Trẻ em có nên mổ cận thị bằng laser?

GD&TĐ - Trẻ em được khuyến cáo không mổ cận thị bằng laser. Cơ quan Quản lý Thực phẩm và Dược phẩm Mỹ (FDA) không chấp thuận phẫu thuật LASIK cho các cá nhân dưới 18 tuổi.

Cho trẻ khám mắt định kỳ là việc các phụ huynh nên làm.
Cho trẻ khám mắt định kỳ là việc các phụ huynh nên làm.

Bởi, mắt của trẻ vẫn đang thay đổi và sẽ tiếp tục thay đổi trong suốt thời thơ ấu.

Bản chất của mổ cận thị

Các bác sĩ nhãn khoa khuyến cáo, trẻ sơ sinh nên khám mắt toàn diện lần đầu tiên khi 6 tháng tuổi. Nếu thị lực rõ ràng, trẻ không cần tiếp tục khám mắt cho đến khi khoảng 3 tuổi. Lần kiểm tra mắt tiếp theo cũng nên diễn ra khi trẻ 5 hoặc 6 tuổi.

Kiểm tra mắt định kỳ giúp bác sĩ phát hiện những bất thường về thị lực. Việc khắc phục sớm những vấn đề này có thể đưa ra được các phương pháp giúp trẻ cải thiện tầm nhìn.

Hiện nay, tỷ lệ trẻ mắc cận thị ngày càng tăng. Kéo theo đó là nhu cầu mổ cận cũng ngày một cao. Không ít phụ huynh đặt câu hỏi: Liệu, trẻ em có thể mổ cận thị bằng laser không?

ThS.BS Lê Phi Hoàng - Bệnh viện Mắt Hà Đông (Hà Nội) - cho biết, từ lâu, phẫu thuật LASIK điều trị cận thị đã được biết đến. Phương pháp này ngày càng phổ biến trong việc giúp các bệnh nhân cận thị loại bỏ sự phụ thuộc vào kính gọng.

Với sự phát triển của khoa học kỹ thuật, hiện nay, có thêm những phương pháp phẫu thuật cận thị khác như FEMTO LASIK, SMILE.

“Bản chất của phẫu thuật cận thị là dùng tia laser chiếu lên nhu mô giác mạc. Mục đích là để làm tiêu bớt một phần nhu mô giác mạc, làm giác mạc mỏng hơn. Từ đó, khử được độ cận thị”, chuyên gia này giải thích.

Theo bác sĩ Hoàng, sự khác nhau cơ bản giữa 3 phương pháp LASIK - FEMTO - SMILE là ở cách thực hiện việc chiếu tia laser. Với LASIK, phẫu thuật viên sẽ dùng dao cơ học tự  động để tạo một vạt giác mạc mỏng. 

Sau đó, vạt này được lật lên và chiếu tia laser xuống nhu mô bên dưới. Sau đó, vạt giác mạc được đậy lại và tự liền. Trong khi đó, ở phương pháp FEMTO, thay vì tạo vạt bằng dao, phẫu thuật viên sẽ tạo vạt hoàn toàn bằng tia laser. Nhờ đó, chính xác và an toàn hơn.

“Với SMILE, đây là loại hiện đại và an toàn nhất, không cần tạo vạt giác mạc mà laser trực tiếp lên giác mạc. Sau đó, bác sĩ sẽ rút lõi phần nhu mô đã laser ra ngoài qua một đường rạch rất nhỏ. Như vậy sẽ loại bỏ được hoàn toàn biến chứng liên quan đến việc tạo vạt giác mạc, giữ được cấu trúc của giác mạc bền vững hơn...”, chuyên gia này chia sẻ.

Bên cạnh đó, bác sĩ Hoàng cũng liệt kê phương pháp Phakic ICL. Đây là phương pháp dành cho các bệnh nhân có độ cận cao và độ dày giác mạc mỏng.

Phương pháp này không dùng tia laser, mà dùng một thấu kính nhân tạo đặt vào bên trong mắt (giữa mống mắt và thể thủy tinh) để khử độ cận thị. Do đó, bệnh nhân không bị các biến chứng vạt giác mạc và ít gây khô mắt hơn.

Tuy nhiên, thực tế, trẻ em không nên mổ cận thị bằng laser. Cơ quan Quản lý Thực phẩm và Dược phẩm Mỹ (FDA) không chấp thuận phẫu thuật LASIK cho các cá nhân dưới 18 tuổi. Thực hiện phẫu thuật laser yêu cầu bệnh nhân phải đủ tuổi (18 hoặc 21 tuổi) để đồng ý điều trị.

Bởi, mắt của trẻ vẫn đang thay đổi và sẽ tiếp tục thay đổi trong suốt thời thơ ấu. Ngày càng có nhiều nghiên cứu về phẫu thuật cận thị cho trẻ em. Tuy nhiên, hiện, đó không phải là một lựa chọn tốt nhất cho trẻ trong việc cải thiện tình trạng cận.

Trẻ dưới 18 tuổi chưa đủ điều kiện mổ cận.

Trẻ dưới 18 tuổi chưa đủ điều kiện mổ cận. 

Cẩn trọng khi phẫu thuật LASIK

Cận thị sẽ ảnh hưởng đến khả năng nhìn của trẻ. Bởi, tật khúc xạ này khiến người bệnh chỉ nhìn rõ những mục tiêu ở cự ly gần. Vì vậy, nếu không đeo kính để khôi phục thị lực, trẻ bị cận thị sẽ không nhìn rõ bảng, chữ cái, các con số ở cự ly xa. Điều đó khiến các hoạt động và học tập của trẻ trở nên khó khăn hơn.
Trong khi đó, một số trẻ mắc cận thị không chịu đeo kính. Đồng thời, ý thức bảo vệ mắt của trẻ còn kém. Những yếu tố này khiến độ cận của trẻ tăng nhanh.

Mặc dù, LASIK là phương pháp an toàn, hiệu quả cao, song, theo ThS.BS Hoàng Thanh Nga - Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec, một số trường hợp sẽ gặp phải những biến chứng sau mổ.

Bởi, theo chuyên gia này, bất kỳ phương pháp phẫu thuật nào cũng có thể xảy ra rủi ro. “Phẫu thuật LASIK điều trị tật cận thị là tác động điều chỉnh độ cong của giác mạc để khôi phục lại tầm nhìn và thị lực cho bệnh nhân mắc tật khúc xạ.

Do vậy, ít nhiều cũng sẽ ảnh hưởng tạm thời đến mắt. Tuy vậy, những dấu hiệu sau phẫu thuật cận thị sẽ dần được cải thiện. Số ít các trường hợp gặp phải những vấn đề nghiêm trọng”, chuyên gia này nhận định.

Một số biến chứng sau mổ LASIK có thể gặp bao gồm: Khó mở mắt trong những ngày đầu sau mổ; Thời gian phẫu thuật LASIK ngắn khoảng 10 - 15 phút. Do đó, sau phẫu thuật, bệnh nhân có thể xuất hiện tình trạng cộm, khó chịu ở mắt và khó khăn khi mở mí mắt.

Thông thường, các dấu hiệu này thường mất đi sau một giấc ngủ. Đồng thời, bệnh nhân cũng có thể nhạy cảm hơn với ánh sáng. Hoặc, bệnh nhân xuất hiện các dấu hiệu vào ban đêm như nhìn lóa, mờ, chói xung quanh vị trí phát sáng, nhìn đôi.

Ngoài ra, tình trạng khô mắt sau mổ LASIK được cho là một biến chứng thường gặp. Mức độ khô mắt ở mỗi người sau mổ là khác nhau, có thể từ nhẹ tới nặng. Để khắc phục tình trạng này, bác sĩ Nga khuyến cáo, mọi người nên nhỏ nước mắt nhân tạo từ 3 - 6 tháng.

Một số trường hợp mắt người bệnh có thể có máu tụ dưới kết mạc, khiến tròng trắng có chấm màu đỏ. Tuy nhiên, tình trạng này không gây ảnh hưởng tới tầm nhìn của mắt. Sau mổ, người bệnh cũng có thể bị lệch vạt giác mạc.

Do vậy, trong 3 ngày sau phẫu thuật, bệnh nhân cần tuân thủ các chỉ dẫn chăm sóc mắt sau phẫu thuật và đảm bảo sử dụng kính bảo hộ, kể cả trong lúc ngủ. Nhờ đó, tránh trường hợp sơ ý va chạm vào mắt. Đồng thời, không được chơi các môn thể thao mạnh có nguy cơ ảnh hưởng tới vùng mắt.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ