Tự chủ đại học: Cơ hội để nâng cao chất lượng toàn hệ thống

GD&TĐ -  “Tự chủ ĐH sẽ giúp các trường phát triển mạnh hơn từ việc đầu tư cho chương trình, nghiên cứu khoa học (NCKH) và khẳng định thương hiệu. Tự chủ gắn với tự chịu trách nhiệm, mỗi trường sẽ lựa chọn hướng đi phù hợp để đào tạo đáp ứng nhu cầu xã hội…” - chia sẻ của Giáo sư Võ Tòng Xuân về tự chủ đại học với Báo Giáo dục và Thời đại.

Tự chủ gắn với tự chịu trách nhiệm, mỗi trường sẽ lựa chọn hướng đi phù hợp để đào tạo đáp ứng nhu cầu xã hội. Ảnh: H. Vũ
Tự chủ gắn với tự chịu trách nhiệm, mỗi trường sẽ lựa chọn hướng đi phù hợp để đào tạo đáp ứng nhu cầu xã hội. Ảnh: H. Vũ

Phù hợp với bước đi hội nhập

- Là người nhiều năm làm công tác NCKH, gắn bó với giáo dục, GS có nhận định như thế nào về tự chủ đại học ở nước ta?

- Tự chủ đại học là xu thế phát triển đã được nhiều quốc gia trên thế giới áp dụng. Tự chủ giúp trường ĐH tháo gỡ nhiều vướng mắc về quản lý Nhà nước, quản lý của bộ chủ quản, về hoạt động của nhà trường. Thời gian qua đã có một số trường tiến hành tự chủ, kết quả ban đầu được đánh giá là đã tốt lên. Tự chủ đại học là cơ hội để nâng cao chất lượng giáo dục đại học.

Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giáo dục đại học đề cập đặc biệt đến vấn đề tự chủ của cơ sở giáo dục đại học. Quyền tự chủ đại học được coi là đã được thể hiện ở nhiều điều khoản của Luật như Hội đồng trường, Hội đồng quản trị, Hiệu trưởng, nhiệm vụ và quyền hạn của cơ sở giáo dục, tuyển sinh, chương trình giáo dục, văn bằng, học phí, lệ phí tuyển sinh…

Giáo sư Võ Tòng Xuân

Tùy theo điều kiện của từng trường để thực hiện mức độ tự chủ, từ tự chủ một phần đến tự chủ hoàn toàn. Cơ chế tự chủ sẽ giúp nhà trường chủ động, sáng tạo, mềm dẻo, linh hoạt trong các hoạt động. Khi thực hiện thí điểm cơ chế tự chủ, trường xây dựng khung hành lang pháp lý và xây dựng cơ chế giám sát phù hợp với sự phát triển của kinh tế - xã hội. Khi chuyển sang tự chủ hoàn toàn, các trường phải được đánh giá chất lượng để khẳng định uy tín, thương hiệu, chủ động xây dựng mức học phí để có khả năng thu hút sinh viên, có chế độ miễn học phí cho sinh viên thuộc diện chế độ, chính sách.

Thực tế, các cơ sở giáo dục ĐH thí điểm tự chủ đã chủ động, linh hoạt hơn về tổ chức bộ máy, tuyển dụng nhân sự và thực hiện nhiệm vụ chuyên môn. Cụ thể, khi thí điểm tự chủ, các trường tự chịu trách nhiệm về thực hiện nhiệm vụ đào tạo và NCKH; được quyết định mở ngành, ngưng mở ngành đào tạo theo nhu cầu xã hội nếu đáp ứng đủ điều kiện theo quy định; mở các chương trình đào tạo các trình độ giáo dục nghề nghiệp theo nhiệm vụ chính trị được giao…

Tự chủ đại học còn góp phần thúc đẩy sự phát triển của mỗi cá nhân trong nhà trường, khơi dậy sức sáng tạo của từng thành viên. Nhà trường phải được tự quản về hoạt động tổ chức và tự chủ tài chính, tự chủ về nguồn thu - chi. Nguồn thu học phí chỉ là một phần, ngoài ra còn thu từ hoạt động khoa học công nghệ, sản xuất kinh doanh kết hợp với doanh nghiệp, thu từ nguồn tài trợ của các doanh nghiệp, cộng đồng… 

Muốn làm tốt phải hiểu đúng

Sinh viên Trường ĐH Trà Vinh trong giờ thực hành - Trường đang thực hiện thí điểm đổi mới cơ chế hoạt động theo hướng tự chủ. Ảnh: TG
Sinh viên Trường ĐH Trà Vinh trong giờ thực hành - Trường đang thực hiện thí điểm đổi mới cơ chế hoạt động   theo hướng tự chủ. Ảnh: TG 

- Liệu lo ngại Nhà nước “dứt sữa” nguồn kinh phí khi giao quyền tự chủ có làm khó cho quá trình tự chủ đại học, thưa GS?

- Như tôi đã nói, tự chủ ĐH không phải Nhà nước “dứt sữa” (kinh phí) nhà trường hoàn toàn mà vẫn quản lý ở phạm vi nhất định. Ví dụ như phần chi ngân sách của Nhà nước vẫn tiếp tục được cấp qua các đơn đặt hàng đào tạo đối với các ngành nghề xã hội cần. Còn cơ chế quản lý tài sản thì đã có hội đồng trường gắn với trách nhiệm công khai, minh bạch.

Đại học chúng ta hiện nay cần phải năng động hơn, từ chương trình đào tạo cho tới NCKH, chuyển giao công nghệ. Thực tế chương trình đại học của nhiều trường đại học trên thế giới ít hơn ta rất nhiều, thời gian học của sinh viên được rút ngắn lại, thay vào đó là thời gian tự học, tự nghiên cứu và trải nghiệm thực tế. Ông thầy đại học không chỉ “ôm” giáo trình để dạy mà phải ra xã hội để họ cần gì, để cập nhật kiến thức mới nhất bổ sung vào quá trình giảng dạy.

Như ở Mỹ, đa số các trường đại học lớn, đại học danh tiếng là đại học ngoài công lập. Họ tự chủ về mọi mặt, tạo dựng thương hiệu từ chương trình đào tạo cho tới công tác NCKH, chuyển giao công nghệ. Nhà trường, giảng viên cùng sinh viên không chỉ dạy, học, nghiên cứu mà còn tham gia các dự án, các nghiên cứu của doanh nghiệp và các tổ chức. Họ làm việc này vừa có nguồn tài chính để phục vụ phát triển trường, vừa có kinh nghiệm thực tế và bổ sung vào giáo trình, cập nhật những kiến thức mới nhất… Có như vậy, nhà trường - xã hội luôn có tương tác với nhau trong quá trình đào tạo - sử dụng lao động. Lợi ích ở chỗ nhà trường luôn có chương trình mới, đào tạo đáp ứng nhu cầu xã hội, NCKH chuyển giao công nghệ phát triển tốt. Còn xã hội thì có nguồn lao động vững tay nghề, đáp ứng nhu cầu phát triển.

- Để tự chủ đại học triển khai có hiệu quả, các trường cần phải làm gì, thưa GS?

- Khi được giao quyền tự chủ, trường đại học sẽ tự quyết nhiều vấn đề, từ tuyển sinh, tài chính, nhân sự cho đến sự thành bại của thương hiệu nhà trường. Khi Nhà nước giao quyền tự chủ cho nhà trường thì phải tự chịu trách nhiệm, nhất là đối với sinh viên - sản phẩm do nhà trường đào tạo.

Nếu nhà trường tự chủ không chú trọng trong công tác đào tạo, sinh viên ra trường không có việc làm, đào tạo không đáp ứng nhu cầu xã hội thì tự khắc xã hội sẽ đào thải. Đây cũng là ưu điểm đáng kể của tự chủ đại học, người hưởng lợi chính là sinh viên và xã hội, nhất là đối tượng sử dụng lao động.

Vấn đề tiếp theo là chất lượng đào tạo, chúng ta cần “siết” đầu ra sinh viên các trường. Tránh trường hợp giao quyền tự chủ, các trường tuyển sinh ồ ạt rồi đào tạo không đảm bảo chất lượng trong khi đầu ra lại “mở”.

Một trong những sứ mệnh quan trọng của trường đại học là sáng tạo tri thức mới, trường đại học phải có quyền tự do về học thuật. Cần giao thực quyền cho hội đồng trường, đồng thời mở rộng quyền tự chủ đến từng bộ môn, từng giảng viên.

- Xin cảm ơn Giáo sư!

“Nếu nhà trường tự chủ không chú trọng trong công tác đào tạo, sinh viên ra trường không có việc làm, đào tạo không đáp ứng nhu cầu xã hội thì tự khắc xã hội sẽ đào thải. Đây cũng là ưu điểm đáng kể của tự chủ đại học, người hưởng lợi chính là sinh viên và xã hội, nhất là đối tượng sử dụng lao động”. Giáo sư Võ Tòng Xuân

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ