Tự chủ đại học: Cần thời gian và sự kiên nhẫn

GD&TĐ - Giáo sư Martin Hayden là chuyên gia về GDĐH của Trường ĐH Southern Cross (tiểu bang New South Wales, Australia). Năm 2011 – 2012, ông là Trưởng nhóm Đề án Xây dựng Phát triển quy hoạch tổng thể cho quản trị và Quản lý GD ĐH Việt Nam. 

GS Martin Hayden trao Chứng chỉ tham dự Chương trình công tác học tập cho ông Vũ Đức Minh – Phó Vụ trưởng Vụ Khoa giáo – Văn xã – Văn phòng Chính phủ tại Hội thảo tổng kết (tháng 6/2019). Ảnh do Aus4Skill cung cấp
GS Martin Hayden trao Chứng chỉ tham dự Chương trình công tác học tập cho ông Vũ Đức Minh – Phó Vụ trưởng Vụ Khoa giáo – Văn xã – Văn phòng Chính phủ tại Hội thảo tổng kết (tháng 6/2019). Ảnh do Aus4Skill cung cấp

Sau khi trở về Australia, ông thường xuyên cập nhật các thông tin về GD ĐH ở đất nước hình chữ S. Ông dành cho Báo GD&TĐ cuộc trao đổi xung quanh vấn đề tự chủ cho các trường ĐH, nhân chuyến công tác tại Việt Nam. 

Mức độ tự chủ của các trường ĐH Australia

* Các trường ĐH Australia được quản trị theo mô hình độc lập nhưng vẫn có những mặc định ngầm về quyền của nhà nước nắm giữ một số kiểm soát về mặt chiến lược và có quyền yêu cầu tính giải trình cao ở các cơ sở GDĐH. Vậy có thể hiểu tự chủ ĐH ở Australia là như thế nào, thưa ông?

Chuyên gia Martin Hayden từng đảm nhận các vị trí: Giám đốc phụ trách giảng dạy và học tập của trường; Chủ tịch Hội đồng Đào tạo; Trưởng khoa Giáo dục. GS Hayden đã xuất bản nhiều sách và bài báo về các vấn đề liên quan đến chính sách GD ĐH ở Australia và Đông Nam Á. Ảnh do Aus4Skill cung cấp
Chuyên gia Martin Hayden từng đảm nhận các vị trí: Giám đốc phụ trách giảng dạy và học tập của trường; Chủ tịch Hội đồng Đào tạo; Trưởng khoa Giáo dục. GS Hayden đã xuất bản nhiều sách và bài báo về các vấn đề liên quan đến chính sách GD ĐH ở Australia và Đông Nam Á. Ảnh do Aus4Skill cung cấp 

- Chính phủ (cấp liên bang và tiểu bang) thật sự yêu cầu các trường ĐH Australia chịu trách nhiệm giải trình. Chẳng hạn như thay mặt cộng đồng Australia, chính phủ đề nghị các trường ĐH phải duy trì nền tảng đạo đức và trung thực trong việc sử dụng các nguồn lực công và các trường không có bất cứ quyết định thiếu trách nhiệm nào hoặc có thể ảnh hưởng xấu đến danh tiếng của khu vực giáo dục ĐH.

Các trường ĐH Australia vì thế được yêu cầu phải giải trình thông qua các báo cáo tài chính hàng năm và những tài liệu này phải được kiểm định độc lập, đồng thời phải tuân thủ các quy định chung về các tiêu chuẩn liên quan đến chất lượng do Cơ quan Tiêu chuẩn và Chất lượng Giáo dục ĐH (TEQSA) thay mặt chính phủ Australia ban hành.

Tự chủ ĐH trong trường hợp này có thể được hiểu là sự cân bằng quyền lực giữa chính phủ và các cơ sở giáo dục ĐH. Ở Australia, một mặt chính phủ duy trì quyền lực đối với các trường ĐH nhưng mặt khác cho phép các trường có nhiều tự chủ trong việc sử dụng các quyết định về các ưu tiên doanh nghiệp của nhà trường và quản lý công việc của trường. Như ở phần lớn các quốc gia phát triển, các trường ĐH Australia có quyền tự chủ cao nhưng mức độ tự chủ không phải tuyệt đối.

Các trường ĐH Việt Nam sẽ như thế nào?

Giáo sư Martin Hayden trong một hội thảo tổ chức tại Việt Nam. Ảnh do Aus4Skill cung cấp
Giáo sư Martin Hayden trong một hội thảo tổ chức tại Việt Nam. 
Ảnh do Aus4Skill cung cấp 

* Từ tháng 7/2019, các trường ĐH ở Việt Nam thực hiện quyền tự chủ ĐH. Với kinh nghiệm cá nhân và kinh nghiệm tự chủ ĐH của Australia, theo ông sau một năm, bức tranh chung của các trường ĐH Việt Nam sẽ như thế nào?

- Nhận định chung là các trường ĐH Việt Nam sẽ có nhiều tiến bộ nếu được quyền tự chủ và gia tăng quyền tự do trong việc ra quyết định. Khi đó, bản thân các trường sẽ trở nên tự tin hơn trong việc xây dựng các mục tiêu dài hạn và phát triển chính sách ở cấp trường nhằm đáp ứng các mục tiêu này.

Dĩ nhiên, việc có nhiều quyền tự chủ hơn cũng không thể mang đến nhiều thay đổi lớn cho các trường trong thời gian một năm như câu hỏi đặt ra. Các trường ĐH tự chủ sẽ cần thời gian để xây dựng và phát triển, đồng thời cũng cần nhiều nguồn kinh phí từ chính phủ, cộng đồng hoặc thương mại hóa các sản phẩm chuyên môn khoa học công nghệ của trường.

* Vừa qua một đoàn chuyên gia của Bộ GD&ĐT đã có chuyến đi thực tế học hỏi kinh nghiệm quản trị và tự chủ ĐH của một số trường ĐH Australia. Là người gắn bó với đoàn trong suốt thời gian tại Australia, theo ông, điều các chuyên gia Việt Nam quan tâm nhất là gì?

Đoàn công tác gồm chuyên gia Bộ GD&ĐT cùng đại diện các cơ quan liên quan và GS Martin Hayden tại TEQSA - Cơ quan Tiêu chuẩn và Chất lượng Giáo dục Đại học Australia. Ảnh do Aus4Skill cung cấp
Đoàn công tác gồm chuyên gia Bộ GD&ĐT cùng đại diện các cơ quan liên quan và GS Martin Hayden tại TEQSA - Cơ quan Tiêu chuẩn và Chất lượng Giáo dục Đại học Australia. 
Ảnh do Aus4Skill cung cấp 

- Ba lĩnh vực chính mà phái đoàn quan tâm tìm hiểu là: 1. Bản chất của tự chủ giáo dục ĐH. 2. Việc thực thi tự chủ ở các trường ĐH. 3. Bản chất của khung đảm bảo chất lượng đối với tự chủ giáo dục ĐH.

Trong chương trình học tập nghiên cứu này, các thành viên của phái đoàn đã học hỏi và tiếp nhận nhiều kinh nghiệm chuyên môn từ các cơ quan, tổ chức chịu trách nhiệm về giáo dục ĐH ở Australia.

Các cơ quan này bao gồm Bộ GD&ĐT Liên bang, Hiệp hội các trường ĐH Australia và Cơ quan Tiêu chuẩn và Chất lượng Giáo dục ĐH. Các thành viên cũng đến làm việc và thảo luận với các cán bộ quản lý cấp cao ở Trường ĐH Quốc gia Australia, Trường ĐH Melbourne và Trường ĐH RMIT cũng như làm việc với các chuyên gia giàu kinh nghiệm về quản trị ĐH ở Australia.

Cần tiến vững chắc

* Với góc nhìn của chuyên gia, theo ông, có kinh nghiệm nào để quốc gia đi sau như Việt Nam có thể tránh được những thách thức, đi tắt đón đầu trong giai đoạn tự chủ ĐH?

CHUYÊN GIA VIỆT NAM HỌC HỎI MÔ HÌNH HỆ THỐNG ĐH TỰ CHỦ CỦA AUSTRALIA
Đoàn công tác Việt Nam gồm các cán bộ của Bộ GD&ĐT và đại diện các cơ quan liên quan như Văn phòng Chính phủ, Bộ Tư pháp và Bộ Tài chính do bà Nguyễn Thị Kim Phụng - Vụ trưởng Vụ Giáo dục ĐH làm trưởng đoàn đã có chuyến đi học tập kinh nghiệm về quản trị và tự chủ ĐH tại Australia. GS Martin Hayden có vai trò đảm bảo cho các thành viên đoàn công tác thu nhận được lợi ích tối đa và nắm bắt được nhiều kinh nghiệm thực tế. Chuyến đi nằm trong khuôn khổ chương trình phát triển nguồn nhân lực Việt Nam - Australia (Aus4Skills) giai đoạn 2016 - 2020 từ nguồn tài trợ của chính phủ Australia. 
Chương trình công tác học tập đã giúp các chuyên gia Việt Nam hiểu sâu hơn về vai trò của chính phủ Australia - thông qua các cơ quản lý khác nhau – trong việc giám sát và hướng dẫn hệ thống GD ĐH; cũng như vai trò của các tổ chức nhà nước/quasi-government và phi chính phủ tại Australia trong việc giúp đảm bảo chất lượng trường ĐH, khả năng tiếp cận, đổi mới và hiệu suất cao, và tác động đến khung chính sách quốc gia cho GD ĐH. Chuyến công tác học tập cũng đã tạo cơ hội cho các đại biểu tham dự rút ra các bài học kinh nghiệm trong quá trình phát triển của hệ thống ĐH của Australia và phân tích các khả năng áp dụng những bài học này vào bối cảnh của Việt Nam.
Thời gian chương trình tập huấn tương đương với 5 ngày đầu tiên học trực tuyến qua mạng, sau đó là 10 ngày học tập trực tiếp tại trường và cuối cùng thêm 5 ngày học tập (hoặc tương đương) trực tuyến. 
Khi hoàn thành chương trình, các học viên sẽ thể hiện khả năng ứng dụng các ý tưởng liên quan đến quản trị và quản lý một cơ sở giáo dục ĐH; phân tích và phê phán các phương thức hiện tại đối với quản trị và quản lý tại trường; cùng nhau xây dựng các đề xuất để cải tiến quản trị và quản lý nhà trường trong 5 năm tiếp theo và xây dựng một kế hoạch phát triển nghề nghiệp cá nhân. 

- Điều quan trọng mà các trường ĐH tự chủ ở Việt Nam cần là những bước tiến vững chắc chứ không phải nhanh chóng. Việc thiết lập hạ tầng quản lý để hỗ trợ cho tự chủ nhà trường cần thời gian và sự kiên nhẫn. Hội đồng trường đóng vai trò quan trọng trong việc thực thi tự chủ ở cấp trường nhưng vấn đề đặt ra ở đây là Hội đồng trường cần thời gian để học hỏi và hiểu biết về quyền hạn và trách nhiệm của Hội đồng trường cũng như cần nắm rõ vai trò và trách nhiệm của từng thành viên trong Hội đồng trường.

Một số sáng kiến hữu ích có thể bao gồm: Thường xuyên tổ chức các hội thảo để chia sẻ kinh nghiệm và hỗ trợ nhau phát triển từ những điều học hỏi được; Mời các chuyên gia từ nước ngoài đến giúp Bộ GD&ĐT xây dựng khung đảm bảo chất lượng dựa trên các tiêu chuẩn phù hợp với trường ĐH tự chủ; Nhận được sự hỗ trợ, một cách chính thức và không chính thức, từ các chuyên gia giáo dục ĐH, những người có nền tảng kiến thức và kinh nghiệm trong vấn đề bằng cách nào các trường ĐH có thể hoạt động hiệu quả trong điều kiện nhà trường được trao nhiều quyền tự chủ.

Một minh chứng cho đề xuất này là một chương trình tập huấn gần đây mà tôi đã tham gia và làm chuyên gia cho Trường ĐH Sư phạm Hà Nội I. Chương trình tập huấn này đã tạo cơ hội cho 60 cán bộ quản lý đào tạo/học thuật phản ánh và suy ngẫm những vấn đề liên quan đến quản trị và quản lý trường ĐH, theo đó xây dựng tầm nhìn để xác định các phương thức đối với quản trị và quản lý nhà trường nhằm giúp trường phát triển trong những năm sắp tới.

* Có ý kiến cho rằng, ở trong cùng một quốc gia, mức độ tự chủ giao cho các cơ sở GDĐH có thể cũng rất khác nhau tùy theo tính chất, chất lượng của các cơ sở GDĐH. Ý kiến của ông về vấn đề này như thế nào?

- Đúng là ở Việt Nam có sự khác biệt lớn về tính đa dạng của các trường ĐH. Việc trao nhiều quyền tự chủ hơn cho các trường cần phải đi kèm với điều kiện là các trường phải có năng lực thực thi trách nhiệm liên quan đến tự chủ nhà trường. Ít nhất, trường ĐH cần phải có: Một Hội đồng trường có năng lực mạnh về quản trị; Một hệ thống thông tin quản lý có khả năng cung cấp cho Hội đồng trường các dữ liệu chính xác về hoạt động của trường, đặc biệt là vấn đề tài chính và các rủi ro có thể xảy ra; Khung đảm bảo chất lượng tập trung mạnh về việc đạt được tiêu chuẩn chất lượng quốc gia cho tất cả các cơ sở GDĐH.

* Xin cảm ơn ông về cuộc trao đổi!

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Công ty Trái cây Nhiệt đới Hoa Kỳ giờ tên Chiquita và vẫn chưa phải chịu trách nhiệm về vụ thảm sát vì chuối năm 1928. Ảnh: Thecollector.com

Vụ thảm sát vì chuối

GD&TĐ - Năm 1928, ở Colombia, quốc gia Nam Mỹ với biệt danh đương thời là 'nước cộng hòa chuối'.