Dấu hiệu cho thấy bệnh Covid-19 trở nặng ở trẻ em

GD&TĐ - Theo chuyên gia y tế, đối với trẻ em, dấu hiệu cho thấy bệnh trở nặng là thở rên, rút lõm lồng ngực, phập phồng cánh mũi, khò khè, thở rít thì hít vào,...

Ảnh minh họa.
Ảnh minh họa.

Thông tin trên báo chí về dấu hiệu cho thấy bệnh nhân Covid-19 trở nặng, theo BS Đồng Minh Hùng - Trưởng khoa Nhiễm Bệnh viện Đa khoa Đồng Nai cho biết, bệnh nhân Covid-19 nếu có các dấu hiệu mệt mỏi, ho, ho ra đờm, ớn lạnh/gai rét, viêm kết mạc (mắt đỏ), mất vị giác hoặc khứu giác, tiêu chảy (phân lỏng/đi ngoài); ho ra máu, thở dốc hoặc khó thở, đau tức ngực kéo dài, lơ mơ, không tỉnh táo; đau họng, nhức đầu, chóng mặt, chán ăn, buồn nôn và nôn, đau nhức cơ… cần khẩn trương thông báo cho nhân viên y tế để được thăm khám và xử trí kịp thời.

Đặc biệt, nếu bệnh nhân có dấu hiệu khó thở, thở hụt hơi thì cần nghĩ ngay đến việc bệnh trở nặng cần hỗ trợ ngay.

Đối với trẻ em, dấu hiệu cho thấy bệnh trở nặng là thở rên, rút lõm lồng ngực, phập phồng cánh mũi, khò khè, thở rít thì hít vào; mạch nhanh, huyết áp thấp; đau tức ngực thường xuyên, cảm giác bó thắt ngực, đau tăng khi hít sâu; ngủ rũ, lơ mơ, rất mệt/mệt lả, trẻ quấy khóc, li bì khó đánh thức, co giật; tím môi, tím đầu móng tay, móng chân, da xanh, môi nhợt, lạnh đầu ngón tay, ngón chân; không thể uống hoặc bú kém/giảm, ăn kém, nôn.

Trẻ có biểu hiện hội chứng viêm đa hệ thống như: sốt cao, đỏ mắt, môi đỏ, lưỡi dâu tây, ngón tay chân sưng phù nổi hồng ban... mắc cùng lúc bệnh Covid-19 và các bệnh cấp tính như sốt xuất huyết, tay chân miệng… cũng cần được theo dõi y tế sát sao để xử trí kịp thời, tránh tình trạng bệnh trở nặng.

Trẻ em nhiễm Covid-19 nguy hiểm thế nào?

Thông tin trên báo chí, theo ông Nguyễn Trần Nam, phó giám đốc Bệnh viện Nhi đồng TP Hồ Chí Minh, hiện đang tham gia điều trị ở Bệnh viện dã chiến số 4, cho biết trẻ em mắc Covid-19 thường bị lây từ gia đình. 

Do vậy khi gia đình đi điều trị thì cũng đưa các bé đi cùng. Bệnh viện dã chiến số 4 có 20 tòa nhà, trải rộng trên 30ha, có 4.000 giường bệnh, là nơi tiếp nhận những gia đình có trẻ em mắc Covid-19.

Có những gia đình khi vào bệnh viện có cả ông bà, ba mẹ và các con. Theo bác sĩ Nam, chăm sóc trẻ em mắc Covid-19 khác hơn so với người lớn mắc Covid-19. Với trẻ quá nhỏ cần có một chế độ dinh dưỡng đặc biệt như trẻ phải ăn cháo, uống sữa. 

Ngoài ra, trẻ còn cần được hỗ trợ về tâm lý. Tại bệnh viện, những nhân viên công tác xã hội sẽ gọi điện động viên những bé bị mất ba mẹ hoặc ba mẹ bị chuyển nặng phải đưa đi cấp cứu. 

Với những bé không có người thân chăm sóc, bệnh viện huy động những người cùng phòng chưa có biểu hiện nặng hỗ trợ chăm sóc các bé.

Các biến chứng Covid-19 ở trẻ em ít hơn so với người già, người có bệnh nền. Đa số các bé khi vào Bệnh viện dã chiến số 4 chỉ có triệu chứng sốt nhẹ, ho... Các bé sẽ được điều trị triệu chứng vì có các bác sĩ nhi tại bệnh viện.

Tuy nhiên, một số trẻ em bị béo phì hoặc có những bệnh lý mãn tính, khi mắc Covid-19 có thể trở nặng, thậm chí tử vong. Với những trường hợp này, các bác sĩ phải sàng lọc sớm để chuyển sang Bệnh viện Nhi đồng TP Hồ Chí Minh điều trị.

Người lớn tiêm vắc xin giúp bảo vệ đối tượng có nguy cơ cao

Một vấn đề đáng quan ngại là các biến thể mới và nguy hiểm của virus SARS-CoV-2 (virus gây ra Covid-19). Trẻ em chưa đủ tuổi hoặc trẻ có bố mẹ không đồng ý tiêm là đối tượng dễ bị tổn thương nhất.

Về bản chất, virus sẽ đột biến khi nhân lên trong cơ thể người. Vì vậy, càng lây được nhiều người, virus càng dễ đột biến và tạo ra các biến thể.

Theo các chuyên gia dịch tễ, hầu hết các biến thể của virus không thể cạnh tranh với chủng đang lưu hành. Tuy nhiên, nguy cơ các chủng mới dễ lây lan và gây bệnh nặng hơn vẫn tồn tại. Hiện tại, biến thể nguy hiểm nhất là Delta với khả năng lây nhiễm nhanh hơn. Mặc dù độc lực của virus không thay đổi nhưng lại làm cho nhiều người trẻ phải nhập viện hơn.

Tất cả mọi người đều có nguy cơ mắc bệnh. Vì vậy, nếu có đủ điều kiện thì hãy tiêm vắc xin ngay khi có thể. Việc gia tăng ca mắc ở một nhóm đối tượng có thể làm tăng ca mắc ở các nhóm khác. Mặc dù có nguy cơ thấp, nhưng số trẻ em mắc Covid-19 có xu hướng gia tăng từng ngày. Điều này làm tăng một số rủi ro cho trẻ.

Theo các chuyên gia y tế, vắc xin là biện pháp quan trọng để kiểm soát đại dịch. Tiêm vắc xin giúp hạn chế sự lây truyền và bảo vệ những người không đủ điều kiện tiêm chủng, đặc biệt là trẻ em.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ