Vướng đền bù, trường học hơn 50 tỷ đồng ở Đắk Lắk bị khóa cổng chính

GD&TĐ - Trường THCS Nguyễn Khuyến (Buôn Hồ, Đắk Lắk) được xây dựng khang trang với kinh phí hơn 50 tỷ đồng, nhưng chưa mở được cổng chính vì vướng đền bù.

Cổng chính của ngôi trường đang mòn mỏi chờ ngày mở cửa đón thầy và trò. (Ảnh: Thành Tâm)
Cổng chính của ngôi trường đang mòn mỏi chờ ngày mở cửa đón thầy và trò. (Ảnh: Thành Tâm)

Ngày 6/5, thầy Ngô Xuân Thập, Hiệu trưởng Trường THCS Nguyễn Khuyến (thị xã Buôn Hồ, tỉnh Đắk Lắk) cho biết, đến nay gần hết 1 năm học, nhưng thầy và trò Nhà trường vẫn mòn mỏi chờ ngày được mở cổng chính.

"Trường được đầu tư xây dựng khang trang với mục tiêu thành trường điểm giáo dục chất lượng cao của ngành GD&ĐT thị xã Buôn Hồ. Nhưng từ ngày khai giảng năm học 2023-2024 đến nay, cổng chính vẫn nằm im, mọi người phải đi cổng tạm để vào trường. Tình hình này, chưa biết đến bao giờ thầy cô, học sinh mới được chứng kiến giây phút mở cổng chính", thầy Thập cho hay.

Chưa biết đến bao giờ, cánh cổng này mới được đón thầy và trò mỗi ngày đi qua. (Ảnh: Thành Tâm)

Chưa biết đến bao giờ, cánh cổng này mới được đón thầy và trò mỗi ngày đi qua. (Ảnh: Thành Tâm)

Trường THCS Nguyễn Khuyến đóng tại phường An Bình, thị xã Buôn Hồ, được UBND tỉnh Đắk Lắk phê duyệt đầu tư tháng 10/2018, chính thức khởi công năm 2019 và đến 2023 thì hoàn thành đưa vào sử dụng (năm học 2023-2024).

Công trình có tổng diện tích 19.300m2 (gần 2ha) với tổng mức đầu tư 53 tỷ đồng (chi phí bồi thường, giải phóng mặt bằng gần 6,5 tỷ đồng; chi phí xây dựng gần 38 tỷ).

Công trình do Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng công trình dân dụng và Công nghiệp tỉnh Đắk Lắk làm chủ đầu tư. Nguồn vốn được xác định, 50% ngân sách tỉnh và 50% còn lại ngân sách thị xã Buôn Hồ.

Ngôi trường được xây dựng khang trang, nhưng đơn vị chức năng chưa thể mở cổng chính vì vướng đền bù, giải phóng mặt bằng. (Ảnh: Thành Tâm)

Ngôi trường được xây dựng khang trang, nhưng đơn vị chức năng chưa thể mở cổng chính vì vướng đền bù, giải phóng mặt bằng. (Ảnh: Thành Tâm)

Thực tế cho thấy, sau gần 1 năm học, thầy và trò nơi đây vẫn phải đi "chui" ở cổng tạm bên phía đường Quang Trung (thị xã Buôn Hồ) để vào dạy và học.

Điều đáng nói, việc "tự ý" mở cổng tạm này lại nằm ngay đoạn dốc và gần khúc cua, khiến nguy cơ tai nạn luôn rình rập cho thầy và trò.

Lối ra cổng tạm luôn tiềm ẩn nguy cơ mất an toàn cho thầy và trò. (Ảnh: Thành Tâm)

Lối ra cổng tạm luôn tiềm ẩn nguy cơ mất an toàn cho thầy và trò. (Ảnh: Thành Tâm)

Trả lời phóng viên Báo GD&TĐ, ông Đặng Gia Duẩn, Chủ tịch UBND thị xã Buôn Hồ cho biết, việc chưa thể mở cổng chính Trường THCS Nguyễn Khuyến là bất cập mà bản thân ông và lãnh đạo huyện luôn trăn trở. Hiện lãnh đạo Thị xã đang chỉ đạo tập trung mọi nguồn lực để sớm giải quyết bất cập này.

"Trường THCS Nguyễn Khuyến là 1 trong 2 đơn vị được ngành Giáo dục Buôn Hồ chọn xây dựng trường điểm về giáo dục mũi nhọn. Tuy nhiên, do vướng về giải phóng mặt bằng con đường phía trước, đến nay chưa thể mở cổng chính cho học sinh, giáo viên đi lại thuận tiện.

Đây là một bất cập, UBND thị xã Buôn Hồ đã ghi vốn đầu tư công giai đoạn 2026-2030, trong đó xác định rõ, cái nào thuộc về Thị xã, cái nào thuộc về tỉnh để sớm nhất mở cổng trường. Điều này vừa bảo đảm an toàn cho học sinh, giáo viên vừa tạo cảnh quan của 1 ngôi trường đúng nghĩa", ông Duẩn nói.

Không nằm trong dự án để được đền bù giải phóng mặt bằng, đất phía trước cổng trường người dân vẫn canh tác bình thường. (Ảnh: Thành Tâm)

Không nằm trong dự án để được đền bù giải phóng mặt bằng, đất phía trước cổng trường người dân vẫn canh tác bình thường. (Ảnh: Thành Tâm)

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Ảnh minh họa ITN.

Bình dân học vụ số

GD&TĐ - Sáng 18/11, tại Hà Nội, Tổng Bí thư Tô Lâm có cuộc gặp mặt đại diện nhà giáo, cán bộ quản lý giáo dục nhân Ngày Nhà giáo Việt Nam.

Tỏa sáng tài năng học sinh Chu Văn An

Tỏa sáng tài năng học sinh Chu Văn An

GD&TĐ - Trong hai tháng thi đua chào mừng ngày Nhà giáo Việt Nam, học sinh Trường THPT Chu Văn An đã tổ chức sự kiện Sparkling Chu Văn An 2024.