Trẻ thời công nghệ số: Cơ hội và khoảng cách

GD&TĐ - Công nghệ số với sự giúp sức của Internet đang gia tăng sự tác động đến hầu hết khía cạnh trong đời sống của chúng ta. Dù ảnh hưởng tích cực hay tiêu cực, công nghệ số vẫn là thực tế cuộc sống. Một thực tế không thể đảo ngược đòi hỏi chúng ta phải học cách chấp nhận để giảm nhẹ tác hại và mở rộng cơ hội.

Trẻ thời công nghệ số: Cơ hội và khoảng cách

Thế giới tuổi thơ dần thay đổi

Kể từ khi chính thức hòa mạng Internet vào năm 1997, nước ta đã đạt được những bước tiến ấn tượng với 64 triệu người sử dụng Internet tính đến tháng 6/2017, chiếm 67% dân số. Việt Nam cũng nằm trong số các quốc gia có số người sử dụng Internet cao nhất ở châu Á. Truyền thông xã hội được phổ biến rộng rãi với 64.000.000 người có tài khoản Facebook, trong đó phần đông là trẻ em và thanh thiếu niên.

Lợi ích mà công nghệ số mang lại cho con người là không thể phủ nhận. Đó là khả năng tiếp cận thông tin, xây dựng kỹ năng làm việc trong môi trường công nghệ số và mang lại cho trẻ em một nền tảng để kết nối và biểu đạt quan điểm của các em. Nhưng công nghệ số và Internet cũng đang thay đổi thế giới tuổi thơ của các em.

Thay vì gặp bạn bè, gia đình, các em lại dành nhiều thời gian của mình cho cuộc sống ảo trên mạng. Theo đánh giá của chuyên gia UNICEF, điện thoại thông minh đang thúc đẩy “văn hóa phòng ngủ” và thế hệ trẻ nghiện màn hình, tức nhiều trẻ em coi việc truy cập mạng là chuyện riêng tư, không muốn bị kiểm soát. Chúng tạo ra cuộc sống ảo giống như thế giới riêng trong phòng của mình.

Việc thông tin cá nhân trên mạng ít bị kiểm soát, sống trong thế giới ảo nhiều hơn thật là nguyên nhân gây nhiều bệnh về tâm lý, thần kinh. Mới đây, Viện Sức khỏe tâm thần (Bệnh viện Bạch Mai) tiếp nhận bé 14 tuổi trong tình trạng co giật, ảo giác.

Điều tra tiền sử cho thấy, bé nghiện điện thoại tới mức làm gì, đi đâu cũng ôm điện thoại đi cùng. Khi bị tịch thu điện thoại, bé lầm lì, ít nói dần và co giật. Từ kết quả khám lâm sàng, cận lâm sàng, bác sĩ kết luận bé bị ảo giác do nghiện Facebook. Sau một thời gian dùng thuốc loạn thần và “cai” dần điện thoại, tình trạng sức khỏe của bé cải thiện dần.

Những cơ hội bị bỏ lỡ

Tiếp cận công nghệ số cũng tạo ra một ranh giới mới. Ranh giới của những cơ hội tiếp cận, ranh giới của sự giàu nghèo, giữa nam với nữ, giữa khu vực nông thôn và thành thị.

Ranh giới công nghệ số không chỉ nằm ở vấn đề tiếp cận mà còn phản ánh khoảng cách về kinh tế. Công nghệ số hiện nay đang gia tăng lợi thế của trẻ từ các gia đình khá giả hơn và không tạo ra được cơ hội cho những trẻ em nghèo và khó khăn nhất bởi không có kỹ năng hoặc nói tiếng dân tộc khiến các em khó tìm được nội dung phù hợp trên mạng.

Hơn nữa, những trẻ dùng điện thoại để truy cập mạng thay vì máy tính chỉ dừng lại ở mức độ trải nghiệm thứ 2. Điều này khiến trẻ bỏ lỡ các tài nguyên học tập, tiếp cận thông tin toàn cầu cũng như học kỹ năng số, xây dựng tình bạn và phát triển khả năng tự biểu đạt bản thân.

Nói vậy để thấy rằng kết nối công nghệ số không chỉ là quy luật tất yếu trong thời đại của chúng ta mà công nghệ số còn tạo ra tiềm năng để phá vỡ vòng luẩn quẩn của sự thiệt thòi từ thế hệ này sang thế hệ khác. Làm thế nào để trẻ không bị bỏ lỡ cơ hội nhưng vẫn an toàn trên không gian mạng.

Ông Youssouf Abdel-Jelil cho rằng, bảo vệ trẻ em không có nghĩa là kiểm soát nhiều hơn việc sử dụng Internet hay sử dụng thiết bị công nghệ mà là bảo vệ sự an toàn của các em thông qua việc kiểm soát nội dung đưa lên mạng xã hội.

Còn chuyên gia đào tạo nhận thức an toàn thông tin Ngô Việt Khôi nhấn mạnh: Cha mẹ, cộng đồng phải thay đổi để theo kịp sự phát triển của công nghệ số. Thay vì cấm đoán, hãy cùng trẻ khám phá tri thức, dạy trẻ kỹ năng tự bảo vệ mình trên trang mạng xã hội.

Nếu được tận dụng đúng cách và được tiếp cận phổ quát cho mọi người, công nghệ số có thể là nhân tố tạo nên sự thay đổi cho những trẻ em bị bỏ lại phía sau, đó là trẻ khuyết tật, trẻ em dân tộc thiểu số và trẻ em sống ở các khu vực khó khăn và khó tiếp cận. Việc kết nối các em đúng với thế giới của những cơ hội và mang lại cho trẻ những kỹ năng cần thiết để thành công trong một thế giới công nghệ số.

Ông Youssouf Abdel-Jelil - Trưởng Đại diện UNICEF tại Việt Nam

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ