Biến khó khăn thành động lực
- Là một trường ĐH công lập đã thực hiện tự chủ từ nhiều năm nay và bước đầu đã có những thành công nhất định, TS khuyến nghị gì cho các trường ĐH tới đây sẽ phải thực hiện mô hình này?
- Trong thời gian đầu chuyển sang hoạt động theo mô hình tự chủ, chúng tôi gặp một số khó khăn như: Thứ nhất, Nhà nước thiếu các số liệu dự báo nhu cầu nhân lực cho nền kinh tế nên gây khó khăn nhất định cho các trường ĐH tự chủ trong việc xác định mục tiêu dài hạn để xây dựng chiến lược phát triển.
Thứ hai: Việc quy đổi trình độ đội ngũ giảng viên ra chỉ tiêu tuyển sinh vô tình để các trường định hướng học thuật; có nhiều giảng viên học vị cao tập trung mở rộng quy mô đào tạo nhân lực có trình độ ĐH cho doanh nghiệp là chính, trong khi đó lại là nhiệm vụ của các trường định hướng ứng dụng.
Thứ ba: Việc đào tạo các ngành kỹ thuật như: Công nghệ sợi, dệt, nhuộm, may, thời trang, cơ khí, điện tử… đòi hỏi cơ sở vật chất rất lớn nhưng Nhà nước triển khai các chương trình đào tạo theo hướng đặt hàng cho những ngành kỹ thuật này tương đối chậm, làm ảnh hưởng đến mục tiêu tự chủ của các trường.
Thứ tư: Nhà trường chưa được tự quyết định triển khai các dự án đầu tư bằng nguồn tự bổ sung, vẫn phải triển khai các thủ tục xin đầu tư theo Luật Đầu tư công, phải chờ phê duyệt của cơ quan quản lý thì mới có thể thực hiện được việc triển khai các dự án đầu tư. Điều này liên quan đến hành lang pháp lý cho tự chủ ĐH ở nước ta chưa đồng bộ, chưa theo kịp thực tiễn.
Thứ năm: Việc sử dụng đội ngũ giảng viên có trình độ cao, đối với trường tư thục không bị giới hạn về tuổi giảng viên cơ hữu nhưng đối với trường công lập tự chủ thì vẫn bị giới hạn bởi tuổi của giảng viên cơ hữu, gây khó khăn cho các trường tự chủ trong việc củng cố đội ngũ giảng viên có trình độ cao.
- Vậy làm thế nào để nhà trường có thể vượt qua những khó khăn đó?
- Nhà trường đã nỗ lực, tự tổ chức xác định nhu cầu nhân lực cho lĩnh vực dệt may để tổ chức đào tạo theo định hướng ứng dụng đúng nhu cầu của doanh nghiệp. Nhà trường chú trọng công tác đào tạo, bao phủ được toàn bộ nhân lực từ giám đốc doanh nghiệp dệt may đến các kỹ thuật viên chỉ huy sản xuất tại dây chuyền hiện đại ứng dụng công nghiệp 4.0.
Cùng với các giải pháp về nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, giảng viên và cơ sở vật chất, nhà trường còn chú trọng kiện toàn mô hình tổ chức theo hướng tinh gọn, sử dụng nguồn lực tiết kiệm, hiệu quả, đặc biệt là xây dựng hệ thống KPI trong toàn trường để đánh giá hiệu quả công việc một cách chính xác; thiết kế chính sách tạo động lực cho đội ngũ cán bộ, giảng viên dựa trên hệ thống KPI được xác lập.
Không còn tâm lý trông nhờ, ỷ lại
- Sau nhiều năm thực hiện, TS có cho rằng, tự chủ chính là cơ hội để các trường đột phá và phát triển?
- Đúng vậy, tự chủ chính là giải pháp cốt lõi để các trường phát triển. Cơ chế tự chủ cho phép trường được xây dựng chiến lược, thiết kế và thực hiện các giải pháp chiến lược một cách chủ động, khai thác được tất cả các nguồn lực cần thiết, nhất là con người cho phát triển nhà trường.
Đơn cử như trường của chúng tôi, từ năm 2015 đến nay, từ lãnh đạo trường đến cán bộ, giảng viên, công nhân viên luôn chủ động đón nhận thách thức, chủ động tìm kiếm cách giải quyết vấn đề thay vì tâm thế chờ đợi Nhà nước hay cấp trên hỗ trợ như trước đây.
Các hoạt động của nhà trường đều hướng đến SV, doanh nghiệp, thị trường lao động, lấy đó làm trung tâm phục vụ như khách hàng của trường; luôn tổ chức đánh giá nhiều chiều để mang lại cho khách hàng những giá trị tốt nhất có thể với phương châm “Không đánh đổi chất lượng đào tạo với bất cứ thứ gì”.
- Việc thành lập Hội đồng trường vẫn đang nhận được nhiều ý kiến khác nhau. Vậy ở Trường ĐH Công nghiệp Dệt may Hà Nội, Hội đồng trường được thành lập và hoạt động, có thực sự là thực quyền hay không?
- ĐH Công nghiệp Dệt May Hà Nội là một trong số các trường sớm có Hội đồng trường ngay từ tháng 1/2016 – sau 6 tháng kể từ khi có Quyết định nâng cấp lên trường ĐH. Hội đồng trường đóng vai trò quản trị, định hướng chiến lược, quyết định nhân sự cao cấp, quyết định mô hình tổ chức trong nhà trường. Có thể khẳng định, Hội đồng trường là thực quyền, hoạt động thực chất, đóng góp cụ thể vào sự ổn định và phát triển của nhà trường trong những năm vừa qua trong điều kiện vô cùng khó khăn và phức tạp.
- Mối quan hệ giữa cơ quan chủ quản và cơ sở GD ĐH đang nhận được sự quan tâm của dư luận. Từ thực tế của trường mình, TS có bình luận gì về vấn đề này?
- Tôi cho rằng, mối quan hệ giữa cơ quan chủ quản và cơ sở GD ĐH công lập cần được xác lập sao cho thỏa mãn hai tiêu chí sau:
Thứ nhất: Nhà nước cần tạo điều kiện phát huy tính tự chủ của các cơ sở GD ĐH thông qua việc thúc đẩy thực hiện vai trò của Hội đồng trường, trong đó có thành viên của cơ quan chủ quản như trong Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật GDĐH quy định.
Thứ hai: Nhà nước cần có hướng dẫn cụ thể về việc quản lý tài sản Nhà nước tại các cơ sở GD ĐH công lập vì đây là đơn vị sở hữu 100% vốn Nhà nước. Phương châm quản lý đề ra phải là “thoáng” nhưng “không lỏng”. Nếu quản lý quá chặt thì không thể thực hiện tự chủ, nếu quản lý quá lỏng thì có thể dẫn đến buông lỏng quản lý tài sản Nhà nước.
- Xin cảm ơn TS!