Nỗ lực hiện đại hóa thơ của Á Nam Trần Tuấn Khải: Nhìn từ nghệ thuật sử dụng điển cố

GD&TĐ - Á Nam Trần Tuấn Khải cùng với Tản Đà Nguyễn Khắc Hiếu là hai tác giả lớn của văn học Việt Nam trong thập niên 20 của thế kỉ XX.

Một tiết mục ca trù do nghệ sĩ Thục An biểu diễn tại chương trình biểu diễn thơ, nhạc kịch của Á Nam Trần Tuấn Khải ở TPHCM. Ảnh minh họa (Nguồn IT)
Một tiết mục ca trù do nghệ sĩ Thục An biểu diễn tại chương trình biểu diễn thơ, nhạc kịch của Á Nam Trần Tuấn Khải ở TPHCM. Ảnh minh họa (Nguồn IT)

Cũng như tác giả Thề non nước, tác giả Hai chữ nước nhà được xem là “chiếc cầu nối giữa thế hệ các nhà thơ cũ đang tàn lụi và các nhà thơ mới đang bắt đầu khởi sắc” (Hồ Sĩ Hiệp, Lâm Quê Phong). Thơ Á Nam mặc dầu đang trên tiến trình hiện đại hóa nhưng vẫn chưa hoàn toàn thoát khỏi quán tính của thơ ca trung đại. Điển cố được dẫn dụng như một thủ pháp nghệ thuật đặc trưng của văn chương cổ điển trong thơ ông là một biểu hiện của điều này.

Trong thơ Á Nam, điển được dẫn khá linh hoạt, hiệu quả. Nhà thơ viện dẫn điển đúng lúc, đặt chúng đúng chỗ trong câu thơ, phát huy được giá trị của chúng trong việc gia tăng tính trang trọng, hàm súc, đa nghĩa, mở rộng trường liên tưởng, cảm xúc cho lời thơ. Ví như, đây là những câu thơ hay mà Á Nam dụng điển một cách uyển chuyển, tài tình: Trò đời như một cuộc cờ/ Nhớ ai lều cỏ đứng chờ Ngọa Long (Ta nhớ); Có ai thương cái thân đa bệnh/ Nhớ đến Bồng doanh lấy thuốc tiên (Bệnh trung tác).

Tuy nhiên, càng am hiểu về bản chất của điển cố, nhà thơ càng nhận ra những giới hạn của chúng trong bối cảnh mới khi nền khoa cử Nho học đã cáo chung, lối thơ cũ đang lụi tàn, đời sống ngôn ngữ cũng như tâm lí, thị hiếu tiếp nhận trong thời đại mới đã thay đổi. Điển cố được dùng theo lối kinh viện, khuôn sáo giờ đây lại thành trở lực đối với quá trình hiện đại hóa thơ. Ý thức rõ điều này, Á Nam đã nỗ lực đổi mới nghệ thuật dụng điển trên nhiều phương diện và đạt được những thành công quan trọng. Tất nhiên, ý thức đổi mới điển cố của ông là sự kế thừa, phát huy từ các tác giả văn học Nôm trước ông, những nhà thơ với tinh thần dân tộc đã sớm Việt hóa lớp điển cố Hán học bằng thực tiễn dụng điển chủ động, linh hoạt, hiệu quả trong các sáng tác của mình.

Hạn chế dùng điển ngoại lai, khước từ điển xa lạ

Biểu hiện đầu tiên và tiêu biểu cho ý thức đổi mới nghệ thuật dùng điển của Á Nam Trần Tuấn Khải là hạn chế dụng điển Hán học, khước từ dần những điển có nguồn gốc, nội hàm xa lạ, hóc hiểm. Là người am tường văn hóa cổ, Á Nam hiểu rõ những tiềm năng và hạn chế của điển, cũng như những giới hạn của điển trong bối cảnh mới. Cho nên, với những điển khó, mang trong mình những tích truyện, câu chữ xa lạ từ văn hóa, văn học Trung Hoa, ông gần như không dẫn lại trong sáng tác của mình. Nhờ đó, lời thơ tránh được những chỗ khó hiểu, khuôn sáo, cầu kì không cần thiết.

Cùng với ý thức khước từ điển khó, Á Nam còn hạn chế đến mức tối đa việc dẫn điển trong thơ, đồng thời thay điển bằng những hình thức diễn đạt mới phù hợp với yêu cầu mới của đời sống ngôn ngữ. Điều này thể hiện rõ nét ở các bài theo thể Đường luật, các bài theo lối vịnh sử, vịnh cảnh, cảm hoài của ông. Đây là những thể/ lối thơ tiêu biểu của thơ ca trung đại với một trong những bút pháp đặc trưng là dụng điển. Á Nam sáng tác khá nhiều tác phẩm theo thể/ lối thơ này. Nhưng ở tác phẩm ấy, điển gần như vắng bóng. Chẳng hạn, ở các bài vừa là thơ luật Đường vừa là thơ cảm hoài, đề vịnh tiêu biểu như Thuật hoài, Cảm hoài, Đề đền vua Hùng Vương, Vịnh cảnh Tây Hồ… điển không được dẫn dụng. Ngược lại, ở những chỗ có thể phát huy được sở trường của điển, Á Nam đã dùng chúng một cách chính xác, linh hoạt để đạt được tối đa hiệu quả diễn đạt cũng như giá trị thẩm mĩ. Sự linh hoạt, biến hóa trong nghệ thuật dụng điển của Á Nam thể hiện rõ ở việc chủ động đổi trường nghĩa, cấu trúc của điển để mang đến những hình thức, giá trị mới.

Thay đổi trường nghĩa của điển

Đây là một trong những nỗ lực rất đáng ghi nhận của Á Nam trong việc đổi mới nghệ thuật dụng điển. Mở rộng nghĩa, thu hẹp nghĩa và thay đổi nghĩa là ba phương thức chính.

Mở rộng nghĩa của điển. Tiêu biểu là điển thoa quần/ quần thoa. Điển này còn có một dạng khác là bố kinh, là hình thức rút gọn của thành ngữ kinh thoa bố quần, vốn được dùng để chỉ người vợ đức hạnh, chịu thương chịu khó. Á Nam sử dụng nhiều lần điển này nhiều lần với nghĩa mở rộng chỉ phụ nữ, nữ giới nói chung: Nhớ ai nhắn khách hồng quân/ Mượn tơ cho bọn thoa quần ta xe (Xuân nữ thán); Cũng mong cho ích nước lợi dân/ Treo tranh son phấn để khách thoa quần soi chung (Bạc giấy).

Thu hẹp nghĩa của điển. Tiêu biểu là các điển bể dâu, tang thương, tang hải, bãi bể nương dâu. Các điển này đều là dạng chuyển dịch của điển gốc Hán thương hải biến vi tang điền (biển xanh biến thành ruộng dâu). Trong văn học trung đại, các điển trên được dùng để chỉ những thay đổi lớn lao trong cuộc đời nói chung. Đến Á Nam, các điển này được dùng với nghĩa thu hẹp ám chỉ những biến động trong xã hội Việt Nam cuối thế kỉ XIX - đầu thế kỉ XX dưới sự tác động của thực dân Pháp xâm lược; ví như: Trách ai gây cuộc bể dâu/ Để cho non nước u sầu vì ai (Phong dao); Nghĩ trách hoàng thiên khéo dở dang/ Sinh ta chi giữa buổi tang thương (Trách hoàng thiên).

Thay đổi ý nghĩa của điển. Tiêu biểu là cách điển tang bồng, bồng tang, hồ thỉ. Trong văn chương trung đại, các điển này được dùng để nói thay chí nam nhi của người quân tử. Đó là tư tưởng “tu, tề, trị, bình”, là lí tưởng “nhập thế”, “lập thân” mà Nho giáo chủ trương, cụ thể là học hành, thi thố, làm quan, giúp đời. Nhưng với Á Nam, ông dùng điển này với một nội dung mới. Chí tang bồng hồ thỉ trong quan niệm của ông là trả món nợ non sông trong hoàn cảnh nước nhà bị ngoại xâm giày xéo. Thơ ông bao giờ cũng nặng tình non nước, đau đáu “hai chữ nước nhà”. Các điển hồ thỉ, tang bồng là nơi ông gửi niềm tâm sự sâu kín ấy: Nào biết ai là người hồ thỉ khách tang bồng/ Biết cùng ai xoay giở non sông cho qua khỏi hội này (Nỗi chị khuyên em); Anh Khóa ơi, trông non sông em lại ngán cơ đồ/ Bắc Nam anh xuôi ngược, biết bao giờ thỏa chí bồng tang? (Gửi thư cho anh Khóa).

Như vậy, thay đổi trường nghĩa và phạm vi hành chức của điển, Á Nam đã đem đến cho điển cố những giá trị nghĩa mới, đưa điển dần vượt ra khỏi những hằng số nghĩa cố định để phù hợp với nội dung biểu đạt mới. Đây cũng là một trong những nỗ lực từ hóa điển cố (khước từ dần tư cách điển, biến điển trở thành đơn vị ngôn ngữ như từ) để đưa điển trở về gần gũi với đời sống ngôn ngữ cũng như hơi thở văn chương đương thời của ông.

Thay đổi cấu trúc điển cố

Thay đổi cấu trúc điển cố là một trong những nỗ lực quan trọng trong đổi mới nghệ thuật dụng điển Á Nam theo hướng từ hóa, đại chúng hóa. Ông cố tình thay đổi những cấu trúc điển từ lâu đã trở thành quen thuộc, cố định, khuôn mẫu để mang đến cho điển cố những hình thức mới mẻ, đưa điển thoát khỏi lớp vỏ cũ mòn, khuôn sáo của ngàn năm trung đại để phù hợp với ngôn ngữ, văn chương thời hiện đại.

Phương thức đầu tiên của Á Nam là thêm yếu tố để biến điển cố từ một từ/ ngữ thành một cụm từ có cấu trúc lớn hơn mà ở đó, điển cố từ một đơn vị độc lập bị giáng xuống vị trí định ngữ, theo mô hình danh từ/ cụm danh từ + điển cụm danh từ. Chẳng hạn, với điển tri âm, nhà thơ thay đổi thành bạn tri âm, kẻ tri âm, khách tri âm, người tri âm; điển tang bồng cái nợ tang bồng, chí tang bồng; điển tang thương buổi tang thương, bức tang thương, nước cờ tang thương; điển thoa quần áng thoa quần, khách thoa quần, bọn thoa quần, đám thoa quần; điển Xích Bích câu Xích Bích, sông Xích Bích, bạn thuyền Xích Bích; điển Tầm Dương bến Tầm Dương, khách Tầm Dương, khúc hát Tầm Dương…

Phương thức thứ hai của Á Nam là thay đổi vị trí của các yếu tố hoặc chêm xen vào giữa cấu trúc điển những yếu tố mới. Chẳng hạn, điển thệ hải minh sơn nhà thơ thay đổi thành khách sơn minh người hải thệ; điển hồ thỉ tang bồng người hồ thỉ khách tang bồng; điển sông Ngô bể Sở bể Sở với sông Ngô…

Với việc thay đổi cấu trúc của điển, Á Nam không chỉ đem lại những hình thức mới cho điển mà còn thể hiện rõ ý thức diễn giải điển, Việt hóa các điển ngoại lai có nguồn gốc Trung Hoa, đưa điển trở về gần với ngữ pháp tiếng Việt, gần với lời ăn tiếng nói hằng ngày. Nhờ đó, trong nhiều ngữ cảnh, độc giả không cần quan tâm đến nguồn gốc của điển vẫn hiểu được chúng. Thậm chí ở nhiều trường hợp, người ta gần như không nhận ra sự có mặt của điển trong câu thơ. Trong thơ Á Nam Trần Tuấn Khải, điển ngoại lai được Việt hóa khá triệt để. Xu hướng “diễn Nôm”, “từ hóa” được nhà thơ sử dụng thường xuyên để xóa mờ dần tư cách điển cố cũng như tính chất cổ kính, xa lạ, cứng nhắc của chúng. Đây là một trong những minh chứng rõ nhất cho ý thức thay đổi nghệ thuật dùng điển, góp phần hiện đổi mới thơ, đưa thơ chuyển dần sang phạm trù hiện đại của ông.

Tác giả và tác phẩm. Ảnh minh họa (Nguồn IT)
Tác giả và tác phẩm. Ảnh minh họa (Nguồn IT)

Tìm về với điển nội sinh

Song song với việc hạn chế sử dụng điển ngoại lai, tìm về với điển cố nội sinh cũng là một nỗ lực đáng ghi nhận trong việc đổi mới nghệ thuật dùng điển của Á Nam Trần Tuấn Khải.

Điển cố nội sinh là điển có nguồn gốc nội sinh từ lịch sử, văn hóa, văn chương dân tộc, ra đời cùng với khuynh hướng quay về với các giá trị nội sinh của văn học trung đại trên diễn trình thoát li khỏi từ trường của văn hóa, văn chương Hán học. Kế thừa các tác giả lớn của nền văn học Nôm, Á Nam cũng tìm về với các điển có nguồn gốc dân tộc và sử dụng chúng một cách linh hoạt, thuần thục để đem đến những giá trị thẩm mĩ mới lạ, độc đáo. Trong đó, điển có nguồn gốc Truyện Kiều, kiệt tác của văn học dân tộc, được ông dẫn dụng nhiều nhất.

Trong thơ Á Nam, điển có nguồn gốc Truyện Kiều có biểu hiện rất đa dạng. Một số điển là câu thơ Truyện Kiều được dẫn lại nguyên vẹn. Tuy nhiên, phần lớn điển mà Á Nam viện dẫn đã được nhào nặn lại để có những hình thức mới. Có lúc tác giả thêm, bớt hoặc thay chữ cho câu thơ Truyện Kiều. Có khi ông chỉ mượn ý, cấu trúc của câu thơ Nguyễn Du. Chẳng hạn, điển Đau đớn thay số phận đàn bà là từ câu thơ Đau đớn thay phận đàn bà của Kiều; sen tàn cúc đã phô hương mới sen tàn cúc lại nở hoa; trông lên ngọn cỏ ngàn cây trông ra ngọn cỏ lá cây; ngổn ngang trăm mối tơ mành ngổn ngang trăm mối bên lòng; tấm thân trong ngọc trắng ngà rõ ràng trong ngọc trắng ngà; tài tình chi lắm để mang nợ đời tài tình chi lắm cho trời đất ghen; vô duyên buộc mãi con người tài hoa khăng khăng buộc mãi lấy người hồng nhan…

Bên cạnh Truyện Kiều, Á Nam còn sử dụng điển có nguồn gốc từ một số tác phẩm văn học viết khác. Chẳng hạn, trong bài Đêm không ngủ, ông dùng một điển thơ ca nguyên dạng xuất phát từ tác phẩm Cung oán ngâm khúc, trong câu: Cái đêm hôm ấy đêm gì / Một mình lạnh lẽo, bốn bề quạnh hiu.

Cùng với điển nội sinh có nguồn gốc văn học viết, Á Nam còn sử dụng nhiều điển nội sinh bắt nguồn từ lịch sử, văn hóa, văn học dân gian. Chẳng hạn, ở bài Kỷ niệm đức Hưng Đạo Đại Vương, ông dùng hai điển địa danh liên quan đến lịch sử nước nhà: Sông Đằng tưởng tượng quân Nguyên chạy/ Đất Kiếp mơ màng tiếng kiếm reo. Hoặc trong một bài phong dao, ông dẫn lại điển nàng Tô xuất phát từ truyền thuyết dân gian: Rủ nhau lên núi Kì Lừa/ Hỏi nàng Tô đã chung tình với ai. Đặc biệt, cùng với sáng tác phong dao, ông còn sử dụng nhiều điển có nguồn gốc ca dao. Đó là những điển mượn ý, mượn chữ hoặc mượn cấu trúc của những bài ca dao nổi tiếng.    Với việc tăng cường điển nội sinh vào trong các sáng tác, Á Nam không chỉ kế thừa các nhà thơ đi trước trong việc tìm về, đề cao các giá trị nội sinh của văn hóa dân tộc mà còn mang đến cho điển những giá trị mới lạ, độc đáo; đồng thời góp phần đưa thơ thoát khỏi những ảnh hưởng của điển cố ngoại lai, đưa thơ thoát dần thói quen dùng điển của văn học trung đại, chuẩn bị điều kiện để hòa nhập vào quá trình hiện đại hóa thơ.

*  *  *

Nỗ lực đổi mới nghệ thuật điển cố đã đem lại cho thơ Á Nam Trần Tuấn Khải nói chung, ngôn ngữ thơ ông nói riêng những thành tựu nhất định.

Với việc khước từ điển lạ, khó, hạn chế tối đa điển ngoại lai, thơ Á Nam dần thoát khỏi lối thơ nặng về hình thức, sáo mòn, công thức. Bút pháp ước lệ, tượng trưng, quy phạm của thơ trung đại cũng mờ nhạt dần trong các sáng tác của ông. Nhờ đó, thơ Á Nam trở nên mềm mại, tự nhiên, gần gũi với ngôn ngữ đời sống. Điển nội sinh được viện dẫn một cách linh hoạt, hợp lí, phát huy được các giá trị đặc trưng, góp phần đưa thơ đến gần với tâm thức dân tộc. Tìm về với điển nội sinh, Á Nam vừa đi đúng con đường của các tác giả thơ Nôm trước ông, vừa thể hiện tính dân tộc đậm đà trong các tác phẩm, làm một trong những tiền đề quan trọng đưa thơ bước vào quỹ đạo hiện đại hóa.

Với những trường hợp bắt buộc phải dùng điển cố, Á Nam không bằng lòng với những điển đã trở thành công thức cứng nhắc, sáo mòn. Ông thay đổi trường nghĩa cũng như cấu trúc của để mang đến cho chúng một nội hàm mới cũng như những hình thức biểu hiện mới. Xu hướng chung của Á Nam là diễn giải, từ hóa, giáng cấp điển để làm mờ đi tư cách điển cố của chúng. Điều này giúp cho điển được dẫn trong thơ ông không còn xa lạ, hiểm hóc, đồng thời giảm đáng kể tính chất công thức, khuôn mẫu, kinh viện. Nhờ đó, thơ Á Nam trở nên gần gũi với lời ăn tiếng nói hằng ngày hơn, đồng thời bắt kịp với sự vận động, phát triển mạnh mẽ của tiếng Việt ở đầu thế kỉ XX.

Những đổi mới nghệ thuật dụng điển quan trọng ấy đã góp phần thúc đẩy nhanh quá trình hiện đại hóa thơ Á Nam Trần Tuấn Khải nói riêng, thơ Việt Nam đầu thể kỉ XX nói chung.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ