Tại sự hội thảo, GS Hoàng Chương – Tổng giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Bảo tồn và Phát huy văn hóa dân tộc đã khái quát lại những đóng góp trong nền văn học nghệ thuật nước nhà và tinh thần yêu nước, tấm gương bất khuất của cụ Á Nam Trần Tuấn Khải.
Gần 30 tham luận được gửi đến hội thảo đã khẳng định những thành tựu và đóng góp lớn lao trong cuộc đời và sự nghiệp của nhà thơ, nhà văn hóa Á Nam Trần Tuấn Khải.
Các tham luận đều đánh giá, Á Nam Trần Tuấn Khải là một ngôi sao sáng trên bầu trời thơ ca ở nửa đầu thế kỷ XX. Cùng với Tản Đà Nguyễn Khắc Hiếu, ông được xem là người có công hiện đại hóa văn học Việt Nam, gắn kết tính hiện đại với tính dân tộc. Các tác phẩm của ông đều thấm đẫm và tha thiết tinh thần yêu nước, lòng yêu văn hóa dân tộc.
Trần Tuấn Khải (1895-1983), là một cây bút đa tài, bút danh thường dùng Á Nam, sinh tại làng Quan Xáng, xã Mỹ Hà, huyện Mỹ Lộc, tỉnh Nam Định, trong một gia đình truyền thống Nho học yêu nước. Nhờ sự định hướng của cha mẹ, Á Nam Trần Tuấn Khải đã sớm tích lũy vốn văn hóa, văn học dân gian và trung đại dày dặn.
Chưa đến 20 tuổi, Á Nam Trần Tuấn Khải đã nổi tiếng với các bài thơ: “Tiễn chân anh khóa xuống tàu”, “Cô bán nước”, “Gánh nước đêm”… Tập thơ đầu tay “Duyên nợ phù sinh I” (1920) lập tức đưa đến danh tiếng cho nhà thơ.
Giai đoạn từ năm 1921 đến 1930, với hàng chục cuốn sách ăn khách như “Duyên nợ phù sinh”, “Bút quan hoài”, “Hồn tư lập”, cùng nhiều bộ sách dịch như Đông chu liệt quốc, Thủy hử, Liêu trai chí dị, Mạnh Tử, Tam tự kinh tập đọc,, Hồng Lâu mộng, Hồng Tú Toàn… Á Nam Trần Tuấn Khải là một trong những tên tuổi nổi bât gây ảnh hưởng lớn trên văn đàn Việt Nam.
Giai đoạn sau đó, dù bị chính quyền thực dân kiểm duyệt găt gao và theo dõi, cấm đoán nhưng ông vẫn phát hành tập thơ “Với sơn hà 1” thể hiện khí phách yêu nước và những bộ tiểu thuyết lịch sử, võ hiệp và những cuốn sách khác.
Sau khi sách vở, nhà của bị đốt phá, ông Á Nam Trần Tuấn Khải đưa gia đình về lại Hà Nội và dạy học ở các trường Trưng Vương, Chu Văn An, Nguyễn Trãi…
Trong thời gian khoảng 9 năm từ năm 1955 đến 1963, trên tờ Văn hóa Nguyệt san ông đã có hơn 50 bài báo khảo cứu, dịch thuật, kịch bản sân khấu và thơ văn…
Ông chuyên tâm làm thơ, làm báo, nghiên cứu văn hóa, dịch thuật… cho đến khi qua đời năm 1983.
Hội thảo khẳng định tầm vóc một danh nhân văn hóa dân tộc của Á Nam Trần Tuấn Khải, làm cơ sở đề nghị Đảng và Nhà nước tôn vinh xứng đáng đối với nhà nghệ sĩ, chí sĩ Á Nam Trần Tuấn Khải.