Tạo hành lang pháp lý cho công nhận kết quả học tập trực tuyến

GD&TĐ - Một trong nhiều lợi ích của quy định về quản lý tổ chức dạy học trực tuyến được TS Nguyễn Thị Thành - Hiệu trưởng trường THPT Bình Minh, Hoài Đức, Hà Nội – nhắc tới là sẽ tạo hành lang pháp lý cho việc công nhận kết quả học tập trực tuyến.

Ảnh minh họa/internet
Ảnh minh họa/internet

Dự thảo Thông tư ban hành Quy định quản lý tổ chức dạy học trực tuyến đối với các cơ sở giáo dục phổ thông và cơ sở giáo dục thường xuyên đang được Bộ GD&ĐT xin ý kiến góp ý. TS Nguyễn Thị Thành cho rằng, việc ban hành Thông tư này là hết sức cần thiết trong giai đoạn hiện nay, giúp nâng cao nhận thức và tầm quan trọng của việc dạy học trực tuyến.

Thông tư khi được ban hành cũng tạo căn cứ pháp lý để các cơ sở giáo dục tổ chức nhiều hình thức dạy học, mở rộng không gian lớp học và công nhận kết quả học tập cho học sinh. Đó cũng là xu hướng khi cuộc cách mạng 4.0 đi vào cuộc sống. Học sinh lựa chọn thầy cô giáo giỏi để học, thúc đẩy giáo viên phải nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ.

Quy định trong dự thảo thông tư hướng dẫn chi tiết để các cơ sở giáo dục có căn cứ xây dựng, xác định rõ mục tiêu, hình thức học tập, nội dung dạy học và yêu cầu cần đạt được, các điều kiện đảm bảo chất lượng để việc dạy học trực tuyến đạt hiệu quả.

“Trong thời gian giãn cách xã hội phòng chống dịch Covid-19 vừa qua, Trường THPT Bình Minh đã xây dựng kế hoạch, chuẩn bị nền tảng công nghệ, xây dựng chương trình, tập huấn giáo viên, xây dựng quy trình giảng dạy trực tuyến và đánh giá theo hướng dẫn của Bộ GD&ĐT, Sở GD&ĐT Hà Nội.

Kết quả dạy và học cơ bản đáp ứng được các yêu cầu về chuyên môn, về tiến độ chương trình. Giáo viên tích cực vận dụng các phương pháp mới nhằm giúp cho học sinh hứng thú hơn trong học tập.

Tuy nhiên, vẫn còn một số vướng mắc, chủ yếu là do nhận thức của học sinh. Một số em còn nghĩ rằng đây chỉ là giải pháp tình thế, chưa phải là yêu cầu bắt buộc nên ảnh hưởng tới thái độ học tập, rèn luyện. Bên cạnh đó, tính pháp lý cho việc công nhận kết quả học tập trực tuyến chưa rõ ràng.

Nếu Thông tư được ban hành, chúng tôi tin rằng các vướng mắc của trường cơ bản sẽ được tháo gỡ trong thời gian tới khi áp dụng việc dạy và học trực tuyến” – TS Nguyễn Thị Thành chia sẻ.

Phân tích cụ thể hơn, TS Nguyễn Thị Thành cho rằng,  Thông tư sẽ tạo hành lang pháp lý cho việc công nhận kết quả học tập trực tuyến một cách rõ ràng. Nhà trường sẽ chủ động và linh hoạt hơn khi có các tình huống phát sinh cần phải triển khai dạy trực tuyến để hỗ trợ cho dạy học trực tiếp hay thay thế toàn bộ quá trình dạy học trực tiếp.

Thứ hai, Thông tư sẽ giúp thay đổi nhận thức cho cả giáo viên, học sinh và phụ huynh. Khi có nhận thức đúng đắn và thấy được sự cần thiết của vai trò dạy và học trực tuyến, học sinh sẽ thay đổi thái độ học tập, phụ huynh sẽ ủng hộ và đồng hành cùng nhà trường, giáo viên sẽ đổi mới phương pháp dạy học,  phương pháp tiếp cận sao cho việc dạy học có hiệu quả nhất.  

“Hình thức dạy học trực tuyến chính thức được công nhận sẽ mở rộng cơ hội tiếp cận kiến thức cần thiết cho cả học sinh và giáo viên, giúp cho giáo viên, học sinh hình thành, phát triển một số năng lực để phát triển trong thời kỳ công nghệ như năng lực tự học, năng lực sáng tạo, năng lực thích ứng” - Hiệu trưởng trường THPT Bình Minh nhận định.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ