Văn hoá chơi chữ mới hút giới trẻ
Sáu năm nay, vợ chồng anh Nguyễn Hữu Quỳnh (Long Biên, Hà Nội) đều đưa con trai đến Văn Miếu Quốc Tử Giám xin chữ vào mùng 3 Tết.
Năm nay, đặc biệt hơn là con anh Quỳnh chuẩn bị vào lớp một nên anh xin chữ Trí cho con. Anh mong con sẽ có sự thông minh, lanh lẹ trong học hành và cũng là cho con thấm nhuần thêm một nét đẹp văn hoá đầu năm.
Những năm gần đây, việc xin chữ đầu năm đã trở thành một trào lưu đẹp của người trẻ tuổi, tạo thành một văn hoá chơi chữ mới. Những con chữ như rồng bay phượng múa hiện lên qua các nét cọ điêu luyện khiến cho việc xin chữ ngoài ý nghĩa xin được chữ ý nghĩa còn là để thưởng thức khả năng viết chữ đẹp của người cho chữ.
Theo ông Nguyễn Minh Châu (Câu lạc bộ thư hoạ Unesco Hà Nội), xưa kia các chữ được xin thường là chữ Hán Nôm nhưng vài năm gần đây người trẻ tuổi thường xin cả chữ Quốc ngữ vì loại chữ này có ưu thế là thông dụng, dễ đọc, dễ hiểu. Nhất là với đại đa số người trẻ thì chữ Nho không chỉ có mặt chữ lạ lẫm, lại mang nhiều tầng ý nghĩa khó hiểu.
Theo ông Nguyễn Minh Thu (Câu lạc bộ thư pháp Chùa Hương) tuỳ vào cá tính, nghề nghiệp, lứa tuổi người trẻ tuổi đi xin chữ xin những chữ khác nhau. Với học sinh, sinh viên hay người đi học, họ thường xin chữ Trí, Thành, Tài, Khoa, Đạt.
Người trẻ tuổi buôn bán, kinh doanh thường xin chữ Lộc, Tín, Phát. Người trẻ tuổi cầu thành công xin chữ Thành chữ Đạt, muốn rèn luyện khả năng chịu đựng xin chữ Nhẫn. Họ còn xin chữ Thọ, Khang về tặng ông bà, xin Hiếu về tặng cha mẹ và xin chữ Phúc, Tâm về treo ở nhà.
Những năm gần đây, nhiều ông đồ trẻ xuất hiện trên các phố cho chữ Hà Nội. |
Xuất hiện nhiều “ông đồ” trẻ
Từ ngày mùng 2 Tết, ở các phố Hà Nội như: Bà Triệu, Hồ Văn, Văn Miếu Quốc Tử Giám thường bắt đầu diễn ra hoạt động cho chữ đầu năm.
Ấn tượng nhất là ở Văn Miếu Quốc Tử Giám và Hồ Văn. Đến đây, không khí rất náo nhiệt của người đến xin chữ, đông đúc và hồ hởi. Ngày Tết cũng trở nên ấm áp hơn với sắc đỏ sắc vàng của giấy viết, của nét chữ ông đồ và nét tươi vui hân hoan của người viết chữ như ý muốn, cầu mong một năm mới an khang, vạn sự như ý.
Xưa kia những người được mọi người xin chữ là những nho sĩ, những thầy giáo, thầy đồ có tiếng hiền tài, đức độ, học rộng biết nhiều, viết chữ đẹp. Người xin chữ vừa mong được phúc của người cho chữ, vừa mong xin được chữ đúng với tâm nguyện phấn đấu của gia đình, bản thân.
Ngày nay, bên cạnh những ông đồ lớn tuổi áo the, khăn xếp, xuất hiện thêm nhiều “ông đồ” trẻ với hình ảnh hiện đại và con chữ quốc ngữ bay bổng. Nói là trẻ nhưng họ vẫn tạo cho mình cái thần lực trên đầu bút, viết nên những con chữ hiện đại pha quện nhuần nhụy nét truyền thống của chữ thảo xưa kia.
Anh Lê Văn Khuyến (29 tuổi) cho biết: “Trước đây tôi chưa bao giờ nghĩ sẽ thành “ông đồ”, chỉ đến năm học cấp 3 xem viết thư pháp thấy rất thích và khi vào năm thứ nhất đại học tôi đã đi học viết thư pháp. Khi văn hoá thư pháp trở nên phổ biến hơn, có rất nhiều người trẻ tuổi thật sự đam mê với vốn văn hoá cổ truyền dân tộc và tôi đã nhập cuộc cho chữ trên phố Hà Nội mỗi dịp đầu xuân mới”.