Hippocrates với lời thề y đạo

GD&TĐ - Xưa nay, trên toàn cầu, trong lễ tốt nghiệp Đại học Y khoa, mỗi nam nữ sinh viên trước khi trở thành bác sĩ đều nghiêm cẩn đọc lời thề Hippocrates. 

Ấy là vị thầy thuốc vĩ đại nhất lịch sử Hy Lạp cổ đại, được cả thế giới tôn vinh là cha đẻ của y học nhân loại. Ông có tên bằng tiếng Hy Lạp, phiên âm Hippokrátē, ghi theo tiếng Latinh và tiếng Anh thì Hippocrates, tiếng Pháp thì Hippocrate.

Phương danh ông được tiếng Hoa phiên âm thành 希波克拉底, bính âm phát Xībōkèlādi, âm Hán - Việt phát Hi Ba Khắc Lạp Để.

Thân thế & sự nghiệp đệ nhất danh y Hippocrates chào đời năm 460 tại đảo Kos, từ trần năm 370 tại Larissa. Đôi niên điểm nọ trước Công nguyên, còn 2 địa điểm đều thuộc Hy Lạp. Thông tin về thân thế cùng sự nghiệp của Hippocrates do Soranus, sống và hành nghề bác sĩ phụ khoa vào thế kỷ I và II trong Công nguyên tại Hy Lạp và La Mã, ghi chép đầu tiên và chủ yếu. Theo đó, Hippocrates có cha là thầy thuốc Heraclides và mẹ tên Praxitela. Hippocrates học nghề y dược từ cha và ông nội, học những môn khác từ nhiều bậc thầy ở Hy Lạp thuở nọ.

Với y nghiệp, dẫu kế thừa những thầy thuốc tiền bối, song Hippocrates vẫn được nội bộ y giới cùng dư luận rộng rãi tôn vinh là đệ nhất danh y toàn cầu bởi ông có quá nhiều đóng góp xuất chúng mang tính nền tảng. Về lương tâm thầy thuốc, Hippocrates được xem tác giả lời thề khẳng định đạo đức y khoa mà bài này sẽ đề cập. Về giáo dục chuyên ngành, trên đảo Kos, ông sáng lập trường Y mang tên ông, được tiếng Anh ghi Hippocratic School of Medecine. Về y thư, ông biên soạn loạt tác phẩm tạo thành học thuyết Hippocrates / Hippocratic theory.

Từ thế kỷ thứ V trước Công nguyên, Hippocrates thông minh, giỏi, tốt, cực kỳ gan dạ, nên tuyên bố rất dễ gây sốc đối với lực lượng thống trị nặng nề duy linh. Ông cho rằng cơ thể người phải được nhìn nhận tổng thể thống nhất, chứ không phải là tập hợp từng bộ phận rời rạc. Nghiên cứu bất kỳ bệnh gì, cần miêu tả khách quan và chính xác, mà ông là thầy thuốc đầu tiên đã thực hiện nêu gương bằng cách ghi chép các triệu chứng của viêm phổi và động kinh ở trẻ con. Ông khẳng định rằng bệnh nào cũng đều có biện pháp phòng và chữa hiệu quả, thông qua hệ thống liệu pháp thích hợp, có nghỉ ngơi và ăn uống hợp lý, sinh hoạt vệ sinh trong môi trường trong lành. Sống động thú vị mà thực tế biết bao, qua khảo sát lâm sàng, ông kết luận rằng dẫu cùng bệnh, mỗi cơ địa khác nhau biểu hiện khác nhau, đặc biệt là có những cá thể đề kháng bệnh hơn hẳn nhiều trường hợp bình thường, thậm chí có người không lây nhiễm bệnh. Ông là nhà y học đầu tiên quan niệm rằng tư tưởng, suy nghĩ, tình cảm mỗi người đều xuất phát từ óc não, chứ không phải từ tim như dư luận đương thời nhầm tưởng. Ông nhấn mạnh: Thực hành y khoa phải dựa trên cơ sở các quan sát và nghiên cứu cơ thể con người, cũng như tin tưởng rằng bệnh tật là do loạt nguyên nhân có thể tìm hiểu được, chứ chẳng do sức mạnh siêu nhiên hoặc do người bệnh đã dám có ý nghĩ tội lỗi hay xúc phạm thánh thần.

Nhiều khả năng Hippocrates từng tiếp cận nền y học cổ truyền Đông phương, chủ yếu của Trung Hoa, Ấn Độ, Ả Rập. Toàn bộ công trình nghiên cứu cùng hệ thống bài giảng y học của ông được tập hợp thành 60 quyển đề cập nhiều lĩnh vực gồm chẩn đoán, dịch tễ, dinh dưỡng, sản khoa, nhi khoa, phẫu thuật, v.v., nhan đề chung bằng tiếng Latinh “Corpus hippocratium”, mang nghĩa “Sao lục của Hippocrates”.

Tượng đồng đệ nhất danh y Hippocrates được dựng ngày 15/9/2018 trong sân Trường Đại học Y Dược TPHCM. Ảnh: UMC
Tượng đồng đệ nhất danh y Hippocrates được dựng ngày 15/9/2018 trong sân Trường Đại học Y Dược TPHCM. Ảnh: UMC

Cũng theo Soranus, Hippocrates có 2 con trai Thessalus và Draco, thêm Polybus là con nuôi. Ông có nhiều môn đồ, mà y sinh kế thừa nghiệp vụ xuất sắc nhất là Polybus.

Nguyên tác lời thề Hippocrates

Lời thề Hippocrates qua vài thứ tiếng:

* Anh: Hippocratic Oath

* Pháp: Le serment d"Hippocrate

* Tây Ban Nha: Juramento hipocrático

* Bồ Đào Nha: Juramento de Hipócrates

* Nga: 

Tồn tại lắm thuyết về nguồn gốc lời thề này, tuy nhiên đông đảo y giới tin rằng do đích thân Hippocrates soạn bằng tiếng Hy Lạp. Nguyên tác lời thề đã có những bản Việt dịch, xin dẫn bản do Nguyên Lương chuyển ngữ.

“Trước thần chữa bệnh Apollon, thần y học Æsculapius, nữ thần sức khỏe và vệ sinh Hygieia, nữ thần thuốc men Panacea, cùng tất cả nam nữ thiên thần chứng giám, tôi xin cam kết đem hết năng lực thực hiện trọn vẹn lời  thề sau:

+ Tôi kính trọng thầy như song thân tôi. Với quý vị đó, tôi sẵn lòng chia sẻ của cải khi cần. Với các con của thầy, tôi xem như anh em ruột, nếu họ muốn học nghề y thì tôi truyền thụ mà không lấy tiền công cũng không giấu nghề.

+ Tôi kê toa vì lợi ích của người bệnh, tùy khả năng và sự phán đoán của tôi, mà không làm hại ai.

+ Suốt đời hành nghề y đầy vô tư và thân thiết, tôi không trao thuốc độc cho bất kỳ ai, kể cả khi họ yêu cầu; tôi cũng không trao thuốc gây sẩy thai cho bất cứ phụ nữ nào.

+ Tôi không giải phẫu lấy sạn sỏi, mà dành việc đó cho những người chuyên nghiệp.

+ Tôi tránh mọi hành vi xấu xa, cố ý và đồi bại nhất là lợi dụng phụ nữ và thiếu niên tự do hay nô lệ để hưởng khoái cảm tình dục.

+ Mọi điều tôi biết trong nghề y và trong giao tiếp thì tôi giữ bí mật, không được tiết lộ.

Nếu tôi thực hiện trọn vẹn lời thề này, tôi sẽ được sống sung sướng và được hành nghề trong sự quý trọng mãi mãi của mọi người. Nếu tôi vi phạm lời thề này, tức tôi tự phản bội, tất số phận ngược lại sẽ đến với tôi.”

Tùy thời cuộc và cộng đồng người, lâu nay, lời thề Hippocrates bị bỏ hoặc có những thay đổi nhất định, phản ánh trình độ văn hóa, nhất là thể hiện đạo đức y khoa trong từng hoàn cảnh lịch sử - xã hội cụ thể.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ