Bảo vệ an toàn cho trẻ em ngay trong gia đình và nhà trường

Bảo vệ an toàn cho trẻ em ngay trong gia đình và nhà trường

Đoàn giám sát cho biết, theo Báo cáo của Chính phủ, giai đoạn từ 2015 đến 2019, có 8.442 vụ xâm hại trẻ em được phát hiện, xử lý, với 8.709 trẻ em bị xâm hại. Trong đó, có 6.432 trẻ bị xâm hại tình dục; 857 trẻ bị bạo lực; 106 trẻ bị mua bán, bắt cóc, chiếm đoạt; 1.314 trẻ bị xâm hại bằng các hình thức khác.

Trong các vụ xâm hại này thì phổ biến nhất, để lại hậu quả nặng nề, gây bức xúc dư luận nhất là xâm hại tình dục, chiếm 75,4% tổng số vụ xâm hại trẻ em. Nhiều địa phương, số vụ xâm hại tình dục trẻ em chiếm trên 90% như: Cần Thơ, Hậu Giang, Kiên Giang, Đồng Nai...

Một điểm đáng lưu ý là qua giám sát tại một số địa phương cho thấy, đối tượng xâm hại trẻ em là người ruột thịt, người thân thích và người quen biết với trẻ có xu hướng gia tăng, chiếm trên dưới 90%.

Đoàn giám sát cũng dẫn số liệu từ Chính phủ cho thấy, trong giai đoạn này có 337 trẻ bị tử vong (trong đó 191 trẻ bị giết, 146 trẻ bị các hình thức xâm hại khác dẫn đến tử vong); 418 trẻ có thai do bị xâm hại tình dục; 193 trẻ bị rối loạn tâm thần...

Báo cáo cũng nêu rõ nêu rõ, gia đình vốn được xem là môi trường an toàn nhất với trẻ em, song vừa qua xảy ra nhiều vụ xâm hại trẻ em ngay tại gia đình. Nhiều địa phương, trẻ em bị xâm hại bởi chính người ruột thịt, người thân thích chiếm tỉ lệ cao. Theo thống kê của Tổng đài 111 (trong tổng số các cuộc gọi đến), số vụ bạo lực trẻ em do người thân trong gia đình gây ra chiếm tới 65,88%.

Trong nhà trường, vẫn xảy ra nhiều vụ xâm hại trẻ em. Trong đó có những vụ bạo lực học đường nghiêm trọng, gây bức xúc trong xã hội do giáo viên sử dụng các biện pháp bạo hành đi ngược lại với đạo đức nhà giáo. Có những vụ nhiều học sinh đánh một học sinh. Đáng lưu ý, một số vụ thầy giáo, nhân viên cơ sở giáo dục xâm hại tình dục học sinh, có những vụ diễn ra trong thời gian dài, gây lo lắng, bức xúc trong xã hội.

Về môi trường xã hội, nhiều trẻ em chưa được gia đình, nhà trường trang bị những kiến thức cơ bản về việc sử dụng internet, mạng xã hội an toàn. Công tác bảo vệ trẻ em trên môi trường mạng chưa đáp ứng đầy đủ yêu cầu.

Cùng với sự phát triển của du lịch, nhiều khách quốc tế đến Việt Nam, trong đó có cả đối tượng đã có án tích về xâm hại trẻ em nhưng biện pháp quản lý, giám sát chưa thật chặt chẽ dẫn đến nguy cơ xâm hại trẻ em trong hoạt động du lịch, đặc biệt là xâm hại tình dục. Nhiều địa phương chưa quan tâm bố trí đất đai, đầu tư xây dựng các thiết chế văn hóa, thể thao cho trẻ em.

Trong giai đoạn này, các địa phương đã hỗ trợ, can thiệp cho 8.337 trẻ em. 100% trẻ em bị xâm hại trong cơ sở giáo dục được áp dụng các biện pháp hỗ trợ, can thiệp. Tổng đài 111 đã hỗ trợ, can thiệp cho 2.033 ca trẻ em bị xâm hại.

Trung ương Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam và các cấp Hội Phụ nữ tại địa phương đã hỗ trợ, can thiệp cho 1.952 trẻ em bị xâm hại. Mô hình Ngôi nhà Bình yên được vận hành khá hiệu quả. Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh tại 63 địa phương đã hỗ trợ, can thiệp cho 112 trẻ em bị xâm hại.

Tuy nhiên, vẫn còn nhiều trẻ em bị xâm hại chưa được áp dụng biện pháp can thiệp. Một số địa phương chủ yếu thăm hỏi, động viên, tặng quà mà chưa thực hiện đầy đủ các biện pháp can thiệp như chăm sóc y tế, trị liệu tâm lý để giúp trẻ sớm hòa nhập cộng đồng.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ