Hoặc, khi nằm sấp trên đệm và gối mềm, mặt trẻ có thể úp xuống, từ đó, dẫn đến mũi và miệng trẻ có thể bị che kín.
Hội chứng không có dấu hiệu cảnh báo
Vừa qua, các bác sĩ Khoa Cấp cứu và Chống độc, Bệnh viện Nhi Trung ương cho biết đã tiếp nhận 2 bệnh nhi 3 tháng tuổi và 6 tháng tuổi nhập viện trong tình trạng tím tái, ngừng thở, ngừng tim. Dù đã được các bác sĩ nỗ lực cấp cứu, nhưng các bé vẫn không qua khỏi. Hai bệnh nhi được chẩn đoán mắc hội chứng đột tử ở trẻ nhỏ (SIDS/ Sudden Infant Death Syndrome).
BS CKII Đinh Thị Thu Phương, Khoa Cấp cứu và Chống độc, Bệnh viện Nhi Trung ương cho biết, trường hợp thứ nhất là một bé trai khoẻ mạnh hoàn toàn.
Trưa 10/10, sau khi ăn, bé được cho nằm ngủ một mình trong phòng. Khi gia đình phát hiện, trẻ đang nằm úp mặt xuống đệm và tím tái. Ngay lập tức, trẻ được gia đình đưa đến viện gần nhà cấp cứu ngừng tuần hoàn. Trẻ có nhịp tim trở lại và được chuyển đến Bệnh viện Nhi Trung ương. Trẻ vào Khoa Cấp cứu Chống độc trong tình trạng hôn mê sâu, suy hô hấp, suy tuần hoàn.
Tại đây, các bác sĩ đã tiếp tục hồi sức và làm các xét nghiệm để chẩn đoán và tìm nguyên nhân. Tuy nhiên, tình trạng của bé ngày càng nặng, nguy cơ tử vong, gia đình quyết định xin cho bé về.
Trường hợp thứ hai là một bé gái 3 tháng tuổi ở Hà Nội. Trẻ vào viện trong tình trạng ngừng thở, ngừng tim. Khoảng 23 giờ ngày 19/10, trẻ được cho ngủ cùng bố mẹ. Đến khoảng 1 giờ 30 phút sáng, mẹ tỉnh dậy phát hiện trẻ trong tình trạng tím tái toàn thân, không thở.
Tại bệnh viện, các bác sĩ phát hiện trẻ đã ngừng thở, ngừng tim, hạ nhiệt độ. Mặc dù được các bác sĩ nỗ lực cấp cứu, nhưng trẻ không qua khỏi.
Theo TS.BS Lê Ngọc Duy, Trưởng khoa Cấp cứu Chống độc, Bệnh viện Nhi Trung ương thì SIDS là cái chết bất ngờ và không tiên lượng được ở trẻ sơ sinh hoặc trẻ nhỏ trong khoảng từ 2 tuần đến 1 năm tuổi. SIDS hay gặp ở trẻ 2 - 4 tháng tuổi.
Hầu hết SIDS đều xảy ra khi trẻ đang ngủ. Hội chứng này xảy ra mà không có bất kỳ dấu hiệu nào cảnh báo trước. Một số nguyên nhân gây tử vong đột ngột gồm: Ngạt thở, chảy máu não, viêm cơ tim… Tuy nhiên, nhiều trường hợp không có nguyên nhân rõ ràng.
SIDS cũng có thể xảy ra ở trẻ có khuyết tật nghiêm trọng tại hệ hô hấp, tim mạch. Hoặc sự kiểm soát nhịp thở của não bộ chưa phát triển hoàn thiện.
Đường thở bị chèn ép khi ngủ trong tư thế nằm sấp, nằm nghiêng - sấp. Ngủ trên giường có quá nhiều vật dụng hay giường ngủ mềm, ngủ cùng với bố mẹ cũng có thể là tác nhân gây đột tử ở trẻ. Tăng thân nhiệt do nhiệt độ phòng quá nóng hoặc quấn quá nhiều quần áo, chăn to, trẻ ngủ sâu dẫn đến mất kiểm soát nhịp thở.
Môi trường an toàn khi ngủ
Cha mẹ cũng cần chú ý không khiến trẻ quá nóng. Cách tốt nhất là điều chỉnh nhiệt độ phòng để trẻ mặc 1 lớp áo mà vẫn thấy thoải mái. Nếu không điều chỉnh được nhiệt độ phòng, trẻ cần mặc đồ phù hợp với môi trường khi ngủ. Nhìn chung, trẻ nên mặc nhiều hơn người lớn không quá 1 lớp áo. Ngoài ra, môi trường trẻ ngủ không gần ổ điện, dây điện. Đồng thời, không gần các dây treo lủng lẳng, dây treo cửa sổ… Môi trường ngủ không có khói thuốc lá, không khí ô nhiễm…
Chia sẻ về vấn đề này, bác sĩ Phí Văn Công, Khoa Hồi sức Cấp cứu Nhi, Bệnh viện Đa khoa Xanh Pôn cho biết, hai vấn đề rất nhiều người mắc là để trẻ có môi trường ngủ chưa an toàn và nằm sấp khi ngủ.
“Môi trường an toàn khi ngủ được hiểu đơn giản là không có gì xung quanh trẻ có khả năng gây nguy hiểm khi ngủ. Rất nhiều trong chúng ta cũng đang ngủ như vậy. Một sự thật là trẻ dưới 1 tuổi nằm sấp để ngủ thì có nguy cơ tử vong bất ngờ và đã ghi nhận nhiều trường hợp như vậy”, bác sĩ Công cho biết.
Bác sĩ Công dẫn chứng, các nhà khoa học lý giải, khi nằm sấp, đường thở của trẻ có thể bị đè ép dẫn đến việc thở khó khăn hơn. Hoặc, khi nằm sấp trên đệm mềm, gối mềm, mặt trẻ có thể úp xuống. Từ đó, dẫn đến mũi và miệng trẻ có thể bị che kín. Do đó, trong trường hợp muốn để trẻ tự nhiên, cha mẹ cần bảo đảm môi trường ngủ của bé an toàn. Đồng thời, kiểm soát tốt con trong quá trình trẻ ngủ.
“Hiệp hội Nhi khoa Mỹ (AAP) dựa vào những bằng chứng và nghiên cứu khoa học hiện có để nói rằng, tốt nhất là nên cho trẻ dưới 1 tuổi nằm ngửa khi ngủ. Đối với trẻ sinh non thì cũng nên cho nằm ngửa khi ngủ sớm nhất có thể. Môi trường ngủ an toàn được hiểu là hạn chế tối đa tất cả những yếu tố có thể ảnh hưởng nguy hiểm đến trẻ khi ngủ”, bác sĩ Công giải thích.
Theo đó, trẻ được khuyến cáo nằm riêng trên cũi hoặc nôi ở cùng phòng với bố mẹ, nhưng không nên nằm cùng giường. Việc nằm cùng giường với phụ huynh có thể khiến trẻ ngạt. Ngoài ra, cần cho trẻ ngủ trên nền chắc chắn. Đệm của cũi cần chắc, thay vì mềm, lún. Đệm đủ độ cứng giúp tránh nguy hiểm khi trẻ lật sấp trong lúc ngủ. Nếu lật sấp mặt ở đệm mềm, lún, trẻ hoàn toàn có thể ngạt.
Cha mẹ cũng lưu ý không dùng vật mềm nào ở cũi của trẻ dưới 1 tuổi khi ngủ. “Gối đầu, gối ôm, chăn mỏng, chăn bông lớn… tất cả những thứ như vậy đều có thể khiến trẻ ngạt. Ví dụ, trẻ 4 - 5 tháng, khi bắt đầu ngủ thì nằm ngửa. Sau đó, trẻ lộn thành nằm sấp, cuốn theo chăn khiến chăn che mặt, làm ngạt… Bất cứ tình huống nào cũng có thể xảy ra”, bác sĩ Công nêu.