Con số này ở Việt Nam là xấp xỉ 4.268 bé. Chào đời cùng một ngày nhưng cơ hội của mỗi bé lại khác nhau. Điều này cho thấy, tử vong sơ sinh vẫn luôn là nỗi ám ảnh với nhiều gia đình, cướp đi sinh mạng, cuộc sống và tương lai của nhiều em bé.
Mỗi em bé, một số phận
Trong số hơn 385.000 trẻ được sinh ra trên toàn cầu, có hơn một nửa các em bé sinh ra trong ngày đầu ở 9 quốc gia là Ấn Độ (69.070 trẻ), Trung Quốc (44.760 trẻ), Nigiêria (20.210 trẻ), Pakistan, Indonesia, Hoa Kỳ, Công- gô, Etiôpia, Băng-la-đét… Còn ở Việt Nam, số trẻ chào đời trong ngày đầu tiên của nam 2018 khoảng 4,2 ngàn trẻ.
Tại khoa Phụ sản (Bệnh viện Sản nhi Quảng Ninh), các bác sĩ, nhân viên y tế dường như bận rộn hơn trong khoảng thời gian chuyển giao giữa năm mới và năm cũ bởi sản phụ và gia đình đều trông ngóng đón thành viên mới.
Công dân đầu tiên được các bác sĩ đón ra là bé trai, nặng 4,1kg, hồng hào, khỏe mạnh. Tương tự, tại Bệnh viện Phụ sản Hà Nội, Phụ sản Trung ương hay Bệnh viện Từ Dũ, các bé lần lượt chào đời trong niềm vui của gia đình, y bác sĩ.
Ghi nhận ban đầu, những công dân đầu tiên của năm 2018 đều đáng yêu, khỏe mạnh báo hiệu một năm mới may mắn và thuận lợi. Nhưng đáng tiếc, không phải em bé nào sinh ra cũng có cơ hội được sống, được lớn lên bởi còn rất nhiều trẻ không được sống hết ngày đầu tiên.
Theo thống kê của UNICEF, trong năm 2016, mỗi ngày có khoảng 2.600 trẻ đã tử vong trong vòng 24 giờ đầu sau sinh. Với gần 2 triệu trẻ sơ sinh khác, tuần đầu tiên cũng là tuần cuối cùng của các em. Như vậy, tính trung bình, thế giới có khoảng 2,6 triệu trẻ tử vong trước khi được làm lễ đầy tháng.
Việt Nam cũng không phải ngoại lệ. Ước tính mỗi ngày có khoảng 50 trẻ sơ sinh tử vong. Hơn 80% số trẻ tử vong này đều do những nguyên nhân có thể phòng tránh và điều trị được như sinh non, tai biến khi sinh nở và nhiễm khuẩn như nhiễm trùng huyết và viêm phổi.
Trong các biến chứng, tai biến khi sinh nở luôn là nỗi ám ảnh với sản phụ. Mới đây, Bộ Y tế có công văn yêu cầu Sở Y tế Thái Bình làm rõ nguyên nhân, báo cáo trường hợp tử vong tại Bệnh viện Đa khoa huyện Vũ Thư.
Theo đó, ngày 2/1, sản phụ P.T.P.T có thai lần 3, đủ tháng đến bệnh viện sinh nhưng trong quá trình chuyển dạ có diễn biến xấu. Dù được hồi sức tích cực cùng sự hỗ trợ của bệnh viện phụ sản tỉnh nhưng vẫn không cứu được sản phụ và thai nhi.
Hay trước đó, trường hợp 4 trẻ sinh non nằm điều trị tại Bệnh viện Sản nhi Bắc Ninh cũng tử vong liên quan đến nhiễm khuẩn bệnh viện. Những em bé khác may mắn được chuyển lên tuyến trên đều nhanh chóng ổn định và về với mẹ…
Không chỉ là sống 1 giờ, 1 ngày...
Trong hơn hai thập kỷ qua, thế giới đã có những tiến bộ vượt bậc trong việc cứu sống trẻ em, giảm một nửa số trẻ em tử vong trước 5 tuổi xuống còn 5,6 triệu trẻ trong năm 2016. Nhưng bên cạnh những thành tích nổi bật này, những tiến bộ cho trẻ sơ sinh còn tương đối chậm. Trẻ em tử vong trong tháng đầu chiếm 46% các ca tử vong ở trẻ em dưới 5 tuổi.
Tình trạng trên cũng tương tự ở nước ta, thống kê của Bộ Y tế cho thấy, tỷ lệ tử vong trẻ sơ sinh chiếm 70% số ca tử vong ở trẻ dưới 1 tuổi và 50% số ca tử vong ở trẻ dưới 5 tuổi. Điều đáng nói ở chỗ, tỷ lệ trên hiện không có xu hướng giảm ở khu vực miền núi, vùng khó khăn.
Nguyên nhân do mạng lưới và chất lượng cuộc sống chưa đáp ứng được nhu cầu chăm sóc sức khỏe sinh sản, đặc biệt là tình trạng thiếu bác sĩ, nhất là bác sĩ nhi và sản khoa ở vùng sâu, vùng xa.
Ngoài ra, dù mạng lưới nhân viên y tế thôn bản, cô đỡ thôn bản tương đối phát triển nhưng người dân vẫn giữ thói quen sinh tại nhà, sinh con không có sự trợ giúp của người khác… khiến cho nhiều trẻ được sinh ra nhưng không có cơ hội sống. Nhiều bà mẹ tử vong do mất máu, nhiễm trùng nhưng không được sơ cấp cứu kịp thời.
Làm thế nào để trẻ em có thể sống hơn 1 giờ, hơn 1 ngày, hơn 1 tháng và nhiều hơn nữa là trăn trở của nhiều người. Theo đại diện, UNICEF tại Việt Nam, ông Youssouf Abdel-Jelil, chúng tôi kêu gọi các chính phủ, các đối tác hãy tham gia cùng chúng tôi trong cuộc chiến cứu sống hàng triệu sinh mạng trẻ em bằng các biện pháp đã được chứng minh là có hiệu quả cao với chi phí thấp.
Đó là việc cung cấp đầy đủ nước sạch và điện cho các cơ sở y tế, các sản phụ được đỡ đẻ bởi cán bộ y tế được đào tạo, sát khuẩn dây rốn, cho trẻ bú sớm và hoàn toàn trong giờ đầu sau khi chào đời và tiếp xúc da kề da với mẹ và chăm sóc trẻ bằng phương pháp Kangaroo.
Chúng ta đang bước vào một kỷ nguyên mà trẻ sơ sinh trên toàn thế giới nên có cơ hội để bước vào thế kỷ 22. Thật không may, gần một nửa trẻ em sinh ra trong năm nay không có được cơ hội này. Một em bé sinh ra ở Thụy Điển vào tháng 1/2018 sẽ có nhiều khả năng sống được đến năm 2100, trong khi một trẻ em sinh ra ở Việt Nam sẽ ít có khả năng sống qua năm 2095.
Ông Youssouf Abdel-Jelil, Đại diện UNICEF tại Việt Nam