Chú ý khâu đón học sinh từ cổng
Chiều 22/1,Trường THCS Giảng Võ (quận Ba Đình) tổ chức buổi diễn tập phương án đón học sinh quay trở lại trường học trực tiếp. Tới dự chương trình có lãnh đạo Sở GD&ĐT Hà Nội, đại diện của Quận ủy, UBND, Phòng GD&ĐT quận Ba Đình cùng lãnh đạo một số phòng GD&ĐT, trường THPT trực thuộc trên địa bàn Thủ đô.
Cô Tô Thị Hải Yến - Hiệu trưởng nhà trường cho biết, thực hiện chỉ đạo của Sở GD&ĐT Hà Nội, Phòng GD&ĐT quận Ba Đình, nhà trường tổ chức buổi diễn tập phương án đón học sinh từ khối 7 - 9 đi học trực tiếp. Khoảng 30 cán bộ, giáo viên được phân công "đóng vai" học sinh để tham gia buổi diễn tập hôm nay. Việc này rất cần thiết và quan trọng trước khi nhà trường triển khai đón học sinh học trực tiếp.
Theo Hiệu trưởng Trường THCS Giảng Võ, buổi diễn tập gồm 7 nội dung chính. Trong đó, nhà trường sẽ hướng dẫn phân luồng giao thông khi phụ huynh đưa học sinh tới trường. Đa số các trường học nằm ở vị trí có mật độ phương tiện qua lại đông. Vì thế, khi tổ chức cho học sinh đi học, lực lượng chức năng cần phối hợp điều tiết đảm bảo an toàn giao thông, không để ùn ứ người và phương tiện. Nếu xảy ra tình trạng tập trung đông cùng một thời điểm, phải nhắc nhở học sinh, phụ huynh di chuyển ngay và chú ý giãn cách.
Các thầy cô cần hướng dẫn học sinh vào lớp học đảm bảo công tác phòng chống dịch trong tình hình mới. Vì số lượng học sinh đi học đợt này đông nên nhà trường lưu ý mở rộng cổng trường, thông báo rõ ràng về phương án phân luồng cổng chính, cổng phụ, cổng sau; khu vực cầu thang… để học sinh, phụ huynh nắm được và thực hiện. Với học sinh đi bộ, khi đến cổng sẽ đi theo hàng lối, được đo thân nhiệt từ cổng trường, sau đó tiếp tục di chuyển lên lớp học.
Giáo viên chủ nhiệm hoặc cán bộ lớp sẽ cập nhật nhiệt độ của học sinh lúc đầu giờ và cuối giờ hàng ngày để ghi vào sổ nhật ký theo dõi sức khỏe. Nhà trường căn cứ vào đó để cập nhật, báo cáo phòng GD&ĐT. Mỗi lớp học có sổ nhật ký, rổ đựng nhiệt kế, khẩu trang dự phòng, cốc giấy, sọt rác có nắp đậy.
Quá trình học tại trường, học sinh không gọi đồ bên ngoài. Khi tan học, các em ra về theo cầu thang và lối ra cổng như lúc vào trường, luôn giữ khoảng cách, đeo khẩu trang, thực hiện đúng quy định "5K". Nếu học sinh ho, sốt... cần báo cho giáo viên chủ nhiệm và xin phép nghỉ học, không đến trường.
Cách xử lý khi có F0 trong trường
Trong buổi diễn tập, nội dung được chú ý nhất là các bước xử lý tình huống khi phát hiện học sinh có dấu hiệu bất thường như thân nhiệt cao, sốt, mỏi mệt, nghi ngờ nhiễm Covid-19 trên lớp học hoặc trong khuôn viên nhà trường.
Trong quá trình giảng dạy, nếu phát hiện học sinh có biểu hiện ho, sốt, mỏi mệt, mất vị giác, nghi nhiễm Covid-19, giáo viên cho tạm dừng việc giảng dạy, báo cáo ban giám hiệu rồi đưa học sinh về phòng cách ly tạm thời để lấy mẫu xét nghiệm.
Tiếp đó, giáo viên thực hiện xác định các học sinh có tiếp xúc gần với F0 trong lớp học để đánh giá nguy cơ. Đồng thời khử khuẩn lớp học và những nơi học sinh đó có tiếp xúc, thực hiện các biện pháp theo hướng dẫn mới của liên ngành Y tế - Giáo dục đào tạo. Sau đó thông báo cho gia đình học sinh, báo cáo phòng GD&ĐT.
Trường hợp trong lớp có học sinh nghỉ học do được xác định là F0, giáo viên chủ nhiệm nắm bắt thông tin, báo cáo ban giám hiệu. Tại lớp, giáo viên tiến hành xác định những học sinh có tiếp xúc gần với F0 để đánh giá nguy cơ và đề xuất thực hiện các giải pháp theo hướng dẫn liên ngành.
Trước đó, tại cuộc họp trực tuyến của Ban chỉ đạo phòng chống dịch Covid-19 TP Hà Nội với các quận/huyện/thị xã trên địa bàn, Chủ tịch UBND thành phố Chu Ngọc Anh yêu cầu sở GD&ĐT sớm xây dựng kịch bản ứng phó cũng như phương án đón học sinh từ khối 7 - 12 đi học trực tiếp trở lại từ sau kỳ nghỉ Tết Nguyên đán 2022.
PGS.TS Nguyễn Huy Nga, Nguyên Cục trưởng Cục Y tế dự phòng, chuyên gia cao cấp Bộ Y tế bày tỏ sự ủng hộ chủ trương mở cửa trường học. Ông nhấn mạnh, việc học trực tuyến lâu dài ảnh hưởng lớn đến sức khỏe, tâm lý, chất lượng học tập của cả thầy và trò. Vị chuyên gia này cũng cho rằng, sau hai năm chống chọi với dịch, chúng ta đã biết rõ cơ chế lây truyền nên có các biện pháp bảo vệ cá nhân, bảo vệ cộng đồng, không còn "hoang mang" như thời kỳ đầu của đại dịch.