Trao thực quyền cho Hội đồng trường

GD&TĐ - Một trong những điều kiện để các trường đại học thực hiện tự chủ là phải thành lập được Hội đồng trường. Theo đó, Hội đồng trường phải có thực quyền và đủ sức mạnh để quản trị nhà trường. Xung quanh vấn đề này, phóng viên Báo Giáo dục & Thời đại đã có cuộc trao đổi với GS.TS Trần Đức Viên - Chủ tịch Hội đồng Học viện Nông nghiệp Việt Nam.

Sinh viên Học viện Nông nghiệp Việt Nam trong giờ thực hành. Ảnh: Học viện NNVN
Sinh viên Học viện Nông nghiệp Việt Nam trong giờ thực hành. Ảnh: Học viện NNVN

* Một trong những điều kiện để các trường thực hiện quyền tự chủ đó là phải thành lập được Hội đồng trường. Vấn đề đặt ra là, vai trò của Hội đồng trường sẽ như thế nào sau khi được thành lập?

- Hội đồng trường phải có đủ năng lực để quản trị trường đại học. Còn nếu không, hội đồng trường chỉ là hội đồng của hiệu trưởng, là cánh tay nối dài của hiệu trưởng chứ không có thực quyền.

Tại một số trường, hiệu trưởng kiêm Bí thư Đảng ủy và nắm toàn quyền. Hội đồng trường chỉ là một thiết chế quyền lực dân chủ giả hiệu, không có quyền và không có thực hiện dân chủ cơ sở thực sự.

Vì vậy theo tôi, Hội đồng trường không chỉ là cơ quan quyền lực cao nhất mà còn là một thiết chế thể hiện quyền dân chủ cơ sở. Hội đồng trường phải có đủ sức mạnh để quản trị trường đại học và phải có quyền lực.

Hội đồng trường vừa xây dựng Quy chế hoạt động vừa ban hành Quy chế đó. Cho nên những thành viên Hội đồng trường phải thực sự là những người tâm huyết, không phải có cho đủ thành phần. Ngoài ra, họ phải am hiểu về lĩnh vực đại học và phải có năng lực chuyên môn thực sự.

Nói cách khác, họ là nhà khoa học thực sự; khi nhắc đến họ các đồng nghiệp cảm thấy kính trọng và ngưỡng mộ về khả năng khoa học. Họ phải được đồng nghiệp và sinh viên kính trọng về mặt đạo đức và phải tham gia xây dựng chiến lược phát triển nhà trường.

Muốn giám sát thì Hội đồng trường phải bám sát các hoạt động của Ban giám hiệu. Ngoài ra, Hội đồng trường phải hỗ trợ các hoạt động của ban giám hiệu chứ không phải ngồi giám sát, chỉ huy. Mọi người đều phải cộng đồng trách nhiệm; lấy năng suất lao động và hiệu quả công tác làm thước đo. GS.TS Trần Đức Viên
  • Muốn giám sát thì Hội đồng trường phải bám sát các hoạt động của Ban giám hiệu. Ngoài ra, Hội đồng trường phải hỗ trợ các hoạt động của ban giám hiệu chứ không phải ngồi giám sát, chỉ huy. Mọi người đều phải cộng đồng trách nhiệm; lấy năng suất lao động và hiệu quả công tác làm thước đo.
  • GS.TS Trần Đức Viên

* Vậy còn Chủ tịch Hội đồng trường thì sao; họ phải đáp ứng các yêu cầu gì, thưa GS?

- Chủ tịch Hội đồng trường phải là người tầm cỡ, thậm chí hơn cả hiệu trưởng. Như vậy mới đủ “trọng lượng” để cùng hiệu trưởng bàn thảo chiến lược phát triển nhà trường. Do đó, Chủ tịch Hội đồng trường phải là những người tầm cỡ về mặt chiến lược, quan hệ xã hội và khoa học.

Còn nếu đó là một trường khoa học thì, Chủ tịch Hội đồng trường phải là người giỏi về khoa học, được cộng đồng khoa học trong và ngoài nước biết đến. Người đó phải được cán bộ trong trường nể phục.

* Hiện nay, dư luận vẫn còn những “cấn cá” về mối quan hệ giữa Hội đồng trường với Ban giám hiệu. Là Chủ tịch Hội đồng của một học viện lớn đang thực hiện cơ chế tự chủ, GS có chia sẻ gì về vấn đề này?

- Nếu anh coi trường đại học như một doanh nghiệp thì hiệu trưởng là giám đốc điều hành. Hiệu trưởng phải biết quản lý mọi việc một cách hiệu quả. Thế nhưng người đề ra chiến lược và giám sát hoạt động thì phải là Hội đồng trường.

Theo tôi, vấn đề “cấn cá” nhất hiện nay là quan hệ giữa Đảng ủy, Hội đồng trường và Ban giám hiệu. Vì thế, Đảng ủy lãnh đạo thế nào, Hội đồng trường quản trị cái gì và Ban giám hiệu quản lý như thế nào phải rõ.

Ở Học viện Nông nghiệp Việt Nam, khi giới thiệu nhân sự vào bất kỳ vị trí lãnh đạo quản lý nào đều phải có số dư. Chúng tôi dựa vào 4 chỉ số quan trọng nhất: Thu nhập của viên chức; tài chính mang về đơn vị; tỷ lệ sinh viên vào trường, tỷ lệ sinh viên có việc làm sau 6 tháng hoặc 1 năm khi tốt nghiệp và cuối cùng là các công bố quốc tế. Dựa vào tiêu chí ấy, Hội đồng trường sẽ chọn ra ít nhất 2 người và nhiều nhất là 4 người để bỏ phiếu tín nhiệm.

Trước đây, có trường hợp Đảng ủy chỉ định trước, rồi Hội đồng trường thực hiện sau nên bị vênh ở một số thứ. Nhưng bây giờ, quy trình ngược lại. Ví dụ có ba người được quy hoạch làm hiệu trưởng theo đúng quy định của Đảng, Hội đồng trường sẽ bầu một trong ba người đó để làm hiệu trưởng.

Một vấn đề nữa là, mối quan hệ giữa cơ quan quản lý Nhà nước, chính quyền địa phương với nhà trường. Đã đến lúc không thể cầm tay chỉ việc các trường, bởi khi đã thực hiện tự chủ thì nên giao cho các trường chủ động toàn diện. Tất cả lấy năng suất lao động, hiệu lực quản lý để làm thước đo.

Vì thế cần phân định rạch ròi những việc nào thì bộ chủ quản được làm, những việc gì cấp trường được làm, không được làm và phải trình báo cấp trên.

- Xin cảm ơn GS!

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ