Hiệu trưởng phải là người “thuyền trưởng”

GD&TĐ - Tới đây sẽ áp dụng chương trình, sách giáo khoa mới, do vậy việc đổi mới phương pháp dạy - học là một trong những nhiệm vụ trọng tâm của các nhà trường. 

Hiệu trưởng phải là người “thuyền trưởng”

Theo đó, hiệu trưởng phải là người thuyền trưởng và là nòng cốt về chuyên môn nghiệp vụ. Xung quanh vấn đề này, phóng viên báo Giáo dục & Thời đại đã phỏng vấn cô Nguyễn Thúy Hiếu – Hiệu trưởng Trường Tiểu học Khương Mai (Thanh Xuân, Hà Nội).

* Đổi mới phương pháp dạy và học luôn là một trong những nhiệm vụ trọng tâm, quan trọng nhất của mỗi nhà trường. Vậy cô cảm nhận như thế nào về những đổi mới của các nhà trường trong thời gian qua?

Thực ra đổi mới dạy học đã được đề cập đến trong nhiều năm qua, nhất là sắp tới thực hiện chương trình và sách giáo khoa mới. Mặt khác đó cũng là nhằm đảm bảo phù hợp với giai đoạn phát triển của giáo dục, đặc biệt là phù hợp với đối tượng học sinh hiện nay. Vì vậy, trong mỗi giai đoạn phát triển thì đổi mới dạy học luôn luôn là cần thiết.

Chẳng hạn như đối với cấp Tiểu học là cấp nền móng ban đầu, giúp cho các con làm quen với các phương pháp học tập, các thao tác và các kỹ thuật học. Khoảng 4-5 năm trước chúng ta có đổi mới phương pháp dạy – học nhưng chưa rõ nét và chưa đồng bộ với việc đánh giá học sinh thì bây giờ chúng ta đã cơ bản khắc phục được điều này.

Có nghĩa là chúng ta đã đánh giá dựa vào năng lực trực tiếp của các con. Cụ thể: Trong tiết học đó các con có được những năng lực gì? Không phải chỉ là kiến thức mà đôi khi năng lực ấy còn thể hiện ở những khả năng của các con, qua các hoạt động trải nghiệm.

Tức là cần có môi trường để các con thể hiện năng lực của mình chứ không phải là đánh giá học sinh gò bó trên lớp học hoặc trong một đơn vị kiến thức nhất định nào đấy.

Có thể nói, so với trước đây, chúng ta đã đổi mới rất nhiều trong dạy – học. Chẳng hạn như phương pháp bàn tay nặn bột, trước đây các cô cũng sử dụng hỏi đáp hoặc có lúc các cô cũng sử dụng gợi mở nêu vấn đề. Nhưng bây giờ được thể hiện rất là rõ ở một số môn hoặc phân môn học.

Với phương pháp bàn tay nặn bột nó thể hiện rất rõ tính phân tích rồi tổng hợp. Tức là học sinh phải biết phân tích những đơn vị kiến thức đó, sau đó cũng chính học sinh sẽ viết tổng hợp lại. Nhiều cô giáo còn kết hợp cả phân tích và tổng hợp, thậm trí sử dụng bản đồ tư duy, sơ đồ cành cây để vẽ cho học sinh học hiểu.

Hay như ngày trước, chỉ lối mòn truyền thống là học sinh viết bài, đôi lúc cô giáo đọc cho học sinh chép, hoặc cô giáo viết lên bảng cho học sinh nhìn. Thế nhưng bây giờ đối với đối tượng học sinh lớp 4, lớp 5, học sinh phải làm quen và bắt đầu chạm đến ngưỡng nghe hiểu, ghi nhớ ở trong đầu.

Các em có thể khi viết bài theo ý hiểu của mình chứ không phải chép lại những gì cô đọc trên bảng hoặc cô đọc cho viết. Tức là việc học của các con không máy móc. Các con chỉ cần nắm được ý chính, rồi động não, tư duy và phát triển kiến thức.

* Nhiều người cho rằng, thông qua học sinh có thể đánh giá được giáo viên dạy học như thế nào. Cô có cho rằng, đây cũng là một trong những phương pháp để đánh giá giáo viên hay không, nhất là ở thời điểm sắp kết thúc năm học như hiện nay?

Theo tôi, để đánh giá giáo viên thông qua học sinh cũng không khó. Ví dụ tôi có thể vào dự 1 tiết học để quan sát và ghi nhận về chất lượng của tiết học đó có tốt hay không?! Học sinh ở trong lớp không nhất thiết phải ngồi khoanh tay, chăm chú học và các con không nhất nhất lúc nào phải giơ tay, các con có thể ngó ngoáy, trao đổi với bạn nhưng trong phạm vi cho phép.

Cô giáo nói thì trò nghe, cô giáo hướng dẫn thì trò làm theo. Nếu trò tích cực quay sang bạn để trao đổi, thảo luận bài và chủ động, tích cực phát biểu những kiến thức mà các em nắm bắt được thì chứng tỏ là giờ học đó đã đem lại hiệu quả cho học sinh.

* Trong bối cảnh đổi mới giáo dục như hiện nay, hiệu trưởng không chỉ là nhà lãnh đạo, quản lý giỏi mà còn phải là nòng cốt về chuyên môn, nghiệp vụ. Vậy cô nghĩ sao về quan điểm này? Làm thế nào để hiệu trưởng phát huy vai trò của một người “thuyền trưởng”?

Tôi đồng tình với quan điểm trên. Một người hiệu trưởng phải nói được và làm được. Tức là lời nói đi đôi với hành động. Tất nhiên, không phải việc gì hiệu trưởng cũng “nhúng tay” vào làm. Việc làm của hiệu trưởng còn thể hiện qua công tác chỉ đạo, điều hành để thuyết phục được giáo viên, để giáo viên hiểu được vấn đề.

Đặc biệt là hiệu trưởng phải biết, phải hiểu về công việc thì mới có thể chỉ đạo, điều hành được. Chẳng hạn như: Khi yêu cầu giáo viên ứng dụng công nghệ thông tin vào dạy – học, thì hiệu trưởng cũng phải biết ứng dụng công nghệ thông tin vào giảng dạy. Người hiệu trưởng phải có cái nhìn bao quát, quyết đoán để mọi công việc của nhà trường đi đúng hướng, phù hợp với mục tiêu phát triển của ngành và phù hợp với thực tế xã hội.

* Theo quy định, chậm nhất năm học 2020 - 2021 sẽ áp dụng chương trình, sách giáo khoa mới đối với cấp Tiểu học. Vậy Trường Tiểu học Khương Mai đã chuẩn bị tâm thế như thế nào để đón nhận điều này?

Hiện tại, Ban Giám hiệu đã đi tập huấn 1 số lần về chủ trương này. Tôi cũng biết ngành Giáo dục đã có sự chuẩn bị khá chu đáo và có những định hướng và bước đi khá chắc chắn.

Với cấp Tiểu học, cụ thể như ở Trường Tiểu học Khương Mai ít nhiều cũng đã những đổi mới theo chỉ đạo, định hướng của ngành. Do đó sẽ không gặp nhiều khó khăn khi chính thức áp dụng chương trình, sách giáo khoa mới.

Lần đổi mới này, một số môn học được tích hợp, tăng hoạt động trải nghiệm sáng tạo, tăng tin học, công nghệ và ngoại ngữ nhằm hướng tới thế hệ học sinh phù hợp với sự phát triển chung của đất nước. Chính vì thế, cả giáo viên và ban giám hiệu sẽ phải tự học, tự hoàn thiện mình để thích ứng với đổi mới, nếu không tự mình sẽ loại mình.

Tôi cho rằng, với cấp Tiểu học không có gì đáng lo khi chương trình, sách giáo khoa mới chính thức được triển khai thực hiện vì đội ngũ giáo viên tương đối đồng đều, nhạy bén.

Xin cảm ơn cô!

Hiệu trưởng “Có đánh giá giáo viên qua các bài kiểm tra định kỳ, hoặc có thể trao đổi trực tiếp với học sinh. Trẻ con rất thật thà nhưng cũng rất tinh tế, các con có thể cảm nhận được cô giáo nào dạy hay, dạy tốt và mình có thể phỏng vấn các con nắm bắt được chất lượng của giáo viên”. Cô Nguyễn Thúy Hiếu 

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ