Cảm thụ văn học - Bài thơ 'Đồng chí' của Chính Hữu:

Những người lính nông dân trong chiến dịch Điện Biên Phủ

GD&TĐ - “Đồng chí” – bài thơ ra đời khi Chính Hữu vừa tròn 22 tuổi.

Ảnh minh họa: Theo Báo điện tử Quốc phòng Thủ đô.
Ảnh minh họa: Theo Báo điện tử Quốc phòng Thủ đô.

Với tình yêu Tổ quốc, ý chí quyết chiến và quyết thắng, với tình đồng chí cao đẹp, Chính Hữu và đồng đội của mình đã có mặt trong điểm hẹn cuối cùng Điện Biên Phủ, nơi khép lại cuộc kháng chiến chống Pháp trường kỳ của dân tộc.

Thi phẩm thực sự là sự chín đỏ về cảm xúc, là sự kết hợp hài hòa giữa khuynh hướng hiện thực và lãng mạn để trở thành biểu tượng về con người Việt Nam giản dị, mộc mạc mà hào hoa đến vô cùng.

Trong bài thơ “Ba mươi năm đời ta có Đảng” nhà thơ Tố Hữu đã xúc động ngân vang:

Chín năm làm một Điện Biên

Nên vành hoa đỏ, nên thiên sử vàng!

Ôi Tổ quốc, vinh quang Tổ quốc!

Ngàn muôn năm dân tộc ta ơi!

Trong âm vang của ngày hội non sông, 70 năm chiến thắng Điện Biên Phủ “lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu”, mỗi chúng ta lại càng khâm phục trước sức mạnh, khí thế của toàn dân tộc. Lịch sử đặt câu hỏi tại sao một Việt Nam nhỏ bé, đang phải đối diện với cái đói, cái nghèo lại có thể chiến thắng trước một kẻ thù hùng mạnh thì mỗi thế hệ người Việt đều có thể tự hào khẳng định rằng sức mạnh Việt Nam được hình thành từ khí phách, tâm hồn của mỗi con người. Dù họ là ai, làm công việc gì nhưng đều “Ôi Tổ quốc, nếu cần, ta chết/ Cho mỗi ngôi nhà, ngọn núi, con sông” (Sao chiến thắng – Chế Lan Viên).

Và trong bước đi, dáng đứng, trong triệu tâm hồn Việt ấy ta không thể không nhắc đến những người anh hùng áo vải, chân đất – những người lính nông dân. Hình ảnh ấy được nhà thơ Chính Hữu khắc tạc qua bức tượng đài bất hủ “Đồng chí” - một trong những thi phẩm đặt dấu ấn sâu sắc về anh bộ đội cụ Hồ, người góp phần quan trọng tạo nên hào khí Điện Biên.

Trong “Nhà văn nói về tác phẩm”, NXB Văn học, Hà Nội, 1994, Chính Hữu từng tâm sự: “Vào cuối năm 1947, tôi tham gia chiến dịch Việt Bắc. Địch nhảy dù ở Việt Bắc và hành quân từ Bắc Kạn đến Thái Nguyên. Chúng tôi phục kích từng chặng đánh, truy kích binh đoàn Beaufré. Khi đó tôi là chính trị viên đại đội. Phải nói là chiến dịch vô cùng gian khổ.

Bản thân tôi cũng chỉ phong phanh trên người một bộ áo cánh, đầu không mũ, chân không giày. Đêm ngủ nhiều khi phải rải lá khô để nằm, không có chăn màn, ăn uống rất kham khổ vì đang trên đường hành quân truy kích địch. Tôi cũng phải có trách nhiệm chăm sóc anh em thương binh và chôn cất một số tử sĩ. Sau trận đó, tôi ốm, phải nằm lại điều trị; đơn vị cử một đồng chí ở lại săn sóc tôi. Trong khi ốm, nằm ở nhà sàn heo hút, tôi làm bài thơ “Đồng chí”...

Bài “Đồng chí” là lời tâm sự viết ra để tặng đồng đội, tặng người bạn nông dân của mình. Bài thơ viết có đối tượng. Tôi hiểu và quý mến người đồng đội của tôi nên tiếng nói thơ ca giản dị và chân thật”. Cuộc gặp gỡ giữa thơ ca và tâm hồn người lính giản đơn là thế nên ngôn ngữ thơ ca trong thơ Chính Hữu luôn mộc mạc, cô đọng. Tuy nhiên, mộc mạc dễ hiểu nhưng lại tinh lọc, cô đúc từng chi tiết, từng hình ảnh, ẩn chứa một tâm hồn thơ thiết tha da diết với cuộc đời.

Ngày 7/5/1954, toàn bộ tập đoàn cứ điểm của địch ở Điện Biên Phủ đã bị quân ta tiêu diệt. Ảnh: TTXVN

Ngày 7/5/1954, toàn bộ tập đoàn cứ điểm của địch ở Điện Biên Phủ đã bị quân ta tiêu diệt. Ảnh: TTXVN

1.

Trước hết, mở đầu bài thơ, Chính Hữu đã lý giải, khám phá cơ sở hình thành tình đồng chí bền chặt, thiêng liêng của những người lính nông dân áo vải, chân đất - cội nguồn của mọi sức mạnh lớn lao.

Quê hương anh nước mặn đồng chua

Làng tôi nghèo đất cày lên sỏi đá

Anh với tôi đôi người xa lạ

Với hình ảnh thơ sóng đôi, “quê hương anh”, “làng tôi”, ngôn ngữ mang âm hưởng của văn học dân gian nước mặn đồng chua, đất cày lên sỏi đá, chất keo kết dính tình đồng chí dần hình thành. Họ chung hoàn cảnh xuất thân, đó là những người nông dân mặc áo lính. Nếu anh ra đi từ miền biển, đất mặn nhiễm phèn thiếu đói quanh năm, chỉ có tình người là gừng cay muối mặn thì tôi bước chân đi ra từ mảnh đất trung du miền núi khốn khó mấp mô sỏi đá, luống cày.

Đến từ những miền quê khác nhau, kẻ rừng người biển, họ cùng tập hợp dưới ngọn cờ chính nghĩa của cách mạng. Và từ xa lạ bỗng trở thành quen nhau, gắn bó thân thiết. Có lẽ, không có tiếng nói nào lại đồng điệu hơn tiếng nói của những người cùng giai cấp. Nhà thơ Hồng Nguyên trong một bài thơ cũng từng viết:

Lũ chúng tôi

Bọn người tứ xứ

Quen nhau hồi chưa biết chữ

Biết nhau từ buổi một hai.

(Nhớ)

Từ chung giai cấp, chung xuất thân những điểm gặp gỡ, tương đồng lại dần xuất hiện:

Súng bên súng, đầu sát bên đầu

Câu thơ hàm súc đến độ không có một chữ dư thừa. Nhịp thơ đăng đối, hài hòa và một lần nữa hình ảnh thơ sóng đôi lại xuất hiện súng - súng, đầu - đầu. Nếu như cây súng là biểu tượng của chiến tranh, của nhiệm vụ bất khả kháng Dù rằng đời ta thích hoa hồng, kẻ thù buộc ta ôm cây súng thì hình ảnh đầu bên đầu lại là biểu tượng của lý tưởng cao đẹp Quyết tử cho Tổ quốc quyết sinh. Như vậy, thêm những mối tương giao để những người lính ngày càng thân thiết, gắn chặt với nhau trong tình đồng đội. Cũng để từ đó:

Đêm rét chung chăn thành đôi tri kỷ

Ra chiến trường, mỗi người lính đều phải đối mặt với muôn vàn khó khăn, thiếu thốn tột cùng. Trong những đêm đông giá rét, người lính phải đắp chung chăn trong nỗi khó khăn chồng chất. Chăn đắp lại rồi bao tâm tư mở ra. Bao nhiêu niềm vui nỗi buồn, bao nhiêu trăn trở, bao nhiêu kí ức đầy vơi cứ thế sẻ chia với đồng đội và họ thành tri kỷ của nhau. Từ xa lạ thành quen nhau và giờ đây là tri kỷ. Tưởng không có tình cảm nào thiêng liêng, đẹp đẽ hơn thế, nhưng không, nhà thơ bất chợt reo lên:

Đồng chí!

Trong tiếng reo vui là sự phát hiện ngỡ ngàng về tình cảm thiêng liêng, cao đẹp kết tinh từ nhiều tình cảm cao đẹp khác: Tình giai cấp, lòng yêu Tổ quốc nồng nàn, lí tưởng của thời đại, tình người trong khó khăn và cả tình tri kỉ. Ở giữa chiến trường khốc liệt, sự sống và cái chết mong manh tựa hơi thở, người này là tất cả của người kia: Là gia đình, là quê hương, là anh em, là đồng chí, đồng đội. Họ đã chia sẻ với nhau tất cả những gì họ có như trong một bài thơ khác nhà thơ đã viết:

Đồng đội ta là hớp nước uống chung

Nắm cơm bẻ nửa

Là chia nhau một trưa nắng, một chiều mưa

Chia khắp anh em một mẩu tin nhà

Chia nhau đứng trong chiến hào chật hẹp

Chia nhau cuộc đời, chia nhau cái chết.

(Giá từng thước đất)

Máy bay của quân Pháp bị bắn hạ ở chiến trường Điện Biên Phủ năm 1954. Ảnh tư liệu: Báo Quân đội Nhân dân.

Máy bay của quân Pháp bị bắn hạ ở chiến trường Điện Biên Phủ năm 1954. Ảnh tư liệu: Báo Quân đội Nhân dân.

2.

Đồng chí như một bản lề khép mở, khép lại cơ sở hình thành tình đồng chí và mở ra vô vàn biểu hiện của tình cảm thiêng liêng, cao đẹp này.

Ruộng nương anh gửi bạn thân cày

Gian nhà không mặc kệ gió lung lay

Giềng nước gốc đa nhớ người ra lính.

Ra chiến trường, những người lính đã sẻ chia với nhau mọi tâm tư, mọi nỗi niềm thầm kín nhất. Ruộng nương – tài sản lớn nhất của người nông dân nay sẵn sàng gửi bạn thân cày. Tâm tư người lính tưởng vững như núi như thế mà hình ảnh ngôi nhà nhỏ gieo neo, bốn cột lung lay trước gió hiện lên quá rõ nét. Gian nhà không ấy giờ chỉ còn mẹ già em dại. Từ mặc kệ thô ráp hiện thực, đậm chất khẩu ngữ, hiếm thấy trong thơ.

Chính Hữu thể hiện chất tráng sĩ trượng phu như trong thơ Nguyễn Đình Thi qua Đất nước hay Thâm Tâm với Tống biệt hành. Tuy nhiên đằng sau cái mặc kệ là nỗi niềm trăn trở của người tạm gác lại việc riêng ra đi vì nghĩa lớn. Giếng nước gốc đa - một hình ảnh thân thuộc của không gian làng quê đi ra từ ca dao, cổ tích đến với miền nhớ của người chiến sĩ nơi tiền tuyến. Giếng nước gốc đa là tình mẹ nghĩa cha, là tình làng nghĩa xóm, là nơi có bóng hình ai đang chờ đợi.

Đoạn thơ chỉ có anh, không có tôi nhưng tôi tìm thấy mình trong hoàn cảnh của anh và đó là một sự thấu hiểu, sẻ chia chỉ có ở những người lính. Họ cùng trải qua những khó khăn thiếu thốn tột cùng, bệnh tật sốt run người và cả cái chết bằng tinh thần lạc quan cách mạng phơi phới một niềm tin. Những cơn sốt run người chính là trải nghiệm của chính nhân vật trữ tình - nhà thơ Chính Hữu.

Sau này, mỗi lần hồi tưởng, nhà thơ lại bồi hồi xúc động: “Trong bài thơ Đồng chí, tôi muốn nhấn mạnh đến tình đồng đội. Suốt cả cuộc chiến đấu chỉ có một chỗ dựa dường như là duy nhất để tồn tại, để chiến đấu là tình đồng chí, tình đồng đội. Đồng chí ở đây là tình đồng đội, không có đồng đội tôi không thể nào làm tròn được trách nhiệm, không có đồng đội tôi cũng đã chết lâu rồi”.

Những câu thơ tự do đột ngột ngắn lại, chẳng thể nào thêm bớt:

Áo anh rách vai

Quần tôi có vài mảnh vá

…Chân không giày

Một lối ngôn ngữ nghệ thuật không hề cầu kỳ tô vẽ, những hình ảnh thơ là từng mảng hiện thực đã tái hiện vô cùng rõ nét những khó khăn thiếu thốn, bề bộn của anh bộ đội ngoài chiến trường. Cứ như thế nhưng họ đã chống lại cả mùa Đông băng giá ở chiến trường Việt Bắc. Ta như thấy bóng dáng họ thấp thoáng trong những đoàn quân:

Chiến sĩ anh hùng

Năm mươi sáu ngày đêm, khoét núi, ngủ hầm, mưa dầm, cơm vắt,

Máu trộn bùn non gan không núng

Chí không mòn

(Hoan hô chiến sĩ Điện Biên – Tố Hữu)

Vậy điều gì đã tạo nên sức mạnh tiềm ẩn, mãnh liệt đó, cội nguồn sức mạnh ấy được bắt rễ từ đâu? Từ tình Đồng chí – ngắn gọn nhưng đầy sức gợi với những đồng cảm, sẻ chia thật cụ thể: Nụ cười buốt giá và thương nhau tay nắm lấy bàn tay. Nụ cười đã phong lại cái giá rét của mùa Đông, nụ cười gửi gắm niềm tin, lạc quan phơi phới vào tương lai, tin vào chiến thắng, tin vào chính mình và niềm tin ấy tiếp nối suốt cả chiều dài của đất nước.

Bên cạnh đó, sức mạnh của tình đồng chí còn được diễn đạt bằng một thứ ngôn ngữ không lời tay nắm tay. Đã hơn một lần, ngôn ngữ bàn tay đi vào trong văn học, có lúc đó là biểu tượng của tình yêu đôi lứa nồng nàn như trường ca Đất nước của Nguyễn Khoa Điềm, có lúc da diết nhớ thương xúc động trong tình cảm vợ chồng trong thơ Lưu Quang Vũ dành cho Xuân Quỳnh.

Còn với Chính Hữu đó là tình cảm mới mẻ, cao đẹp: Tình đồng chí của những anh bộ đội cụ Hồ. Chỉ một cái nắm tay họ đã trao cho đồng đội niềm tin, ý chí, sức mạnh để rồi họ vượt qua, vượt lên tất cả và trở thành những con người chiến thắng. Và có lẽ cái nắm tay đầy tin tưởng ấy đã giúp họ đi qua những mất mát, hy sinh để cùng gặp nhau tại điểm hẹn cuối cùng sau cuộc “Kháng chiến ba ngàn ngày…đến “Đêm lịch sử Điện Biên sáng rực/ Trên đất nước như huân chương trên ngực” của dân tộc anh hùng!

3.Ý chí sắt đá “quyết tử cho Tổ quốc quyết sinh” của những người lính nông dân “Quen nhau từ buổi “một hai”/ Súng bắn chưa quen/ Quân sự mươi bài” đến tình đồng chí, đồng đội cao cả, nặng sâu ấy còn được thể hiện thật sâu sắc, chắt lọc và kết tinh ở ba câu thơ kết bài.

Giữa không gian rừng hoang vu giá lạnh, bí ẩn hiểm nguy của sương muối, vào thời gian đêm đã rất khuya, những người lính kiêu hùng trong một tâm thế thật đẹp: Xếp hàng ngang đứng cạnh bên nhau chủ động chờ giặc tới. Đó là những chàng trai rất trẻ trung, tâm hồn lãng mạn dõi theo ánh trăng rừng. Để rồi, trăng lên cao, cao mãi và như treo lên đầu mũi súng. Hai hình ảnh tưởng chừng đối lập lại hòa quyện gắn kết, mở ra bao liên tưởng.

Nếu súng ở thật gần thì trăng đang ở xa, nếu súng tượng trưng cho hiện thực thì trăng dịu êm, lãng mạn, bát ngát. Súng gắn liền với người chiến sĩ thì trăng là bạn muôn đời của nhà thơ. Rất lâu, khi chiến tranh đã đi qua, nhà thơ Chính Hữu từng tâm sự nhịp chẵn 2/2 trong câu thơ cuối cùng của bài thơ là một sự rung động sâu sắc về tình đồng chí, nhịp của tình yêu thương, của niềm tin, nhịp đập vĩnh cửu của tình cảm thiêng liêng và vô cùng cao đẹp.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ