Chuẩn hiệu trưởng - thước đo “3T“

GD&TĐ - Nhận xét về Dự thảo “Chuẩn hiệu trưởng trường phổ thông ” mà Bộ GD&ĐT đã công bố, khi đưa ra trưng cầu ý kiến rộng rãi trong ngành và dư luận xã hội đã được nhiều hiệu trưởng (HT) khẳng định bản dự thảo chính là thước đo về phẩm chất, năng lực, tầm vóc và vai trò của các thủ lĩnh nhà trường của thời hội nhập và tương lai.

Chuẩn hiệu trưởng - thước đo “3T“

Các thủ lĩnh nhà trường cũng có những ý kiến đóng góp thiết thực, cụ thể về một số tiêu chí của Dự thảo.

Thước đo tâm - tầm - tài…

Trao đổi về 5 tiêu chuẩn và 21 tiêu chí của Chuẩn HT, thạc sỹ Nguyễn Đình Minh - HT trường THPT Nguyễn Khuyến (TP) Hải Phòng) cho rằng: Đó là những tiêu chuẩn cao, vượt rất xa tiêu chuẩn của GV đạt chuẩn bậc giỏi nghề nghiệp ở tính toàn diện các lĩnh vực xã hội. Nhiều tiêu chí đòi hỏi phải có những chỉ số con người mà người khác không có hay có thể gọi là “năng khiếu quản trị”; nhưng điều này cần thiết với người đứng đầu các nhà trường; chỉ có điều bất cập là họ không được hưởng lợi từ những tiêu chuẩn đó theo cách trả lương hiện nay.

Nếu áp thước này để kiểm định sẽ có rất nhiều HT không đạt yêu cầu và hầu hết phải bồi dưỡng lại năng lực theo từng tiêu chuẩn khuyếm khuyết.

HT Hoàng Chí Thanh - Trường THPT Nguyễn Bỉnh Khiêm, (TP Hải Dương) thì bày tỏ sự tán đồng, khi ông gắn “thước đo” này với những yêu cầu của công cuộc đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục: “Để đảm bảo mục tiêu tập trung phát triển năng lực và phẩm chất của người học đòi hỏi lãnh đạo nhà trường phải có những phẩm chất, năng lực theo dự thảo Chuẩn HT trường phổ thông. Chuẩn đã cụ thể những tiêu chí rất cần thiết, cần đạt được, không có gì đòi hỏi quá cao, quá khắt khe cả.”

Nói về những vấn đề cụ thể trong 5 tiêu chuẩn với 21 tiêu chí, HT Nguyễn Việt Hòa - Trường THCS Tân Bình, TP Hải Dương rất tâm đắc, ông phân tích: Dự thảo chuẩn HT đã xét các tiêu chuẩn, tiêu chí tương đối toàn diện, trong đó đã đề cập đến vấn đề quản lí, quản trị người đứng đầu đơn vị SNCL như quản lí tài chính, nhân sự, CSVC... cho đến quản lí thông tin, truyền thông. Đó là những yêu cầu, kĩ năng phải có, cần đạt trong công tác quản lí trường học của HT, người đứng đầu nhà trường hiện nay.

Còn HT Nguyễn Đình Minh thì cho rằng: Các tiêu chí trong dự thảo đều đo được bằng minh chứng tường minh nếu có phương pháp; tuy nhiên độ chính xác phụ thuộc vào phương pháp đo và người thực hiện.

Sự thật thì mọi sự vật luôn biến đổi, xét theo hệ thống giá trị hiện tại của nền chính trị và lĩnh vực GD Việt Nam hiện thời thì hình mẫu này là cao.

Hiệu trưởng cần năng động, chủ động hơn

So sánh những yêu cầu về chuyên môn, năng lực quản lý…, các HT “đương thời” đều khẳng định họ đã và đang phải đối mặt với nhiều áp lực hơn người HT mấy chục năm trước đây.

Đưa ra những ví dụ cụ thể, thầy Hoàng Chí Thanh bàn luận rõ hơn những áp lực vô hình và hữu hình của các thủ lĩnh nhà trường thời nay: So với mấy chục năm trước đây HT chỉ cần thực hiện các nhiệm vụ của mình theo Điều lệ trường phổ thông , hướng dẫn nhiệm vụ năm học; năm học sau hệt năm học trước, hầu như không mấy thay đổi theo kiều “hành chính bao cấp”! Đồng thời khi đó không phải lo nghĩ nhiều về vấn đề tuyển sinh đầu vào vì học sinh không được chọn trường mà phải đăng ký dự thi vào trường theo khu vực quy định.

Nhưng nay thì phải liên tục cải tiến, sáng tạo… và phải chịu trách nhiệm về các quyết định của mình. Phải không ngừng nâng cao chất lượng giáo dục, xây dựng thương hiệu nhà trường để chất lượng tuyển sinh đầu vào được nâng cao. Dân chủ xã hội nâng lên, truyền thông nhanh, nhạy hơn cũng đặt ra cho HT phải có các năng lực mới như “chuẩn” yêu cầu.

Trong số các tiêu chí được Chuẩn HT nêu ra, tiêu chí về trình độ tin học và ngoại ngữ của hiệu trưởng được các HT đặc biệt quan tâm.

Nói về điểm chưa sát với thực tế, thầy Hoàng Chí Thanh phân tích: Về trình độ ngoại ngữ và tin học, cần khẳng định rõ, đây không chỉ là yêu cầu với lãnh đạo nhà trường mà nó là tiêu chí cứng, bắt buộc của công chức, viên chức hiện nay theo Luật Công chức, Luật Viên chức.

Khẳng định thực trạng “thiếu chuẩn ngoại ngữ”, thầy Nguyễn Đình Minh cho biết:

Về tin học không đáng ngại, thực tế chỉ có rất ít HT yếu về tin học, nhưng ngoại ngữ thì đa số. Vấn đề không phải là HT đó không chịu học hành mà là hiện tượng “tái mù ngoại ngữ” không có cách khắc phục. Tại Hải Phòng, gần 100% HT các trường THPT là thạc sỹ, điều này có nghĩa là họ đã từng phải học và thi đạt tới trình độ C (TCVN) về ngoại ngữ, tuy vậy HT các trường THPT hầu như rất ít có cơ hội sử dụng ngoại ngữ, trong khi cần sử dụng thường xuyên.

Việc sử dụng ngoại ngữ của HT không là áp lực cấp thiết như HT ở vùng dân tộc thiểu số. vì họ cần biết tiếng dân tộc để giao dịch hàng ngày, điều hành các hoạt động giáo dục trong và ngoài nhà trường. Đây chính là nguyên nhân căn cốt nhất dẫn đến hiện tượng HT yếu về ngoại ngữ. Bên cạnh đó, HT có quá nhiều công việc, quan hệ, di chuyển hội họp… chiếm kín thời lượng thời gian; trong khi mức lương cũng chỉ khác với GV ở hệ số quản lý với vài trăm ngàn đồng/tháng … những điều này làm mất động lực tu dưỡng ngoại ngữ. Theo thầy, việc HT biết ngoại ngữ là cần thiết khi đất nước hội nhập sâu rộng hơn và Bộ GD&ĐT cần có chương trình bồi dưỡng năng lực này cho các HT.

Thầy Nguyễn Việt Hòa cũng có ý kiến kiến nghị nên hạ thấp yêu cầu bắt buộc về trình độ tin học và ngoại ngữ. Vì: HT trường phổ thông chỉ cần kĩ năng sử dụng thành thạo tin học văn phòng, cũng chưa cần trình độ cao như tiêu chí yêu cầu như vậy. Ngoại ngữ, nếu ở bậc THCS trở xuống chỉ cần giao tiếp thông thường. Từ bậc THPT, ĐH mới có nhiều hoạt động liên kết, hợp tác quốc tế hoặc nghiên cứu KH thực sự nên trong bản dự thảo cần có những qui định cụ thể hơn, phù hợp ở nhiều cấp độ cao thấp khác nhau thì vừa thực chất vừa đảm bảo yêu cầu.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Binh sĩ Ukraine trong một cuộc tập trận tại thao trường Yavoriv, phía tây Ukraine.

NATO hưởng lợi trong chiến sự

GD&TĐ - Binh sĩ Ukraine bị Nga bắt giữ tiết lộ các huấn luyện viên NATO cố gắng học hỏi lực lượng Kiev khi huấn luyện những người này.