Tiết sinh hoạt lớp - giáo viên được làm "mẹ hiền"

GD&TĐ - Trong chương trình giáo dục phổ thông mới có còn tiết sinh hoạt chủ nhiệm hay còn gọi tiết sinh hoạt lớp hay không? Câu hỏi này đang được nhiều giáo viên quan tâm vì có khá nhiều những luồng ý kiến khác nhau. Với tôi, tiết học này rất cần thiết. Đây là tiết học mà giáo viên chủ nhiệm (GVCN) lớp được chính thức làm “mẹ hiền”.

Ảnh minh họa/internet
Ảnh minh họa/internet

Những năm gần đây, bên cạnh những hoạt động trải nghiệm, tiết sinh hoạt chủ nhiệm lớp đã được các trung tâm phát triển nghề nghiệp giáo dục quan tâm và đưa ra nhiều định hướng cũng như những việc làm thiết thực để giúp ích, nâng chất cho các lực lượng giáo dục nhất là đội ngũ trẻ. Thế nhưng chất lượng và hiệu quả chưa cao, chưa được như mong muốn vì hiện nay nhiều giáo viên chưa thấy hết tầm quan trọng cũng như chưa có tầm nhìn chiến lược tốt cho tiết học này.

Nhiều giáo viên cứ miệt mài tập trung vào việc rèn luyện kiến thức cho học sinh, tận dụng tiết học này để bồi dưỡng, nâng cao… khiến học sinh phải vất vả, nhàm chán. Một số không ít giáo viên tổ chức qua loa, để học sinh tự thực hiện, tư sinh hoạt lớp tranh thủ thời gian trống để giải quyết các công việc khác. Tiết sinh hoạt lớp không cần thiết vì giáo viên đã gặp gỡ, tiếp xúc với các em hàng ngày,…

Tuy nhiên vẫn không ít GVCN đang nảy sinh nhiều sáng kiến mới nhằm nâng cao hiệu quả của tiết sinh hoạt và công tác chủ nhiệm lớp của mình tích cực góp phần giáo dục toàn diện, hoàn thành nhân cách học sinh.

Trong thời kỳ mới hiện nay, người GVCN lớp cần nâng cao vai trò, trách nhiệm; cần mạnh dạn đổi mới, linh hoạt sáng tạo hơn không chỉ ở kiến thức, trình độ chuyên môn nghiệp vụ mà còn cần phải nâng dần vai trò lãnh đạo, vai trò của người “mẹ hiền”.

Cả tuần, chỉ giờ sinh hoạt lớp GVCN mới gác bỏ kiến thức sang một bên; người “mẹ hiền” này mới thật sự được trò chuyện, lắng nghe những khó khăn trăn trở, những vướng mắc, hiềm khích, đố kỵ, … của những “đứa con” thân yêu của mình để rồi nhẹ nhàng giải quyết, tháo gỡ, giúp đỡ; từng bước hướng dẫn, chỉ dạy; kết nối tạo thành một khối đoàn kết vững mạnh. Tuyệt đối không được chê bai, chỉ trích hay có những biểu hiện, thái độ làm xúc phạm, tổn thương, gây tự ái, làm mất lòng tin với bất kỳ HS nào.

Để đạt được mục tiêu trên người GVCN phải thấu hiểu hết vai trò trách nhiệm của người “mẹ hiền”. Trước hết phải có tâm trong sáng. Tâm trong sáng mới đem lại sự thanh cao, công bằng và tạo được không khí trong lành cho môi trường giáo dục. Không chỉ vậy, vì đây là một tiết học nên cần phải linh hoạt vận dụng nhiều phương pháp, cách thức tổ chức sao cho mới lạ thu hút và hấp dẫn; vừa chia sẻ được những tồn tại còn tồn đọng vừa kích thích và phát huy vai trò của các cán sự lớp cũng như các thành viên trong lớp để tiến bộ vượt bậc hơn.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ