Thói quen lề mề ảnh hưởng xấu đến học tập khi còn nhỏ và bỏ lỡ nhiều cơ hội thành công trong tương lai. Cha mẹ cần giúp con thay đổi thói quen này càng sớm càng tốt.
Mẹ căng thẳng vì con lề mề
Minh Lương (quận Tây Hồ, Hà Nội) năm nay đã 9 tuổi nhưng làm việc gì cũng đủng đỉnh khiến mọi người phải chờ đợi. Sáng nào chị Phương (mẹ của Minh Lương) cũng phải giục con liên hồi từ việc vệ sinh cá nhân, ăn sáng, thay quần áo... may ra cậu mới ra khỏi nhà đúng giờ, nếu không sẽ thường xuyên đi học muộn và bị cô giáo phạt.
Chị Phương cũng đã sửa, uốn nắn nhưng chưa thực sự nghiêm khắc nên con chỉ được ngay lúc đó, sau đâu lại vào đấy. Điều này khiến chị cảm thấy áp lực và căng thẳng ngay lúc bắt đầu ngày mới, gây ảnh hưởng tâm lý cả ngày làm việc.
Nhà văn Trương Thuỳ Chi, tác giả cuốn sách “Xắn tay áo lên... làm bố mẹ” cũng chia sẻ về một trong những nguyên nhân khiến chị khó chịu là tính lề mề của cậu con trai tên Tee (5 tuổi).
Những giây phút Tee khiến chị muốn “nổ tung” không hiếm. Đang đánh răng thì mải nghịch bàn chải, chuẩn bị ăn thì lôi đồ chơi ra nghịch, thay được cái áo thì quên mất cái quần, cuối cùng là muộn học. Vì vậy, trước khi đánh răng, trước khi thay quần áo, chị Trương Thuỳ Chi luôn ôm con vào lòng tỉ tê nhưng hiệu quả chỉ đạt ở mức 70% - 90%.
Có thể thấy, những đứa trẻ được gắn mác “lề mề” thì tác phong làm việc gì cũng chậm chạp, ngay cả đi đứng, ăn uống, nói năng. Nhưng các bậc cha mẹ đừng lo lắng hay khó chịu quá, vì biết được nguyên nhân sẽ có cách khắc phục hiệu quả.
Theo cô Ngô Thị Nhài, giảng viên kỹ năng sống tại CLB kỹ năng sống Cara, nguyên nhân trẻ có tính lề mề có thể là do chưa phát triển hoàn thiện về thể chất nên động tác khó tránh khỏi vụng về, kém linh hoạt và thời gian làm việc sẽ lâu hơn người lớn.
Dưới 6 tuổi, trẻ chưa có nhận thức chính xác về thời gian. Trẻ cũng không ý thức được công việc của mình làm nhanh hay chậm, bao nhiêu thời gian để hoàn thành. Ngoài ra, do được cha mẹ chiều chuộng nên trẻ không ý thức được mình phải làm những công việc đó. Trẻ vốn hiếu kì, thường bị các sự việc xung quanh chi phối, lôi cuốn nên không thực hiện ngay nhiệm vụ.
Trong cuộc sống, một số trẻ thường có thói quen lề mề, chậm chạp. Thói quen này nếu không sửa sẽ ảnh hưởng rất lớn đến học tập cũng như nhiều cơ hội phát triển sau này của trẻ.
“Nhiều cha mẹ thường giục giã, quát mắng hay đánh đòn những lúc con làm việc gì đó lề mề. Điều này vừa không cải thiện mà còn khiến chúng sợ sệt. Do đó, cha mẹ cần ý thức được sự lề mề của con cũng có phần lỗi không nhỏ của mình. Từ đó biết cách điều chỉnh bản thân trước khi muốn trẻ khắc phục tính lề mề” - cô Ngô Thị Nhài chia sẻ.
Dạy trẻ có ý thức về thời gian
Nhà văn Trương Thuỳ Chi chia sẻ, ban đầu khi thấy con lề mề, chị cũng hay giục Tee kiểu “con đánh răng đi!”, “con mặc đồ đi!” nhưng rồi nhận thấy càng giục nhiều chỉ càng làm con và bản thân khó chịu hơn.
Con bị nói nhiều lại càng thích làm ngược lại hoặc tỏ ra chống đối. Bố mẹ thì càng dễ bực tức, không kiềm chế được bản thân. Đôi lúc, chị tặc lưỡi muốn cho qua, vì dù gì con cũng làm xong, chỉ hơi chậm, nhưng vẫn muốn con bỏ hẳn được tính lề mề.
Chính vì vậy, chị Trương Thùy Chi đã dạy con làm việc theo “deadline” (hạn chót) bằng cách bấm giờ, ra thời gian con phải hoàn thành công việc. Tuy nhiên, trước hết phải để con hiểu bấm giờ không phải là hình phạt, bấm giờ là để làm mọi việc siêu tốc như cách con vẫn có thể làm.
“Thông thường, mình sẽ cho Tee 12 phút mỗi tối để làm các công việc dọn đồ chơi, đánh răng, đi vệ sinh, thay quần áo, chuẩn bị ba lô và chọn truyện đọc trước khi đi ngủ. Và 8 - 10 phút mỗi sáng để đánh răng, đi vệ sinh và thay đồ đi học”, chị Trương Thuỳ Chi chia sẻ.
Chị Trương Thuỳ Chi cho rằng, tuỳ vào độ tuổi của con, số lượng công việc cần làm mà cha mẹ lựa chọn một khung giờ hợp lý để giao và giám sát con thực hiện. Hoàn toàn có thể tăng tính tương tác với phương pháp này bằng cách cha mẹ cũng thực hiện cùng con hoặc cho con tự đặt giờ bằng đồng hồ con yêu thích. Theo mẹ Tee, phương pháp này đã nhận được sự đồng ý của con và hiệu quả lên tới 99% - 100%.
Hầu hết trẻ nhỏ lề mề là do chưa có quan niệm chính xác về giá trị thời gian và không biết thời gian có ý nghĩa quý giá như thế nào. Để cải thiện tính lề mề của trẻ, cha mẹ có thể dạy khái niệm về thời gian cho con thông qua nghe, nhìn và cảm nhận. Ví dụ, cha mẹ có thể cho con xé lịch, để trẻ cảm nhận thời gian trôi qua.
Cha mẹ cũng cần quy định rõ trong khoảng thời gian nhất định, trẻ cần hoàn thành những việc gì. Đối với việc cần làm, cha mẹ có thể thoả thuận với trẻ để đặt giới hạn thời gian. Vì trẻ nhỏ chưa hoàn toàn nắm được 5 phút, 30 phút kéo dài bao lâu nên thay vì thúc giục bằng lời, cha mẹ có thể sử dụng đồng hồ hẹn giờ để giúp trẻ quản lý thời gian.
“Suy cho cùng thì con cũng là một bạn nhỏ, ở lứa tuổi ham chơi, nghịch ngợm, thích khám phá, nên cha mẹ cùng nhau tìm cách để giúp con vượt qua sự lề mề này một cách nhẹ nhàng nhất có thể”, chị Trương Thuỳ Chi nói.