Trẻ mơ xa, già nhớ lại

GD&TĐ - Có những ngày rảnh rỗi, lòng êm như bến vắng, tôi thích ngồi một mình nhâm nhi ly cà phê, ngắm hoa lá vườn nhà, thả trôi dòng cảm xúc mênh mang về cuộc sống, con người.

Ảnh minh họa/INT
Ảnh minh họa/INT

Khi ấy, bao ngẫm suy dẫu đã quen thuộc lại vẫn đủ sức giăng mắc trong tâm trí ta, ví như ý nghĩ: “Khi còn trẻ, người ta thường hướng đến tương lai; nhưng càng về già, người ta lại càng hay hoài niệm về quá khứ”.

Hồi còn trẻ con, cái thì tương lai khi nào cũng là niềm mơ ước xa xăm trong tôi ấy là mong chóng đến Tết. Tết thời ấy đồng nghĩa là được nghỉ học dài dài để chơi cho thỏa, là được xúng xính trong bộ đồ mới duy nhất của năm, là nghe tiếng pháo nổ rộn vang trong lòng… và quan trọng hơn cả là được ăn những món mà ngày thường có mơ cũng chẳng được!

Bao nhiêu đó khiến đứa trẻ nào cũng vui ra mặt, chẳng hề bận tâm đến nỗi lo ba ngày Tết của người lớn, vẫn nhăn răng cười khì khi bố mẹ nói câu cửa miệng: “Cha mẹ lo sống lo chết, con thì chỉ lo đến Tết mà ăn!”.

Có những chiều chăn trâu, ngả mình trên đê làng, mắt đắm vào trời xanh mây trắng, tôi thường phiêu theo những ước mơ xa xôi. Ước mình như cánh chim trời có thể bay lượn, ngắm nhìn quê hương từ trên khoảng không vời vợi; được chơi trò trốn tìm trong những khối mây lung linh ráng chiều.

Những đêm trăng trong gối đầu bên mẹ dưới mái hiên nhà, lại ước một lần được lên chơi cùng chú Cuội trên cung trăng, cùng chăn trâu cắt cỏ, hái lá đa chơi trò đồ hàng hay đứng trên bờ sông Ngân ngắm muôn ngàn vì sao đang ganh đua lấp lánh… Những ý nghĩ hão huyền lại trở về rất thực trong giấc mơ, nâng đôi cánh tưởng tượng, bồi đắp thế giới tuổi thơ ta ngày thêm giàu có.

Lớn lên, như bao người, tôi gói ghém những ước mơ viển vông của tuổi thơ cất đặt sâu trong một ngăn trái tim mình, nhường chỗ nhiều hơn cho những ước mơ học hành, lập nghiệp.

Khi ước mai này được diện bộ áo blouse trắng tinh khôi của những y bác sĩ để có thể chữa bệnh cứu người; khi ước là một chiến sĩ dũng cảm bảo vệ bình yên cho quê hương, Tổ quốc; khi lại mong là người kế tục sự nghiệp đưa đò như các thầy cô đang dìu dắt mình…

Những ước mơ cứ ăm ắp trong tim, thôi thúc ta không ngừng vươn lên trong học tập để có thể hiện thực hóa điều đó trên những miền đất hứa ở một ngày không xa.

Bước qua tuổi trung niên, bắt đầu ngả bóng tuổi già, tôi lại thấy người ta hoài niệm nhiều hơn là mơ ước. Thường thì họ nói nhiều về những năm tháng gian khó đã nếm trải. Nào chuyện nghèo đói, chạy ăn từng ngày, bữa khoai bữa sắn. Nào chuyện chiến tranh mất mát, đau thương.

Nào những năm dịch bệnh, thiên tai, mất mùa… Những chuyện giới trẻ vẫn nghĩ là “Xưa rồi diễm ơi!”, thậm chí cau mặt than phiền: “Khổ lắm, biết rồi, nói mãi!”. Nhưng nếu lắng lòng chịu khó để tâm, ta thấy đó chẳng phải là than nghèo kể khổ gì, mà hẳn là những dấu ấn trong đời chẳng dễ gì quên hay là để ta càng biết trân quý hơn những gì tốt đẹp trong hiện tại.

Dù đã sắp bước vào hàng thất thập, vậy mà trong dòng ký ức của bố mẹ tôi vẫn hiển hiện về vẹn nguyên những năm tháng thanh xuân. Nào chuyện sức vóc, vẻ đẹp của tuổi trẻ; nào chuyện thanh niên đổi công, làm ăn trong hợp tác xã; chuyện hội hè, trai gái làng hò hẹn… Còn ông tôi thì đó là cả một kho tàng lịch sử.

Chỉ trông có người trò chuyện, ông lại có cơ hội kể không biết chán về những chiến công hào hùng của quân và dân ta trong công cuộc chống giặc ngoại xâm. Ông nói bằng tất cả niềm tự hào và xúc động của một người từng trải như để con cháu biết nhớ lấy, giữ lấy truyền thống tốt đẹp, hồn cốt của dân tộc.

Con người ta, ai cũng có lý do để tồn tại. Ai cũng có những ước mơ và niềm vui để thấy đời đáng sống. Trẻ mơ xa, già nhớ lại chẳng những là quy luật tâm lý nói chung, mà còn là động lực để ta biết sống những tháng ngày ý nghĩa!

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ