Mỹ hỗ trợ học sinh vào đại học thế nào?

GD&TĐ - Vì chi phí đại học đắt đỏ, nhiều học sinh trung học Mỹ không đủ khả năng học lên cao.

Nhiều gia đình Mỹ mở tài khoản tiết kiệm đại học cho con từ mẫu giáo.
Nhiều gia đình Mỹ mở tài khoản tiết kiệm đại học cho con từ mẫu giáo.

Vì chi phí đại học đắt đỏ, nhiều học sinh trung học Mỹ không đủ khả năng học lên cao. Thấu hiểu những khó khăn của các em, chính quyền các địa phương đã xây dựng các khoản tiết kiệm tích luỹ để giải quyết vấn đề trên.

Năm 2011, San Francisco là thành phố đầu tiên tại Mỹ mở tài khoản tiết kiệm đại học cho học sinh mẫu giáo các trường công lập. Theo chương trình này, được gọi là K2C, mỗi tài khoản được cấp sẵn 50 USD. Sau hơn một thập kỷ, những học sinh đầu tiên đăng ký tài khoản sắp bước vào đại học.

Yadira Saavedra, 17 tuổi, là một trong hơn 600 học sinh ở San Francisco chuẩn bị học đại học nhờ nhận hỗ trợ từ K2C. Bố mẹ của Yadira đã tích luỹ được 2.200 USD trong tài khoản. Điều này đã thay đổi quan điểm của nữ sinh về bằng cấp đại học.

Yadira chia sẻ: “Gia đình luôn muốn em học đại học nhưng em thì không. Em không rõ đi học sẽ tốn bao nhiêu mà chỉ biết đó là một khoản tiền lớn”. Nhưng mùa Thu năm nay, Yadira sẽ là sinh viên năm nhất Đại học California – Davis. Nữ sinh dự định theo học ngành Khảo cổ học hoặc Xã hội học.

Để chi trả học phí, Yadira phải dựa vào nhiều nguồn như tiền tiết kiệm, chính sách hỗ trợ học phí theo nhu cầu... và nữ sinh cảm thấy rất tự hào vì sắp vào đại học.

Chi phí đại học đang là gánh nặng với các gia đình Mỹ. Trong 20 năm qua, học phí và lệ phí các trường đại học, cao đẳng công lập đã tăng hơn gấp đôi, đạt mức trung bình là 10.940 USD cho 4 năm học. Tại các trường tư thục hệ 4 năm, học phí rơi vào khoảng 39.400 USD/năm. Nếu cộng thêm các chi phí khác, sinh viên tư thục có thể phải bỏ ra hơn 70.000 USD/năm.

Học phí đắt đỏ kết hợp với các khoản vay sinh viên ngày càng tăng đã cản trở nhiều học sinh phổ thông tiếp cận đại học. Chương trình hỗ trợ học sinh học đại học của San Francisco sinh ra nhằm giải quyết vấn đề này.

Ông José Cisneros, Thủ quỹ thành phố San Francisco, nhận định chương trình tiết kiệm K2C đã tạo nên sự khác biệt. Từ khi bắt đầu đến nay, khoản trợ cấp đã đạt mức 15 triệu USD. Mỗi đô la đại diện cho sự nỗ lực của các hộ gia đình.

Theo nghiên cứu của Trường Công tác xã hội George Warren Brown (Đại học Washington), dù chỉ tiết kiệm được ít hơn 500 USD, con cái các gia đình thu nhập thấp đến trung bình vẫn có khả năng đăng ký vào trường đại học cao gấp 3 lần so với những em không có tài khoản tiết kiệm. Khả năng tốt nghiệp đại học cũng cao hơn bốn lần.

Ông Brandee McHale, Giám đốc Đầu tư và Phát triển của Tập đoàn Citi, đơn vị giúp triển khai chương trình K2C, nhận định: “Không chỉ đơn giản là mở tài khoản tiết kiệm, đây thật sự là một công cụ khuyến khích học đại học”.

Từ thành công ở San Francisco, chương trình K2C đã được triển khai trên toàn quốc. Theo thống kê gần đây, hơn 120 chương trình tài khoản tiết kiệm cho trẻ em được tổ chức ở 39 tiểu bang. Thành phố New York, Boston và Los Angeles đều có chương trình riêng bao gồm các khoản hỗ trợ bổ sung, tặng thưởng cho phụ huynh tiếp tục tích luỹ.

Đến khi học sinh vào đại học, khoản tiết kiệm này có thể chuyển vào tài khoản tiết kiệm đại học 529, mô hình tích luỹ cho giáo dục đại học và được hưởng nhiều ưu đãi về thuế.

Năm 2022, California triển khai CalKIDS là chương trình mở tài khoản tiết kiệm dành cho trẻ em lớn nhất nước Mỹ. Chính quyền bang đã phân bổ 1,9 tỷ USD để tài trợ cho các khoản tiết kiệm đại học. 3,7 triệu học sinh công lập trong các gia đình thu nhập thấp được tặng 500 USD vào tài khoản. Trẻ em ở các trung tâm bảo trợ hoặc trẻ em vô gia cư được nhận 1.000 USD.

Theo CNBC

Bình luận

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Ông Antony Blinken trong cuộc họp với Ủy ban Tài chính Thượng viện về viện trợ cho Israel và Ukraine.

Di sản của ông Antony Blinken

GD&TĐ - Ông Antony Blinken đã dành hai tuần cuối cùng tại nhiệm để trả lời báo chí bảo vệ thành tích của mình với tư cách là nhà ngoại giao của Mỹ.