Các trường đại học Mỹ tổ chức xét tuyển sớm nhằm giúp thí sinh tăng cơ hội trúng tuyển. Tuy nhiên, đối với sinh viên thu nhập trung bình và thấp, hình thức này hạn chế hỗ trợ tài chính và học bổng.
Bên cạnh đợt tuyển sinh thông thường (Regular Decision – RD), hạn chót vào đầu tháng 1, các trường đại học Mỹ thường tuyển sinh sớm (Early Decision – ED), hạn chót vào 15/12, giúp thí sinh tăng cơ hội trúng tuyển, đặc biệt vào các trường tốp đầu.
Theo hình thức ED, thí sinh chỉ được phép nộp đơn vào một trường và khi được nhận, thí sinh phải rút toàn bộ hồ sơ ở các trường khác (nếu có) và nhập học ở trường theo đợt ED. Do đó, thí sinh phải cân nhắc rất kỹ về khả năng tài chính lẫn năng lực thực tế.
Tuy nhiên, nhiều chuyên gia nhận định hình thức tuyển sinh này cũng có mặt trái. Những thí sinh không cần hỗ trợ tài chính thường chọn ED. Còn thí sinh đến từ gia đình thấp và trung bình gặp nhiều bất lợi.
Bà Marcella Bombardieri, thành viên cấp cao tại Trung tâm Tiến bộ Mỹ, đánh giá khi các trường đại học có thể dễ dàng lấp đầy chỉ tiêu tuyển sinh, thí sinh đến từ gia đình thu nhập thấp sẽ bị giảm cơ hội trúng tuyển.
TS Rachel Rubin, chuyên gia chính sách giáo dục đại học, cho biết: “Xét đến yếu tố học bổng, thí sinh đăng ký ED được hỗ trợ tài chính ít hơn so với thí sinh RD. Bởi lẽ hình thức nộp đơn sớm nhằm thu hút sinh viên Mỹ vào trường và giữ chỗ trước”.
Câu chuyện của Sai Mandhan, 18 tuổi, sinh viên ngành Toán và Khoa học máy tính của Đại học Maryland là một ví dụ. Năm ngoái, anh định đăng ký xét tuyển sớm vào Đại học Cornell, một trong tám trường thuộc khối Ivy League, nhưng cuối cùng từ bỏ vì gia đình không muốn bị ràng buộc tài chính.
Sai phân tích, học phí mỗi năm tại Đại học Cornell là 80.000 - 90.000 USD, cộng với 400 USD phí giữ chỗ theo chính sách ED. Đây là một khoản tiền lớn với Sai nhưng gia đình anh không đủ tiêu chuẩn để được nhận hỗ trợ tài chính. Nếu trúng tuyển theo diện học phí tự chi trả, Sai bắt buộc phải học Cornell nhưng anh không thể cáng đáng 4 năm đại học.
“Việc nộp đơn sớm có tính ràng buộc rất lớn. Đó là một quyết định mang tính hệ quả vượt ra ngoài khía cạnh tài chính”, Sai nói.
Giống như Sai, nhiều thí sinh đến từ gia đình thu nhập thấp và trung bình tại Mỹ cũng không đăng ký ED vì học phí cao mà ít được hỗ trợ. Nếu trúng tuyển, họ bắt buộc phải nhập học nên tính ràng buộc của hình thức này là rất lớn. Điều này cũng gây áp lực lên tài chính của họ.
Ngay cả khi được hỗ trợ tài chính, thí sinh đến từ các gia đình thu nhập trung bình, thấp cũng khó có cơ hội tranh suất ED do theo hình thức này, thí sinh cần chuẩn bị từ rất sớm. Thí sinh phải có người lớn như chuyên gia cố vấn hoặc bố mẹ từng học tại các trường này ở bên cạnh để định hướng, giúp đỡ.
Hiện nay, nhằm tạo công bằng cho thí sinh, một số đại học danh giá như ĐH Harvard, ĐH Yale, ĐH Standford tích cực tuyển sinh theo hình thức Restrictive Early Action (Hành động sớm hạn chế). Nếu ứng tuyển theo hình thức này, thí sinh vẫn được nhận kết quả sớm nhưng không bị buộc phải nhập học như ED.
Tỷ lệ sinh viên nhập học theo diện ED cao hơn so với RD, nhất là ở các trường tốp đầu. Theo dữ liệu từ Đại học Pennsylvania, vào năm học 2022 - 2023, tỷ lệ chấp nhận ED là 16% trong khi tỷ lệ chấp nhận RD là 5%. Người phát ngôn của Pennsylvania cho biết: “Chúng tôi thường tiếp nhận khoảng 50% sinh viên năm nhất qua hình thức ED”.