Trào lưu chuyển thể kịch hè thiếu nhi

GD&TĐ - Hè về, cũng là lúc các sân khấu kịch lớn nhỏ tưng bừng mở kịch thiếu nhi. Bên cạnh những tác phẩm kịch giải trí về đề tài ma, kinh dị, đồng tính, hài... dòng kịch chuyển thể từ văn học vẫn có sức cuốn hút riêng, thu hút lượng khán giả nhất định.

Trào lưu chuyển thể kịch hè thiếu nhi

Đây được xem là giải pháp tối ưu cho sân khấu đang trong giai đoạn thiếu nguồn kịch bản.

Phong phú kịch văn học

Mùa hè này, nhiều tác phẩm văn học được dàn dựng trên sân khấu kịch phục vụ tuổi mới lớn. Mới đây, sân khấu Kịch Hoàng Thái Thanh công diễn vở “Rau răm ở lại” chuyển thể từ tác phẩm văn học của Nguyễn Ngọc Tư đã thu hút khá đông khán giả đến rạp.

Trước đó, sân khấu Hoàng Thái Thanh cũng đã là địa chỉ quen thuộc của những vở diễn chuyển thể từ các tác phẩm văn học của Nguyễn Ngọc Tư như: “Nửa đời ngơ ngác” (“Chiều vắng” - Nguyễn Ngọc Tư), “Bao giờ sông cạn” (“Dòng nhớ” - Nguyễn Ngọc Tư). Sân khấu Thế Giới Trẻ thành công với tác phẩm “Đời Như Ý” (Nguyễn Ngọc Tư). Nhà hát Kịch Sân khấu nhỏ TPHCM với “Cánh đồng bất tận” (truyện ngắn của Nguyễn Ngọc Tư). Sân khấu Kịch Thuần Việt với “Chuyện của Điệp” (cũng là tác phẩm văn học của Nguyễn Ngọc Tư)...

Trong dịp hè, Sân khấu Hồng Hạc, TPHCM ra mắt vở “Thiên thần nhỏ của tôi” của đạo diễn Việt Linh chuyển thể từ truyện dài cùng tên của nhà văn Nguyễn Nhật Ánh; Nhà hát kịch TPHCM cũng đồng thời trình diễn vở “Thằng quỷ nhỏ” phục vụ đối tượng tuổi teen.

Tại Hà Nội, Nhà hát kịch Việt Nam có “Đám cưới con gái chuột”, “Cải lão hoàn đồng”; Nhà hát Tuổi Trẻ có nhạc kịch “Ông ba bị”, “Cậu bé khổng lồ lạc vào hang kiến…”.

Vất vả cạnh tranh với nhiều loại hình giải trí khác là những khó khăn, thách thức với nhiều nghệ sĩ tâm huyết với thiếu nhi. Để mang đến cho các em một thế giới tuổi thơ ngập tràn niềm vui, mơ ước, người nghệ sĩ đã có nhiều đổi mới, sáng tạo, mong muốn chuyển thể tác phẩm văn học để các em yêu thích. Tuy nhiên, con đường chuyển thể kịch văn học vẫn là đầy thử thách..

Giải pháp đầy thử thách

Thực tế, việc đưa các tác phẩm văn học lên sân khấu không phải bây giờ mới có, trước đây, nhiều sân khấu đã chọn khai thác dòng kịch này. Có thể kể đến những vở kịch gây được tiếng vang một thời như vở: “Số đỏ”, “Giông tố”, “Chí Phèo”, “Kỹ nghệ lấy Tây”, “Làm đĩ”, “Chị Dậu”...

Hiện tại, kịch nói riêng và kịch cho thiếu nhi nói chung bị cạnh tranh gay gắt bởi các loại hình giải trí khác, việc sáng tạo những kịch bản hay, chọn tác phẩm của nhà văn ăn khách dựng kịch là nỗ lực không nhỏ của những người nghệ sĩ.

Theo đạo diễn Hạnh Thúy, người dàn dựng vở “Cô gái đến từ hôm qua” chia sẻ: “Chuyển thể tác phẩm lên sân khấu kịch cho sinh động không phải là một bài toán đơn giản. Hiện trào lưu dựng kịch từ những tác phẩm văn học nổi tiếng cũng có không ít sân khấu làm, nhưng để chắt lọc những tinh túy trong một tác phẩm văn học vốn đã quen thuộc với nhiều người không hẳn là chuyện đơn giản. Đặc biệt, truyện ngắn của Nguyễn Nhật Ánh đã quá thành công rồi nên khi dựng kịch, làm thế nào giữ được tính văn học của nó, sự trong trẻo của tuổi mới lớn, nỗi nhớ man mác về tuổi thơ là thách thức không hề nhỏ”.

Thiết nghĩ, đầu tư cho thiếu nhi là đầu tư cho tương lai, cũng là nuôi dưỡng một lứa khán giả tiềm năng cho sân khấu kịch sau này. Thế nên trong khi nguồn kịch bản đang thiếu, liệu kịch chuyển thể văn học có là phao cứu sinh cho sân khấu kịch hay không vẫn là câu hỏi được đặt ra.

Theo NSND Hồng Vân, sẽ dễ bị nhàm, nếu cứ xem kịch văn học là cứu cánh duy nhất. Chuyển thể nhưng vẫn giữ được phần hồn của nguyên tác và gần gũi với khán giả, với không khí thời đại, đó là thử thách không hề đơn giản.

Làm sao để thông qua nhân vật, người làm kịch có thể chuyển tải đến các em những thông điệp cuộc sống một cách nhẹ nhàng nhất mà không giáo điều hay khô cứng vẫn đậm chất văn học xem ra điều này hoàn toàn không đơn giản. Tôi luôn khuyến khích các tác giả trẻ viết những kịch bản nói về cuộc sống nóng bỏng hôm nay bằng ngôn ngữ đậm chất văn học.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ