tuy nhiên, phần lớn các tài liệu về sự lây truyền trong trường học cho thấy, trẻ em ít lan truyền virus. Các cuộc điều tra ở Đức, Pháp, Ireland, Australia, Singapore và Mỹ cho thấy, không có hoặc rất thấp, tỷ lệ lây nhiễm thứ phát trong trường học.
Điều đó không có nghĩa là không có rủi ro. Song, việc để trẻ em nghỉ học cũng mang lại không ít rủi ro. Nhiều phụ huynh đã chứng kiến con gặp sự cô lập về mặt xã hội và phải vật lộn để tiếp tục với những bài học được truyền tải qua màn hình. Các nghiên cứu mới cho thấy, trẻ em đang bị tụt hậu về mặt giáo dục khi học từ xa, đặc biệt là những người học khó khăn. Bởi, trường học cung cấp nhiều thứ hơn là giáo dục. Các tổ chức giáo dục đóng vai trò như một mạng lưới an toàn, cung cấp các bữa ăn miễn phí và là nơi tuyệt vời để trẻ dành một ngày ở đó.
Bác sĩ Leana Wen thuộc Trường Y tế Công cộng Milken, Đại học George Washington (Mỹ) cho biết: “Đừng hỏi liệu trường học có an toàn không. Thay vào đó, hãy thừa nhận rằng, giáo dục trực tiếp là điều cần thiết. Sau đó, áp dụng các nguyên tắc mà chúng tôi đã học được từ những dịch vụ thiết yếu khác để giữ trường học mở cửa”.
Ở những quốc gia nơi việc tiêm chủng diễn ra nhanh chóng, nhiều khả năng là các trường học sẽ mở cửa vào năm học mới, với ít hạn chế và biện pháp giãn cách hơn trước. Tuy nhiên, điều không chắc chắn lớn nhất là sự xuất hiện của các biến thể mới.
Các biện pháp như đeo khẩu trang và cải thiện hệ thống thông gió sẽ giúp hạn chế sự lây lan của virus trong trường học. Tuy nhiên, việc sử dụng khẩu trang trong lớp vẫn là một chủ đề gây tranh cãi. Khi các trường học mở cửa trở lại ở Anh vào tháng 3, chỉ học sinh cấp 2 phải đeo khẩu trang. Tuy nhiên, Bộ Giáo dục nước này đã ngừng khuyến nghị học sinh và nhân viên đeo khẩu trang vào ngày 17/5.
Bác sĩ Hoeg và các đồng nghiệp nhận định, trẻ em nên “trở lại cuộc sống bình thường trong năm học sắp tới, không đeo khẩu trang và bất kể tình trạng tiêm chủng của chúng như thế nào”.