Tại Kỳ họp thứ nhất, Quốc hội khóa XV, một đại biểu Quốc hội từng phát biểu rằng, về những tác động tiêu cực của dịch bệnh Covid-19, dường như chúng ta mới chỉ quan tâm nhiều đến những thiệt hại về mặt kinh tế và những tác hại trong lĩnh vực sức khỏe, thể chất. Thực tế, còn một vấn đề lớn và sâu sắc khác là những thiệt hại và tổn thất về sức khỏe tinh thần.
Đến nay, điều này đã hiện hữu và ngày càng rõ nét hơn, nhất là với trẻ em. Theo thống kê của Sở Giáo dục và Đào tạo TP Hồ Chí Minh, đến ngày 13/9, toàn thành phố có hơn 1.500 em trong độ tuổi đến trường mồ côi do Covid-19.
Còn theo báo cáo của các địa phương thì đến ngày 31/8, có 11.822 trẻ em là F0, số trẻ em F1 là 27.334. Ở phạm vi rộng hơn, trẻ em bị ảnh hưởng nghiêm trọng cả về thể chất lẫn tinh thần do môi trường học tập thay đổi, bị suy giảm nguồn nuôi dưỡng.
Nhiều trẻ rơi vào tình trạng không có cha, mẹ hoặc người thân thích chăm sóc do cha, mẹ hoặc chính trẻ em phải điều trị, cách ly để phòng, chống lây nhiễm Covid-19.
Thực tế, những tổn thương về tâm lý, tinh thần mà dịch bệnh gây ra cho con người khó nhận biết hơn, khó tính toán cụ thể. Đó là những tác động ngầm gây ảnh hưởng đến tư duy, nhận thức của con người mà hậu quả để lại không kém những tổn thất về kinh tế.
Mặt khác, dịch Covid-19 cũng đã phá vỡ thói quen sinh hoạt, làm việc, học tập của người dân. Đặc biệt với trẻ em - tổn thương lớn nhất đó là về tâm sinh lý, là không có người chăm sóc.
Bởi vậy, ngoài những giải pháp đã được một số địa phương ban hành như trẻ mồ côi được nhận trợ cấp đến dưới 16 tuổi; được cấp thẻ bảo hiểm y tế miễn phí, miễn giảm học phí và các khoản khác trong nhà trường hay được đưa vào diện nhận chăm sóc, nuôi dưỡng thay thế bởi ông, bà, cô, chú, cậu, dì, người thân hoặc cá nhân, cộng đồng trong xóm, tổ dân phố; người nhận làm con nuôi hoặc đưa vào các trung tâm, cơ sở bảo trợ xã hội công lập và ngoài công lập... đã đến lúc cần có kế hoạch dài hơi cho vấn đề này.
Đó là song song với các giải pháp để phát triển, phục hồi nền kinh tế trong và sau đại dịch, các bộ, ban, ngành liên quan cần có những giải pháp phù hợp để đại dịch Covid-19 không trở thành cuộc khủng hoảng tâm lý xã hội kéo dài, ảnh hưởng tiêu cực đến lối sống, tư duy của người dân.
Cần bảo đảm nguồn lực đầu tư để nâng cao chất lượng các dịch vụ xã hội; tăng cường triển khai các chương trình hoạt động truyền thông, truyền cảm hứng, lan tỏa năng lượng tích cực.
Cùng với những thiệt hại về kinh tế, dịch bệnh tác động đã và đang để lại những ảnh hưởng tiêu cực về lối sống, cách sinh hoạt, tâm lý xã hội. Do đó, với những đối tượng dễ bị tổn thương như trẻ em, cần được đặt vào vị trí trung tâm của mọi nỗ lực nhằm ngăn chặn sự lây lan của dịch Covid-19 cũng như giảm thiểu tác động xã hội.
Khó có thể hình dung về cuộc sống của trẻ em - đặc biệt là trẻ em bị mồ côi cha, mẹ hoặc cả cha lẫn mẹ, sẽ như thế nào trong tương lai do thiếu những nhu cầu cơ bản nếu như các cơ quan chức năng không dự liệu đầy đủ và toàn diện những tác động đã và sẽ xảy ra để từ đó có giải pháp hiệu quả, tránh những hệ lụy tiêu cực về sau.