Trẻ em Mỹ học cách phát hiện tin giả

GD&TĐ - Từ năm 2024, bang California, Mỹ, sẽ đưa nội dung giảng dạy về truyền thông vào chương trình giáo dục phổ thông.

Học sinh tiểu học tại California, Mỹ, làm quen với máy tính xách tay.
Học sinh tiểu học tại California, Mỹ, làm quen với máy tính xách tay.

Từ năm 2024, bang California, Mỹ, sẽ đưa nội dung giảng dạy về truyền thông vào chương trình giáo dục phổ thông. Động thái trên được các chuyên gia giáo dục ủng hộ trong bối cảnh niềm tin dành cho truyền thông sụt giảm mạnh và các công nghệ mới đặt ra thách thức để xác định tin giả.

Cụ thể, theo dự luật mới được bang California ban hành, các trường công lập phải hướng dẫn học sinh kiến thức về truyền thông, bao gồm nhận dạng dữ liệu sai lệch, xác định tin tức giả, xây dựng nội dung trên Internet có trách nhiệm.

Dự luật yêu cầu các trường kết hợp nội dung về kiến thức truyền thông và kỹ thuật số vào các môn học cốt lõi từ ngôn ngữ, lịch sử đến khoa học, toán học. Điều này giúp bất kỳ giáo viên ở bộ môn nào cũng phải hiểu biết và có thể giảng dạy về truyền thông.

Hơn nữa, nó còn đáp ứng nhu cầu về ngân sách vì truyền thông không phải môn học độc lập. Giáo dục về truyền thông giống như giáo dục kỹ năng sống và đạo đức cho mọi học sinh Mỹ.

Các trường học có thể sử dụng bất cứ tài liệu giảng dạy nào về truyền thông, miễn là chúng đã được kiểm định đạt chất lượng. Chính quyền bang cũng sẽ phân bổ cho các trường một nguồn ngân sách để triển khai giảng dạy.

Từ lâu, các nhà nghiên cứu đã cảnh báo hệ sinh thái kỹ thuật số hiện tại đã gây hậu quả nghiêm trọng cho giới trẻ nên việc giảng dạy và truyền thông sẽ tạo ra sự khác biệt.

Ông Marc Berman, thành viên nhóm ban hành dự luật California, nhìn nhận: “Những điều xảy ra trên Internet có thể tác động tiêu cực trong thế giới thực. Dự luật sẽ giúp học sinh trở thành những công dân kỹ thuật số có trách nhiệm, chủ động hơn khi đưa nội dung lên Internet và hiểu rõ an toàn, quyền riêng tư trên mạng”.

Ủng hộ hành động của bang California, bà Erin McNeil, người sáng lập và Giám đốc điều hành Nhóm vận động Media Literacy Now, bày tỏ: “Chúng tôi nhất trí với chính quyền bang California rằng việc giảng dạy về truyền thông là hết sức cần thiết. Đây là điều quan trọng nhất lúc này”.

Khi dự luật đi vào hoạt động, California sẽ là một trong số ít bang tại Mỹ dạy học sinh cách phát hiện tin giả. Ước tính, chỉ 18 trên 50 bang tại Mỹ ban hành tiêu chuẩn hoặc yêu cầu đưa giáo dục kiến thức truyền thông vào chương trình học.

Trong bối cảnh tin giả xuất hiện tràn lan trên Internet như hiện nay, nhiều quốc gia đã đưa nội dung này vào chương trình giáo dục chính khóa. Đơn cử, Phần Lan đã thử nghiệm nhiều phương pháp khác nhau để dạy học sinh về cách nhận biết tin giả.

Giáo viên ở tất cả các bộ môn phải lồng ghép kiến thức về truyền thông vào bài học, qua đó giúp học sinh phân biệt được tin giả, tin sai sự thật và làm chủ thời gian trên mạng xã hội. Giáo viên có thể giao các bài tập thực hành như biên tập video, chỉnh sửa ảnh của chính mình để học sinh nhận thức được việc thay đổi thông tin trên Internet đơn giản ra sao.

Tổng Y sĩ Mỹ đánh giá việc dạy kiến thức về kỹ thuật số và truyền thông là phương pháp chống lại cuộc khủng hoảng sức khỏe tâm thần ở giới trẻ do mạng xã hội gây ra. Còn Hiệp hội Tâm lý Mỹ kêu gọi phụ huynh và trường học dạy kiến thức về truyền thông trước khi trẻ em tiếp xúc với các nền tảng xã hội.

Theo The Guardian

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Phố cổ Hà Nội tôn vinh giá trị di sản

Phố cổ Hà Nội tôn vinh giá trị di sản

GD&TĐ - Kỷ niệm 20 năm được xếp hạng Di tích Lịch sử quốc gia, Ban quản lý hồ Hoàn Kiếm và Phố cổ Hà Nội tổ chức nhiều hoạt động văn hóa tôn vinh giá trị di sản.