Tuy nhiên, trong quá trình hội nhập với các quốc gia trên thế giới thì sự nỗ lực quảng bá văn học Việt Nam ra nước ngoài thực sự vẫn chưa xứng tầm với những gì mà nền văn học của chúng ta phát triển trong suốt chiều dài lịch sử.
Dịch giả Hoàng Thúy Toàn, Giám đốc Quỹ hỗ trợ quảng bá văn học Việt Nam - Nga cho biết: Nếu so sánh từ lần đầu tiên tổ chức hội nghị quảng bá văn học vào năm 2002 cho đến lần thứ 3 năm 2015 thì sự quan tâm của các nhà thơ, nhà văn nước ngoài đến Việt Nam nhiều hơn. Một phần điều đó thể hiện ở sự tham gia đông đảo với 151 đại biểu tới tham dự hội nghị quảng bá văn học Việt Nam và cũng thể hiện ở những ấn bản sách văn học Việt Nam được giới thiệu tại nước ngoài trong thời gian gần đây.
Nhìn lại cả một chặng đường tiếp cận văn học Việt Nam ra nước ngoài có thể thấy con đường tiếp cận chính thống vẫn còn nhiều hạn chế. Ngoại trừ tập thơ Nhật ký trong tù của Hồ Chủ Tịch được bạn bè thế giới biết đến nhờ giá trị nghệ thuật và đặc biệt là tầm vóc lớn lao của vị lãnh tụ muôn vàn kính yêu, hay kiệt tác Truyện Kiều bất hủ của Đại thi hào Nguyễn Du, còn lại các tác phẩm văn học của Việt Nam vẫn rất hạn chế trong việc tiếp cận với thế giới.
Chủ yếu các tác phẩm đến với độc giả nước ngoài lại xuất phát từ những kênh cá nhân riêng. Được biết, Trung tâm Quảng bá văn học của dịch giả Hoàng Thúy Toàn từ khi thành lập mới xuất bản được cuốn Hồn bướm mơ tiên (Khái Hưng) sang tiếng Nga, sau đó là tập truyện ngắn Việt Nam, một tập thơ đương đại, được hỗ trợ bởi quỹ xuất bản sách của Nga tài trợ. Còn lại các dịch giả chuyển tải một số tác phẩm sang tiếng Nga lại thông qua sự hỗ trợ của các Việt kiều. Tuy nhiên, hình thức này mang tính chất cá nhân cho nên sự cộng hưởng vẫn còn hạn chế.
Cuốn Nhật kí Đặng Thùy Trâm và Truyện Kiều được dịch sang tiếng Nga là nhờ dịch giả Nguyễn Huy Hoàng. Với tình yêu hướng về Tổ quốc, dịch giả Trương Hồng Quang hiện đang sống và làm việc tại Đức đã khôi phục bản dịch Truyện Kiều của tác giả Frand Faber sang tiếng Đức.
Ông còn cùng với nhóm dịch giả tổ chức những buổi đọc, thảo luận về Truyện Kiều như một cách để lan tỏa cái hay, cái đẹp của ngôn ngữ Truyện Kiều đối với nhiều người. Và dịch giả Lâm Quang Mỹ tại Ba Lan thì khẳng định: ông dịch Tuyển tập thơ Việt Nam thế kỉ 11 -18, Tuyển tập Thơ Mới Việt Nam sang tiếng Ba Lan hoàn toàn là bởi lòng tự ái dân tộc, bởi lực lượng chuyển tải văn học Việt Nam ra nước ngoài còn vắng bóng, đặc biệt là thơ.
Đó là tín hiệu vui khi mấy năm trở lại đây nhà thơ Mai Văn Phấn (Hải Phòng) đã có tập thơ Bầu trời không mái che được dịch và tái bản sang tiếng Anh bằng con đường kí hợp đồng trực tiếp với tác giả, phát hành ở hai dạng bản giấy và bản điện tử.
Rõ ràng việc quảng bá văn học không thể là trách nhiệm của một vài cá nhân mà đó là chiến lược bài bản của một quốc gia, trong đó công tác dịch thuật chiếm vai trò quan trọng. Vì vậy, cần có một chương trình quốc gia, có sự tham gia của Hội Nhà văn Việt Nam và Bộ Văn hóa, với kế hoạch cụ thể, có nghiệm thu, có kết quả. Bởi đây không chỉ là tài sản của cá nhân, văn chương còn là tài sản của một đất nước một dân tộc.