"Bố mẹ là chúa than vãn. Nếu trẻ có thể làm tốt thì đã là người lớn luôn rồi."
Bạn có thấy câu nói này đúng không?
Rất nhiều bố mẹ sau một thời gian bắt đầu hành trình làm cha mẹ bỗng cảm thấy mình thật kém cỏi và hoang mang với vô vàn nỗi băn khoăn, thắc mắc và lo lắng trong lòng. Tại sao mình hay nổi nóng, mắng mỏ con? Tại sao con lại bướng bỉnh, ương ngạnh như vậy chứ? Tại sao mình nói đi nói lại một việc mà mãi con vẫn không hiểu? Vì sao con luôn ngoan ngoãn, nề nếp khi ở ngoài nhưng lại biến thành "quả bom nổ chậm" khi ở nhà? Vì sao con nhút nhát, bám mẹ riết vậy? Con nghịch ngợm liên hồi liệu có bị tăng động hay không? Bạn bè cùng tuổi đã líu lo hết rồi mà sao con vẫn không ê a, bập bẹ….
Hẳn là bất cứ ai trong chúng ta đều đã từng than thở, tự hỏi bản thân mình như vậy khi trở thành cha mẹ và cùng với đó là nỗi trăn trở làm sao để hiểu con hơn và trở thành cha mẹ tốt?
Trở thành cha mẹ tốt là nỗ lực và mơ ước của bất cứ cha mẹ nào, nhưng thực tế, đó là một mục tiêu không hề dễ dàng chút nào. (Ảnh minh họa)
Là một bác sĩ tâm lý trẻ em giàu kinh nghiệm, một chuyên gia trong lĩnh vực sức khỏe tâm thần và người tư vấn lâu năm cho các bậc cha mẹ, bác sĩ Cheonseok Suh đã được rất nhiều cha mẹ ở Hàn Quốc tin tưởng và tìm tới ông để được tư vấn, tháo gỡ những khó khăn khi nuôi dạy con của mình. Trong cuốn sách "Con chúng ta không sao đâu" của mình, bác sĩ Cheonseok Suh đã ghi chép lại hàng trăm câu hỏi/ tình huống liên quan đến tâm lý của cha mẹ và con sau nhiều năm làm tư vấn của mình, cùng với phần lý giải cụ thể và chi tiết cho từng tình huống. "Con chúng ta không sao đâu" cũng trở thành một câu "thần chú" giúp cho nhiều bố mẹ kiên nhẫn, lạc quan và tự tin hơn vào công việc làm cha mẹ của mình.
Theo bác sĩ Cheonseok Suh, cha mẹ không phải là những người có thể khiến con thay đổi "ngay lập tức" mà là người nỗ lực đến cùng khiến con chịu thay đổi. Sức mạnh của những người làm cha mẹ chính là ở sự kiên trì lâu bền. Việc thúc ép dạy dỗ quá mức sẽ làm đổ vỡ "mối quan hệ mật thiết giữa cha mẹ và con", động lực to lớn nhất để thay đổi con người. Hãy nhớ rằng, chúng ta có thể tạo ảnh hưởng cho con trong một thời gian dài.
Trạng thái tâm lý và cảm xúc của bố mẹ ảnh hưởng trực tiếp và vô cùng mạnh mẽ tới các con. Vì thế, sự thư giãn và vui vẻ của bố mẹ chính là chất xúc tác giúp trẻ ổn định tâm lý và trở nên ngoan ngoãn hơn. (Ảnh minh họa)
Rất nhiều bố mẹ rơi vào trạng thái "chỉ muốn vứt quách con đi cho xong" hay "không muốn làm mẹ của đứa trẻ nào hết nữa"… do những căng thẳng và vất vả mà việc nuôi dạy con mang lại, bác sĩ Cheonseok Suh cho rằng "khi cha mẹ mệt mỏi thì các con cũng cảm thấy không vui và trở nên khó bảo bởi vì các con chính là tấm gương phản chiếu tâm trạng thực của cha mẹ".
Vì thế, khi cảm thấy mệt mỏi, hãy cứ nghỉ ngơi một chút và tập trung vào những giây phút hạnh phúc bên con. Thay vì cố gắng uốn nắn, dạy bảo con phải nghe lời, thì hãy thử thả lỏng và ôm con vào lòng, bạn sẽ thấy được an ủi rất nhiều. Hãy liên tục làm những việc vui vẻ với con và nghĩ tới những việc khiến tâm trạng trở nên vui vẻ.
"Mỗi khi căng thẳng, mệt mỏi, bố mẹ hãy thư giãn và làm thật nhiều việc khiến bạn vui vẻ cùng con", đó là lời khuyên của bác sĩ Cheonseok Suh, tác giả cuốn sách "Con chúng ta không sao đâu". (Ảnh minh họa)
Sự thư giãn và vui vẻ sẽ giúp các bố mẹ nghĩ ra được những cách xử lý khôn khéo và hiệu quả đối với những trạng thái, cảm xúc, hành động khó chịu của con. Ví dụ, khi trẻ hỏi quá nhiều, hỏi đi hỏi lại một vài câu hỏi khiến bạn nhức hết cả đầu, bố mẹ có thể ứng phó bằng cách đặt câu hỏi ngược lại cho con bằng những câu như "Ồ, đúng đấy, sao lại thế nhỉ?", "Con nghĩ sao về điều này"…., bởi đôi khi, trẻ đặt câu hỏi chỉ để chắc chắn rằng bố mẹ có quan tâm đến mình không mà thôi.
Hay khi con lề mề, lơ đãng, thường xuyên chậm chạp, bố mẹ không thể lúc nào cũng nổi cáu, thúc ép con được. Bởi vì việc không ý thức được về thời gian không phải lỗi của con, con vẫn đang trong quá trình thay đổi để trưởng thành nên cảm giác về thời gian của con còn hạn chế mà thôi. Bố mẹ cần kiên nhẫn hướng dẫn, luyện tập cùng con để giúp con phát triển các kỹ năng còn yếu trong não bộ….
Sự lo lắng và căng thẳng khi làm cha mẹ có thể biến những việc bình thường trở thành tồi tệ, bác sĩ Cheonseok Suh khuyên rằng, hãy luôn tự nhủ với mình rằng "Con chúng ta không sao đâu" để bình tĩnh, thư giãn hơn trước các tình huống khó khăn hay những biểu hiện bất thường của con. Mọi việc đều có thể được tháo gỡ khi bạn kiên nhẫn, tin tưởng và lạc quan. Đó cũng chính là cách giúp bạn rèn bản lĩnh làm cha mẹ của chính mình.