Đến dự lễ có ông Vũ Minh Đức, Chủ tịch Công đoàn Giáo dục Việt Nam; ông Hồ Quang Lợi, Phó Chủ tịch Thường trực Hội Nhà báo Việt Nam; nhà báo Triệu Ngọc Lâm, Tổng Biên tập Báo Giáo dục và Thời đại, Trưởng Ban Tổ chức; ông Doãn Hồng Hà, Phó Vụ trưởng Giáo dục chính trị và Công tác học sinh, sinh viên; nhà báo Dương Thanh Hương, Phó Tổng Biên tập Báo Giáo dục và Thời đại;
Cùng các đồng chí đại diện các Vụ, Cục thuộc Bộ GD&ĐT, Công đoàn Giáo dục Việt Nam, đại diện lãnh đạo các Sở GD&ĐT, các tác giả có tác phẩm đoạt giải, các cơ quan thông tấn báo chí Trung ương và Hà Nội.
Cuộc thi do Báo Giáo dục và Thời đại phối hợp với Công đoàn Giáo dục Việt Nam, Vụ Giáo dục chính trị và Công tác học sinh, sinh viên (Bộ GD&ĐT) tổ chức.
Năm học 2020-2021, cuộc thi viết “Những tấm gương tâm huyết, sáng tạo học và làm theo lời Bác” lần thứ IV tiếp tục thu hút số lượng lớn người tham gia với chất lượng bài dự thi được nâng lên rõ rệt.
Kể từ khi phát động - tháng 5/2020 đến thời điểm kết thúc nhận bài 28/02/2021, ban Tổ chức đã nhận được gần 8000 tác phẩm dự thi, đến từ 63 tỉnh, thành trên cả nước. Người tham gia có cả những cây bút chuyên và không chuyên; trong đó phần lớn là những người đã, đang công tác trong ngành Giáo dục và học sinh, sinh viên.
Nhân vật trong tác phẩm chiếm phần lớn là các thầy cô giáo, cán bộ quản lý giáo dục tâm huyết, yêu nghề, sáng tạo, hết lòng vì sự nghiệp giáo dục, vì học trò; cùng với đó là tấm gương người học giàu nghị lực, ham học hỏi, có thành tích xuất sắc trong học tập và rèn luyện…
Ban giám khảo cuộc thi đã chọn được 93 bài vào vòng Chấm chung khảo. Trên cơ sở kết quả chấm và ý kiến thống nhất của các thành viên Ban Giám khảo, Ban Tổ chức đã quyết định trao: Tổng số giải: 14 giải (gồm giải cá nhân và tập thể), bao gồm 01 giải Nhất; 02 giải Nhì; 03 giải Ba; 05 giải Khuyến khích; 01 Nhân vật tiêu biểu trong tác phẩm đoạt giải; 02 giải cho Tập thể có số lượng bài dự thi nhiều và đạt chất lượng tốt.
Nhấn F5 để cập nhật nội dung mới nhất
Giải Nhất - Tác giả Trần Tuấn Ngọc: Cuộc thi giúp xã hội trân trọng hơn nghề giáo
Chủ nhân giải Nhất cuộc thi với tác phẩm: “Người thầy mang bếp lửa ấm đến vùng cao” - phóng viên Trần Tuấn Ngọc, hiện công tác tại Báo Lào Cai và chuyên theo dõi mảng giáo dục, chia sẻ: “Tôi biết tới cuộc thi “Những tấm gương tâm huyết, sáng tạo và làm theo lời Bác” năm 2020 – 2021 qua báo Giáo dục và Thời đại. Dù biết khá muộn nhưng nhận thấy đây là cuộc thi ý nghĩa nên quyết định tham gia một vài tác phẩm…”.
Tác phẩm “Người thầy mang bếp lửa ấm đến vùng cao” được “thai nghén” từ chuyến công tác thực tế của anh cách đây hơn 1 năm tới Trường THCS và THPT Bát Xát (Bát Xát – Lào Cai). Thầy Hiệu trưởng Vũ Xuân Quế đã giới thiệu cho anh rất nhiều về mô hình bếp ủ trấu để tạo ra lượng nước nóng lớn, miễn phí cho học sinh bán trú, nội trú trong mùa đông.
Sau đó, mô hình bếp ủ trấu của thầy Quế tiếp tục được cải tiến, nâng cấp đã đạt giải sáng kiến kinh nghiệm khoa học ngành giáo dục. Hiện tại, công nghệ bếp ủ trấu đã được thầy Quế chuyển giao cho nhiều trường học ở trong và ngoài tỉnh. Thầy Quế cũng tận tâm, tới tận nơi để hướng dẫn nhà trường cách làm bếp.
Tác giả Trần Tuấn Ngọc bày tỏ: Cuộc thi thực sự ý nghĩa bởi từ cuộc thi sẽ có nhiều hơn những tấm gương điển hình các thầy cô giáo được tuyên dương trong toàn ngành và xã hội. Mặt khác, giúp xã hội biết trân trọng hơn về nghề giáo, thầy giáo trong bối cảnh nhiều giá trị đang có nguy cơ mai một.
Đức Trí
Cô Nguyễn Thị Thu Hằng- Giáo viên Trường Tiểu học Nông Nghiệp, huyện Gia Lâm, Hà Nội: Cuộc thi có giá trị nhân văn sâu sắc
Tôi rất vinh dự và phấn khởi khi được đến dự Lễ trao giải Cuộc thi viết “Những tấm gương tâm huyết, sáng tạo học và làm theo lời Bác”. Ban tổ chức đã tổ chức rất chu đáo, trang trọng thể hiện qui mô của cuộc thi cũng như nét đẹp tôn vinh, khích lệ các tác giả tham gia giải. Điều này giúp chúng tôi hiểu sâu sắc hơn ý nghĩa nhân văn của cuộc thi.
Cuộc thi được tổ chức và triển khai sâu rộng đến các nhà trường. Hưởng ứng cuộc thi, tập thể cán bộ, giáo viên, nhân viên trường Tiểu học Nông Nghiệp, huyện Gia Lâm đã tích cực tham gia các phong trào thi đua “Dạy tốt - Học tốt”; “Xây dựng trường học thân thiện - Học sinh tích cực”; xây dựng “Nhà trường văn hóa - Nhà giáo mẫu mực - Học sinh thanh lịch”; “Mỗi thầy giáo, cô giáo là tấm gương đạo đức, tự học và sáng tạo” nhằm giới thiệu những tấm gương tiêu biểu, kịp thời động viên, khích lệ, lan tỏa những việc làm tốt, những hành động đẹp tới bạn bè và đồng nghiệp.
Mỗi giáo viên chúng tôi đều cảm nhận cuộc thi có giá trị nhân văn sâu sắc, giúp các thế hệ cán bộ, giáo viên, nhân viên và học sinh luôn luôn tu dưỡng, rèn luyện, học tập và làm theo lời Bác.
Với tôi, những tấm gương được tôn vinh trong các bài viết là động lực, khích lệ tôi và các bạn đồng nghiệp nỗ lực đổi mới, sáng tạo mỗi ngày để mang lại cho học sinh những giờ học hạnh phúc, học làm người.
Kiều Giang
Cô Đỗ Thị Vân, Cán bộ thư viện Trường THPT số 4 Văn Bàn (Lào Cai): Mong lan tỏa hành động thiện nguyện vì trò nghèo
Cô Đỗ Thị Vân, 32 tuổi, cán bộ thư viện Trường THPT số 4 Văn Bàn, huyện Văn Bàn (Lào Cai) chia sẻ: Hôm nay, được cùng gia đình đến Hà Nội tham dự Lễ tổng kết, trao giải cuộc thi viết “Những tấm gương tâm huyết, sáng tạo học và làm theo lời Bác” năm học 2020-2021, tôi rất vui và hồi hộp. Tôi cảm thấy phấn chấn xen lẫn tự hào khi được mang tác phẩm của mình tham gia chương trình giàu ý nghĩa này.
Hầu hết học sinh Trường THPT số 4 Văn Bàn thuộc gia đình nghèo, bố mẹ làm ăn xa nên việc học tập chưa được chú trọng. Giáo viên trường luôn nỗ lực duy trì sĩ số lớp học, hỗ trợ đồ dùng học tập, phương tiện đi học cho các em. Đồng hành cùng cán bộ giáo viên là sự chung tay góp sức của ban phụ huynh nhà trường.
Tham dự chương trình, tôi hy vọng có thể lan tỏa những đóng góp, hành động ý nghĩa của chị Phạm Thị Hiền, nguyên Trưởng ban Hội cha mẹ học sinh và các thầy cô, phụ huynh nhà trường cho ngành giáo dục địa phương, hoạt động từ thiện cho xã hội.
"Những tấm gương tâm huyết, sáng tạo học và làm theo Bác” là cuộc thi lớn, giúp tôi tìm hiểu nhiều tấm gương học và làm theo Bác tại địa phương sinh sống để từ đó lan tỏa ra cộng đồng những hình ảnh đẹp, việc làm ý nghĩa của thầy cô giáo, phụ huynh học sinh, những người đang quan tâm và hết mình vì sự nghiệp giáo dục. Tôi mong rằng cuộc thi có thể tạo ra những chuyển biến tích cực trong tư tưởng, đạo đức, lối sống văn hóa, tác phong làm việc của mỗi người.
Tú Anh
Những câu chuyện truyền cảm hứng, tâm huyết, sáng tạo học và làm theo lời Bác
Nhà báo Triệu Ngọc Lâm - Tổng Biên tập Báo Giáo dục và Thời đại, Trưởng ban Tổ chức - cho biết: Cuộc thi “Những tấm gương tâm huyết, sáng tạo học và làm theo lời Bác” được Báo Giáo dục và Thời đại, phối hợp với Công đoàn Giáo dục Việt Nam, Vụ Giáo dục chính trị và Công tác học sinh, sinh viên (Bộ Giáo dục và Đào tạo) tổ chức từ năm 2018.
Qua 4 năm, Cuộc thi luôn nhận được sự hưởng ứng của đông đảo cán bộ, nhà giáo, học sinh, sinh viên trên cả nước; thực hiện được mục đích sâu sắc là lan tỏa những tấm gương học tập, làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh trong ngành Giáo dục; truyền cảm hứng cho thầy trò nỗ lực phấn đấu làm theo lời Bác bằng những việc làm cụ thể, thiết thực.
Cho đến nay, Cuộc thi đã trở thành đợt sinh hoạt chính trị có ý nghĩa thiết thực trong toàn ngành Giáo dục; là dịp để nâng cao nhận thức, tạo chuyển biến tích cực về tư tưởng, đạo đức, lối sống, văn hóa, phong cách, tác phong làm việc đối với đông đảo giáo viên, học sinh, sinh viên trên mọi miền Tổ quốc.
Năm học 2020-2021, tiếp nối 3 năm tổ chức, cuộc thi “Những tấm gương tâm huyết, sáng tạo học và làm theo lời Bác” lần thứ IV tiếp tục thu hút số lượng lớn người tham gia.
Số bài dự thi Ban Tổ chức nhận được (từ khi phát động - tháng 5/2020, kết thúc nhận bài 28/2/2021) lên tới gần 8.000 bài, đến từ 63 tỉnh, thành trên cả nước.
Nhân vật trong tác phẩm phần lớn là các thầy cô giáo, cán bộ quản lý giáo dục tâm huyết, yêu nghề, sáng tạo, hết lòng vì sự nghiệp giáo dục, vì học trò; cùng với đó là tấm gương người học giàu nghị lực, ham học hỏi, có thành tích xuất sắc trong học tập và rèn luyện…
Chất lượng bài dự thi được đánh giá khá tốt, nội dung phong phú và có chiều sâu; nhiều tấm gương đẹp, mô hình hay, cách làm hiệu quả lần đầu được phát hiện. Có những bài dự thi gây ấn tượng mạnh bởi những câu chuyện đẹp, xúc động, được viết từ rung cảm mạnh mẽ, sâu sắc của tác giả với nhân vật.
Ban giám khảo cuộc thi đã chọn được 93 tác phẩm vào vòng Chấm chung khảo cuộc thi. Trên cơ sở kết quả chấm và ý kiến thống nhất của các thành viên Ban Giám khảo, kết quả có tổng số 14 giải. Trong đó có 2 giải tập thể dành cho đơn vị có số lượng bài dự thi đông và đạt chất lượng tốt; 1 giải Nhất; 2 giải Nhì; 3 giải Ba; 5 giải Khuyến khích; 1 nhân vật tiêu biểu trong tác phẩm đoạt giải.
Hiếu Nguyễn
Cuộc thi để lại nhiều xúc cảm sâu sắc
"Cuộc thi viết “Những tấm gương tâm huyết, sáng tạo học và làm theo lời Bác” năm học 2020-20221 đã bước sang năm thứ 4. Năm nay, Ban Tổ chức đã nhận được gần 8.000 bài dự thi, với chất lượng khá tốt, nội dung phong phú và có chiều sâu" - ông Doãn Hồng Hà.
Ông Doãn Hồng Hà - Phó Vụ trưởng Vụ Giáo dục chính trị và Công tác học sinh, sinh viên (Bộ GD&ĐT), đại diện Ban Giám khảo Chung khảo Cuộc thi – cho biết, với tinh thần trách nhiệm cao, công tâm và nghiêm túc, Ban Giám khảo đã hoàn thành chấm các tác phẩm tham dự.
Kết quả, có 13 tác phẩm đoạt giải, trong đó: 1 giải Nhất; 2 giải Nhì; 3 giải Ba; 5 giải Khuyến khích và 2 giải tập thể. Một nhân vật trong tác phẩm tiêu biểu được vinh danh.
“Trực tiếp tham gia chấm bài dự thi, chúng tôi nhận thấy, hầu hết các bài dự thi đã đáp ứng các tiêu chí trong Thể lệ. Có những tác phẩm được tác giả viết bằng cả tâm huyết, tình cảm và sự biết ơn để gửi tới thầy cô giáo của mình, với những kỷ niệm đẹp đẽ về tình thầy – trò, về mái trường mến yêu” – giám khảo Doãn Hồng Hà bày tỏ, đồng thời chia sẻ:
Nhiều tình huống đời thực đã được tác giả thuật lại trong tác phẩm dự thi của mình bằng những từ ngữ, hình ảnh tràn đầy cảm xúc. Đó là những việc làm, tấm lòng của thầy cô giúp thay đổi suy nghĩ, hướng thiện cho học trò thân yêu, hoặc những cảm nhận, cảm phục của thầy cô với học trò.
“Đây chính là những nét rất riêng của Cuộc thi, tạo nên những điểm nhấn, với những màu sắc đặc trưng, dung dị mà chan chứa tình người” – ông Doãn Hồng Hà nhận xét.
Theo lãnh đạo Vụ Giáo dục chính trị và Công tác học sinh, sinh viên: Nhiều bài viết đã để lại xúc cảm sâu sắc cho người đọc bởi những hành động nhân văn cao cả hay những tấm gương tâm huyết, sáng tạo trong học tập và công tác.
Nhiều tác phẩm được viết bằng tay, nắn nót từng nét chữ, với cách trình bày rất đẹp và công phu. Điều đó thể hiện tình cảm, sự say mê, nhiệt huyết của các em học sinh và đội ngũ thầy cô đối với Cuộc thi.
Minh Phong
Trao giải tập thể cho đơn vị xuất sắc:
Ông Hồ Quang Lợi, Phó Chủ tịch Thường trực Hội Nhà báo Việt Nam trao giải cho hai đơn vị xuất sắc gồm:
- Sở Giáo dục và Đào tạo Lạng Sơn
- Sở Giáo dục và Đào tạo Lào Cai
Trao 5 Giải Khuyến khích:
Ông Doãn Hồng Hà, Phó Vụ trưởng Giáo dục chính trị và Công tác học sinh, sinh viên trao giải Khuyến khích tới:
Tác giả Chu Huyền Vy, Học sinh Trường THPT Lộc Bình, Thị trấn Lộc Bình, huyện Lộc Bình, tỉnh Lạng Sơn; Tác phẩm: Cô giáo Hà Ánh Phượng;
Tác giả Trần Ngọc Bảo Trân, Giáo viên Trường THPT Phú Tâm, xã Phú Tâm, huyện Châu Thành, tỉnh Sóc Trăng; Tác phẩm: Người khơi nguồn ngọn lửa đam mê;
Tác giả Đào Thị Phượng, Giáo viên Trường PTDTBT TH&THCS Nậm Ngà, huyện Mường Tè, tỉnh Lai Châu; Tác phẩm: Người gieo hạt;
Tác giả Lã Thị Thúy Hằng, Giáo viên Trường THCS Yên Khoái, huyện Lộc Bình, tỉnh Lạng Sơn; Tác phẩm: Cô giáo Nguyễn Thị Hương - đóa hướng dương luôn hướng về mặt trời;
Tác giả Phan Thị Anh Thư, phường Cái Khế, quận Ninh Kiều, thành phố Cần Thơ; Tác phẩm: Những bà giáo về hưu thầm lặng.
Tác giả giải Khuyến khích - học sinh Chu Huyền Vy với tác phẩm “Cô giáo Hà Ánh Phượng”
Chu Huyền Vy hiện là học sinh lớp 10B, trường THPT Lộc Bình, tỉnh Lạng Sơn chia sẻ rằng em rất vui khi biết mình đoạt giải cuộc thi đầy ý nghĩa này.
Huyền Vy yêu thích môn Ngữ văn vì môn học này giúp em cảm thấy giao tiếp tốt, diễn đạt được nhiều góc cạnh về suy nghĩ, quan niệm, tình cảm trong con người mình, từng đạt giải Học sinh giỏi môn Văn cấp huyện khi còn là học sinh THCS.
Tác phẩm dự thi của em viết về cô giáo toàn cầu Hà Ánh Phượng với sự cảm phục và lòng kính trọng lớn lao. “Bản thân và các bạn cùng lứa học ở môi trường huyện miền núi, rất ít điều kiện về mở mang học thêm tiếng Anh. Từ nhỏ không được tiếp cận làm quen tiếng Anh sớm nên lại càng gặp khó khăn.
Vì không nhận thức được đầy đủ sự cần thiết của tiếng Anh, học lại kém, cho nên chỉ nghĩ đây là môn học phụ, không quan tâm, không đầu tư học hành, bị thiếu hụt nhiều kiến thức và kĩ năng. Từ khi được cô giáo chủ nhiệm giới thiệu cho mô hình lớp học của cô Phượng mới thấy tiếng Anh gần gũi, thân thiện, sinh động, hấp dẫn, thấy được sự cần thiết của môn học này”, Huyền Vy cho biết.
Tham gia dự thi viết về tấm gương nhà giáo tâm huyết sáng tạo là dịp để bản thân hiểu nhiều hơn về thầy cô giáo của mình, gần gũi và bày tỏ những tình cảm và suy nghĩ đối với thầy cô cũng như chia sẻ với bạn bè những bài học ý nghĩa mà mình nhận được.
Phạm Vũ
Trao 3 Giải Ba:
Nhà báo Triệu Ngọc Lâm, Tổng Biên tập Báo Giáo dục và Thời đại, trao giải Ba tới:
Tác giả Trần Văn Toản, Giáo viên Trường THPT chuyên Quốc học Huế, TP Huế, tỉnh Thừa Thiên Huế; Tác phẩm: Chuyện về người thầy… chưa một lần được đến trường;
Tác giả Trần Thị Thu Hiền, Giáo viên Trường PTDTBT THCS Nậm Típ, huyện Kỳ Sơn, tỉnh Nghệ An; Tác phẩm: Thầy hiệu trưởng vùng cao tâm huyết với sự nghiệp trồng người;
Tác giả Đỗ Thị Vân, Giáo viên Trường THPT số 4 Văn Bàn, huyện Văn Bàn, Lào Cai; Tác phẩm: Người vác tù và hàng tổng đầy tâm huyết.
Chia sẻ của tác giải Giải Ba - Đỗ Thị Vân:
Cô Đỗ Thị Vân, 32 tuổi, là cán bộ thủ thư công tác tại Trường THPT số 4 Văn Bàn, xã Yên Hạ, huyện Văn Bàn, tỉnh Lào Cai từ năm 2011, đã chứng kiến nhiều khó khăn của học sinh, thầy cô giáo nơi đây. Những năm qua, giáo viên và phụ huynh nhà trường không ngừng phối hợp tổ chức nhiều hoạt động hỗ trợ học sinh.
Đồng hành cùng giáo viên nhà trường là cô Phạm Thị Hiền, nguyên Trưởng ban Hội cha mẹ học sinh Trường THPT số 4 Văn Bàn. Cô Hiền chính là nguồn cảm hứng để cô Vân sáng tác tác phẩm “Người vác tù và hàng tổng đầy tâm huyết”, gửi dự thi “Những tấm gương tâm huyết, sáng tạo học và làm theo lời Bác” năm học 2020-2021.
Cô Vân bày tỏ: "Tôi học được rất nhiều từ chị Hiền như phong cách làm việc nhanh nhẹn, quyết đoán, tinh thần dám làm, dám chịu, dám hi sinh nhận trách nhiệm “vác tù và hàng tổng”. Tôi cũng học ở chị tình yêu lớn lao dành cho những mảnh đời bất hạnh và sẵn sàng tìm cách giúp đỡ họ. Tôi rất ngưỡng mộ chị trong việc nuôi dạy con cái ngoan ngoãn, học giỏi và đưa ra gia đình vượt khó làm kinh tế giỏi.
Thông qua cuộc thi, tôi mong muốn Báo Giáo dục và Thời đại có thể tổ chức nhiều cuộc thi, chương trình, hoạt động dành cho giáo viên, học sinh, để chia sẻ, lan tỏa giá trị tích cực đến những vùng xa xôi, vùng còn gặp nhiều khó khăn trên mọi miền Tổ quốc” - cô Đỗ Thị Vân nhắn gửi.
Tú Anh
Trao 2 Giải Nhì:
Ông Hồ Quang Lợi, Phó Chủ tịch Thường trực Hội Nhà báo Việt Nam trao giải Nhì tới:
Tác giả Bùi Thị Hồng Hạnh, Giáo viên Trường THPT Hòa Bình, huyện Chi Lăng, tỉnh Lạng Sơn; Tác phẩm: Cô giáo miền xuôi cắm bản gieo chữ miền sơn cước;
Tác giả Nguyễn Thị Thu Hằng, Giáo viên Trường Tiểu học Nông nghiệp, huyện Gia Lâm, Hà Nội; Tác phẩm: Cô giáo Đỗ Thị Hoàng Mai "Một tấm gương tâm huyết, sáng tạo học và làm theo lời Bác".
Chia sẻ của tác giả Giải Nhì - cô giáo Bùi Thị Hồng Hạnh:
Cô Bùi Thị Hồng Hạnh hiện là giáo viên Địa Lý, trường THPT Hòa Bình, Chi Lăng, Lạng Sơn đã xuất sắc giành giải Nhì cuộc thi, với tác phẩm "Cô giáo miền xuôi cắm bản gieo chữ miền sơn cước".
Cô Hạnh chia sẻ cảm xúc khi tham gia cuộc thi: Lan tỏa những tấm gương giáo viên là việc rất cần thiết góp phần quan trọng và ý nghĩa trong công tác nhân rộng điển hình tiên tiến, tuyên truyền những tấm gương người tốt, việc tốt trong ngành giáo dục hiện nay.
Những cống hiến của các thầy cô sẽ tạo sức lan tỏa lớn trong ngành và xã hội, họ sẽ là người truyền cảm hứng và tạo động lực cho đồng nghiệp, cho học sinh tiếp tục thực hiện tốt nhiệm vụ giảng dạy, học tập và công tác, đóng góp tích cực vào sự nghiệp “trồng người” đầy vinh quang.
Theo cô Hạnh, điều quan trọng nhất đối với người dạy học đó chính là giáo dục nhân cách cho các em học sinh, trước khi dạy các em cái chữ thì điều đầu tiên là dạy làm người, muốn làm việc tốt trước hết hãy là con người tốt.
Các em cần biết thương yêu, đùm bọc, chia sẻ những khó khăn, cùng nhau vượt qua thử thách, biết giúp đỡ những mảnh đời có hoàn cảnh khó khăn hơn mình và lan tỏa việc làm đó, nhân rộng nó lên... Các thầy cô đã cùng học sinh học và làm theo lời Bác từ những điều nhỏ nhất.
“Điều mà bản thân tôi luôn mong muốn và quan tâm nhất là học sinh sẽ trở thành những con người “giàu có” về ý chí và nghị lực, bởi khi chúng ta không chùn bước thì khó khăn nào cũng sẽ vượt qua, thành công sẽ đến”, cô Hạnh chia sẻ.
Phạm Vũ
Cô Bùi Thị Hồng Hạnh chia sẻ cảm xúc khi nhận giải
Cô Bùi Thị Hồng Hạnh- giáo viên Trường THPT Hoà Bình (Lạng Sơn) chia sẻ cảm xúc: Khi biết tin được nhận giải nhì của cuộc thi, tôi thấy bất ngờ và hạnh phúc. Đây là cuộc thi lớn, có sức lan toả lớn trong các nhà trường và trong xã hội. Hiện nay trên cả nước có rất nhiều những tấm gương các thầy cô giáo tận tuỵ sáng tạo, là tấm gương sáng để các em học sinh noi theo.
Nhân vật trong tác phẩm của tôi là một cô giáo vùng cao đã hi sinh tuổi xuân của mình để gắn bó với các thế hệ học sinh. Được chia sẻ những hình ảnh của đồng nghiệp là niềm hạnh phúc đối với tôi. Tôi mong muốn cuộc thi ngày càng lan toả, giúp xã hội chia sẻ với những tâm huyết của các thầy cô giáo, những người đang tận tuỵ với sự nghiệp trồng người.
Tác giả giải Nhì – cô giáo Nguyễn Thị Thu Hằng: Mong lan tỏa những việc làm tốt đẹp
Tham gia cuộc thi viết về “Những tấm gương tâm huyết, sáng tạo học và làm theo lời Bác” năm học 2020-2021 với tác phẩm “Cô giáo Đỗ Thị Hoàng Mai: Một tấm gương tâm huyết, sáng tạo học và làm theo lời Bác", cô Nguyễn Thị Thu Hằng - Giáo viên Trường Tiểu học Nông nghiệp (huyện Gia Lâm, Hà Nội) chia sẻ rất bất ngờ, tự hào và vinh dự khi biết bài viết của mình đã được BTC cuộc thi ghi nhận.
Theo cô Hằng, cuộc thi được tổ chức và triển khai sâu rộng là dịp để mỗi nhà giáo học sinh rèn luyện đạo đức, lối sống văn hóa, phong cách, tác phong làm việc theo tấm gương của Bác. Cuộc thi cũng giúp cho các nhà trường tìm những tấm gương điển hình tiêu biểu trong các phong trào thi đua để kịp thời động viên, khích lệ và lan tỏa những việc làm tốt, hành động đẹp tới bạn bè, đồng nghiệp.
Nhân vật chính trong tác phẩm dự thi của cô Hằng là cô giáo Đỗ Thị Hoàng Mai, một giáo viên luôn tràn đầy nhiệt huyết, hăng say chuyên môn, có uy tín với đồng nghiệp, được phụ huynh và học sinh tin yêu.
Nhìn nhận về tầm quan trọng của đổi mới, sáng tạo, tâm huyết, học và làm theo lời Bác với nghề dạy học, cô Hằng cho biết: Việc đổi mới, sáng tạo với mỗi giáo viên vô cùng cần thiết; đòi hỏi người giáo viên phải thực hiện thường xuyên và liên tục. Giáo viên có tích cực đổi mới và sáng tạo trong từng tiết học thì mới có được những tiết học hay, giờ học tốt; học sinh mới tích cực, tự giác tham gia các hoạt động. Qua đó, giáo viên sẽ đạt được mục tiêu của bài học. Chất lượng dạy học ngày một nâng cao.
Kiều Giang
Trao Giải Nhất:
Ông Vũ Minh Đức, Chủ tịch Công đoàn Giáo dục Việt Nam trao giải Nhất tới tác giả Trần Tuấn Ngọc, Báo Lào Cai với Tác phẩm "Người thầy mang bếp lửa ấm đến vùng cao"
Tác giả đạt giải nhất Trần Tuấn Ngọc: Cuộc thi mang giá trị động viên và gieo niềm tin vào sự nghiệp “trồng người”.
Tác phẩm “Người thầy mang bếp lửa ấm đến vùng cao” đạt giải nhất cuộc thi “Những tấm gương tâm huyết, sáng tạo học và làm theo lời Bác” lần thứ IV.
Phát biểu tại lễ trao giải, tác giả Trần Tuấn Ngọc - phóng viên Báo Lào Cai bày tỏ sự bất ngờ khi được có mặt tại sự kiện đầy ý nghĩa với rất nhiều những nhà văn, nhà báo, những người tâm huyết với giáo dục trên cả nước tham gia. Theo anh, đây là sự động viên lớn dành cho một nhà báo trẻ ở tỉnh vùng cao biên giới lần đầu tham gia cuộc thi.
Tác giả Trần Tuấn Ngọc bày tỏ: Với truyền thống tôn sư trọng đạo, nghề giáo trong xã hội luôn được coi là nghề cao quý nhất trong những nghề cao quý. Để tri ân những thầy, cô giáo có nhiều cống hiến và đóng góp cho xã hội, hàng năm từ Trung ương tới các địa phương đều tổ chức những buổi lễ tuyên dương long trọng với nhiều bằng khen, giấy khen, phần thưởng tặng cho các thầy, cô giáo. Điều đó vô cùng đáng quý. Nhưng để mọi người hiểu sâu hơn về những cống hiến của các nhà giáo, để những tấm gương ấy có ý nghĩa lan tỏa trong xã hội, nhân lên những giá trị tốt đẹp, thì lại là một câu chuyện khác.
Cuộc thi viết “Những tấm gương tâm huyết, sáng tạo học và làm theo lờiBác”trong ngành giáo dục được tổ chức trong suốt những năm qua đã vượt ra ngoài ý nghĩa của một cuộc thi và trở thành nơi hội tụ của những giá trị cao đẹp. Qua những bài viết của các nhà văn, nhà báo, hàng nghìn tấm gương nhà giáo tâm huyết và sáng tạo, học và làm theo lời Bác được đăng tải, lan tỏa rộng rãi trong xã hội, có giá trị động viên to lớn tới các thầy, cô giáo, gieo niềm tin vào sự nghiệp “trồng người”.
Điều đó càng ý nghĩa khi ở đâu đó sự tha hóa và suy thoái đạo đức của một bộ phận trong xã hội khiến chúng ta đau lòng và dễ lung lay, đổ vỡ niềm tin. Mỗi tấm gương người tốt, việc tốt như một vị thuốc bổ tinh thần quý báu, giúp chúng ta vững niềm tin vào những giá trị tốt đẹp trong cuộc sống.
Tác giả Trần Tuấn Ngọc gửi lời cảm ơn tới nhà giáo tiêu biểu, thầy giáo Vũ Xuân Quế, Hiệu trưởng Trường THCS và THPT Bát Xát, tỉnh Lào Cai. “Cách đây hơn 1 năm, thầy Quế vui mừng chia sẻ với tôi về dự án bếp đun nước nóng công suất lớn miễn phí cho hơn 300 học sinh bán trú của trường. Và đến ngày hôm nay, những bếp lửa ấm của thầy đã được lắp cho hàng chục trường học, giúp cho hàng nghìn học sinh vùng cao Lào Cai, Tây Bắc có nước nóng sinh hoạt trong mùa đông giá rét. Nhiều trường học không còn nỗi lo học sinh bỏ học do thiếu nước nóng sinh hoạt trong mùa đông lạnh giá…” – Trần Tuấn Ngọc nói.
Theo tác giả Trần Tuấn Ngọc, năm nay, thầy Quế không còn lo cho học sinh bán trú thiếu có nước nóng nữa, nhưng ở một trường học vùng cao còn nhiều khó khăn còn biết bao nỗi lo khác: nỗi lo trường học sạt lở nguy hiểm vào mùa mưa lũ, nỗi lo cho những học sinh nghèo sắp thi tốt nghiệp, nỗi lo cho mùa tuyển sinh sắp tới các em học hết lớp 9 có học lên THPT, học nghề hay không, nỗi lo học sinh tảo hôn bỏ học… Nếu không là người tâm huyết, tận tụy, sao có thể bám trụ ở môi trường khó khăn như thế để chăm lo cho học trò. Chính sự nỗ lực cống hiến của thầy đã cho tôi sự cảm phục, trân trọng để viết tác phẩm “Người thầy mang bếp lửa ấm đến vùng cao”.
Tác giả Trần Tuấn Ngọc chia sẻ: "Là một phóng viên của cơ quan báo Đảng - nơi một tỉnh vùng cao biên giới như Lào Cai, tôi thường xuyên có những chuyến tác nghiệp ở các thôn bản sâu xa. Những cung đường cheo leo, hiểm trở, những trường học quanh năm chìm trong sương mây giá lạnh, không điện, không sóng điện thoại,… Ở đó, còn biết bao thầy, cô giáo đang phải xa gia đình, âm thầm, lặng lẽ cống hiến tuổi xuân để nuôi giấc mơ con chữ cho học trò nghèo.
Điều đó khiến tôi thêm trăn trở, thôi thúc tôi tiếp tục lên đường để viết về những tấm gương tâm huyết, sáng tạo, học và làm theo lời Bác. Chính họ đã cho tôi thêm nghị lực và niềm tin để vượt qua những khó khăn, trở ngại trong cuộc sống.
Khi có mặt tại buổi lễ ngày hôm nay, có nhà báo đã hỏi tôi rằng, nếu Báo Giáo dục và Thời đại tiếp tục tổ chức những cuộc thi tương tự tôi có tham gia nữa không? Tôi nghĩ rằng xung quanh chúng ta còn bao điều tốt đẹp, bao giá trị cần phải tôn vinh và lan tỏa, và đó là trách nhiệm của những người cầm bút.
Niềm vui lớn nhất đối với tôi trong mỗi cuộc thi không chỉ là giải thưởng mà là cơ hội được theo đuổi đam mê với nghề báo, cơ hội được giao lưu, học hỏi với các bạn đồng nghiệp và trưởng thành hơn trong từng trang viết…
Đức Trí
Trao phần thưởng cho Nhân vật tiêu biểu trong tác phẩm đoạt giải:
Ông Doãn Hồng Hà, Phó Vụ trưởng Giáo dục chính trị và Công tác học sinh, sinh viên trao phần thưởng Nhân vật tiêu biểu tới:
Thầy giáo Vũ Xuân Quế - Hiệu trưởng Trường THCS và THPT Bát Xát, tỉnh Lào Cai, nhân vật trong tác phẩm “Người thầy mang bếp lửa đến vùng cao” của tác giả Trần Tuấn Ngọc.
Nhân vật tiêu biểu - thầy giáo Vũ Xuân Quế: Cuộc thi tạo động lực cho những người thầy tiếp tục sáng tạo, cống hiến
Thay mặt thầy cô Trường THCS và THPT Bát Xát, tỉnh Lào Cai – nhân vật chính trong tác phẩm đạt giải nhất đã gửi lời cảm ơn BTC cuộc thi đã tổ chức một cuộc thi ý nghĩa, tạo ra động lực để những người thầy tiếp tục sáng tạo, cống hiến.
Thầy Vũ Xuân Quế bày tỏ: “Kể từ khi bước vào nghề, tôi chưa bao giờ nghĩ rằng công việc mình làm, những điều mình cống hiến... cho ngành giáo dục, cho các thầy cô, HS để được làm Hiệu trưởng, để trở thành nhân vật nổi tiếng và lên báo đài. Chính vì vậy, hôm nay được về tham dự và giao lưu cuộc thi tôi vô cùng xúc động…”
Thầy Vũ Xuân Quế chia sẻ: Khi chứng kiến khó khăn, thiếu thốn của HS nội trú, đặc biệt vào những mùa đông giá rét các em phải vào rừng kiếm củi hoặc mang củi từ nhà tới đun nước tắm, tôi rất thương xót, trăn trở và “nung nấu” phải mang lại điều gì đó ý nghĩa cho cuộc sống của HS khi xa nhà.
Mặt khác với trách nhiệm của người thầy, lãnh đạo nhà trường thì phải cố gắng làm sao để HS có nước sinh hoạt hàng ngày, không để HS sợ tắm vì không có nước nóng…
Xuất phát từ thầy giáo Vật lý, cùng sự nghiên cứu tìm tòi, cũng như kinh nghiệm rút ra từ những công trình đã nghiên cứu tương tự nhưng chưa được thành công, đặc biệt với ký ức tuổi thơ vùi cám giúp bố mẹ… đã giúp tôi hình thành ý tưởng thiết kế bếp vùi trấu đun nước nóng cho HS hiện nay.
Đến nay, hệ thống nước nóng công suất lớn, miễn phí cho HS đã hoạt động tốt tại Trường THCS &THPT Bát Xát (Lào Cai), phục vụ thiết thực cho cuộc sống bán trú của hơn 300 HS. Ngoài ra gần 20 trường học trong và ngoài tỉnh đã lắp đặt, học hỏi kinh nghiệm để áp dụng vào nhà trường…
Đức Trí
Ông Hồ Quang Lợi - Phó Chủ tịch Thường trực Hội Nhà báo Việt Nam: Cuộc thi có ý nghĩa và hiệu quả to lớn
Phát biểu tại lễ trao giải, ông Hồ Quang Lợi - Phó Chủ tịch Thường trực Hội Nhà báo Việt Nam - đánh giá cao ý nghĩa và hiệu quả to lớn của Cuộc thi; từ đó chúc mừng Báo Giáo dục và Thời đại đã tổ chức Cuộc thi thành công; chúc mừng các tập thể, cá nhân đã giành giải thưởng của Cuộc thi này.
Theo ông Hồ Quang Lợi, giáo dục là lĩnh vực hết sức đặc biệt, với sứ mệnh “trồng người”, lan tỏa ánh sáng tri thức, đạo đức và tình yêu thương con người. Chúng ta đang thực hiện đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo. Đây là sự nghiệp lớn của toàn Đảng, toàn dân và người triển khai thực hiện trực tiếp là những thầy cô giáo ở thành thị, nông thôn, miền núi, đang ngày đêm vì học sinh thân yêu.
Phó Chủ tịch Thường trực Hội Nhà báo Việt Nam cho rằng, tấm gương trong lĩnh vực nào cũng ý nghĩa, cảm động; nhưng trong ngành Giáo dục, sự nêu gương của các thầy cô giáo gắn với học sinh hàng giờ, hàng ngày có sức thuyết phục vô cùng to lớn; góp phần xây đắp nhân cách, đạo đức cho học trò - chủ nhân tương lai của đất nước.
Dẫn câu chuyện về thầy hiệu trưởng Vũ Xuân Quế - Trường Phổ thông Dân tộc bán trú THCS và THPT Bát Xát (Lào Cai) - sáng tạo hệ thống bếp lò đun trấu mang lửa ấm đến gần 20 trường học, giúp hàng nghìn học sinh vùng cao có nước nóng sinh hoạt trong mùa đông giá lạnh, ông Hồ Quang Lợi cho rằng, câu chuyện về thầy Quế có hơi ấm ngọn lửa, nhưng trước hết là hơi ấm từ trái tim người thầy yêu thương học trò của mình.
“Những tấm gương như vậy rất có ý nghĩa, chạm đến trái tim chúng ta; làm đẹp hơn nữa hình ảnh người giáo viên nhân dân; góp phần để xã hội, nhân dân thêm niềm tin vào giáo dục.” - Phó Chủ tịch Thường trực Hội Nhà báo Việt Nam chia sẻ.
Cũng trong phát biểu tại cuộc thi, ông Hồ Quang Lợi chia sẻ: Theo dõi hoạt động của Báo Giáo dục và Thời đại mấy năm qua, bên cạnh việc không ngừng đổi mới, nâng cao chất lượng các ấn phẩm, Báo còn tổ chức được nhiều hoạt động nghề nghiệp có ý nghĩa xã hội sâu sắc. Trong đó có Giải báo chí “Vì sự nghiệp giáo dục Việt Nam” mà Hội Nhà báo cùng đồng hành.
Ông Hồ Quang Lợi mong muốn, các bài báo chất lượng trong Cuộc thi “Những tấm gương tâm huyết, sáng tạo học và làm theo lời Bác” sẽ tiếp tục được chọn để tham gia ở giải cao hơn, như Giải báo chí “Vì sự nghiệp giáo dục Việt Nam”, Giải báo chí Quốc gia.
Hiếu Nguyễn
Chia sẻ của Tác giả Lã Thị Thuý Hằng
Tác giả Lã Thị Thuý Hằng – giáo viên môn tiếng Anh, Trường THCS Yên Khoái, huyện Lộc Bình, tỉnh Lạng Sơn, chủ nhân giải Khuyến khích với tác phẩm “Cô giáo Nguyễn Thị Hương – Đóa hướng dương luôn hướng về mặt trời”, chia sẻ: Tôi nhận thấy đây là một cuộc thi nhiều ý nghĩa, đặc biệt trong giai đoạn hiện nay, bên cạnh rất nhiều những tấm gương sáng trong ngành GD, thì đâu đó vẫn có những cá nhân còn chưa thật tốt…
Để việc giáo dục đạo đức học sinh có hiệu quả tốt nhất, chúng ta cần cho học sinh được thấy những việc làm tốt từ các thầy, cô giáo. Chính vì vậy, bản thân tôi và các đồng nghiệp luôn cố gắng làm gương trước học sinh về lời nói, việc làm để học sinh học tập và noi theo.
“Học và làm theo gương Bác không phải từ những việc làm ở đâu quá cao xa mà ngay trong suy nghĩ, lời nói, hành động hàng ngày của bạn. Việc học tập và làm theo Bác phải thường xuyên, liên tục ở tất cả khía cạnh của cuộc sống. Ở nơi đâu có sự thấm nhuần về tư tưởng, đạo đức và phong cách làm việc của Bác thì ở nơi đó mọi người sẽ có niềm tin, có sự quan tâm, chia sẻ và luôn nỗ lực hết mình để xây dựng một xã hội phát triển bền vững” - Tác giả Lã Thị Thuý Hằng chia sẻ.
Kim Thoa