Hệ thống lại kiến thức và làm thử nhiều đề

GD&TĐ - Để đạt được điểm cao môn Tiếng Anh trong Kỳ thi THPT quốc gia, thí sinh cần có kế hoạch và chiến thuật ôn tập hợp lý, chú ý hệ thống lại kiến thức, rèn luyện kỹ năng làm bài qua việc giải các đề thi thử.

Học sinh khối 12 tại TPHCM trong giờ ôn tập
Học sinh khối 12 tại TPHCM trong giờ ôn tập

Ôn tập theo các chuyên đề

Theo cô giáo Đinh Thị Thu Hương, Tổ trưởng tổ tiếng Anh, Trường THPT Ten Lơ Man (quận 1, TPHCM), khi đề thi minh họa của Bộ GD&ĐT được công bố, các giáo viên trong tổ tiếng Anh của trường đã họp lại, phân tích cách ra đề thi năm nay. Sau đó, thầy cô lên kế hoạch soạn nội dung ôn tập cho học sinh theo từng chuyên đề, ví dụ như: Âm, dấu nhấn, từ loại, tìm từ đồng nghĩa, trái nghĩa, đảo ngữ, câu điều kiện, đại từ quan hệ, liên từ, giới từ, mạo từ, đọc hiểu… và soạn một số đề thi mẫu cho các em luyện tập.

Sau khi học sinh thi học kỳ 2, giáo viên bắt đầu tăng tốc ôn tập, hệ thống lại kiến thức cho các em qua sơ đồ tư duy và các chuyên đề ôn tập đã thống nhất trong tổ.

Đề năm nay có 60% câu hỏi ở dạng cơ bản và 40% câu hỏi ở dạng nâng cao. Ngoài bài đọc hiểu để phân hóa học sinh thì các câu hỏi dễ và khó nằm rải rác ở các phần, nghĩa là mỗi một phần đều có thể xuất hiện câu hỏi khó và thường là những câu kiểm tra về từ vựng.

Các câu hỏi dễ nằm ở các dạng như: Ngữ âm, giao tiếp, hoàn thành câu, câu tìm từ đồng nghĩa, câu hỏi về thì, nối câu, câu tìm lỗi sai…

Các câu hỏi khó thường tập trung vào từ vựng như tìm từ đồng nghĩa, trái nghĩa, các câu trong phần đọc hiểu…

Vì vậy, ngoài các bài đọc trong nội dung của SGK chương trình lớp 12, thí sinh cần đọc thêm các bài đọc có cùng chủ điểm về gia đình, giáo dục, văn hóa, sức khỏe, thể thao, môi trường, giải trí, đọc sách… để có thêm vốn từ vựng.

Khi có vốn từ vựng nhiều, đọc đề bài thí sinh sẽ hiểu rất nhanh và chính xác các câu hỏi, giúp việc lựa chọn đáp án đúng dễ dàng, đồng thời có thể loại suy được những đáp án sai. Bên cạnh đó, thí sinh nên học kỹ năng đoán nghĩa của từ (dựa vào âm tố (affixes) và dựa vào ngữ cảnh (contextual clues)…

Với các em chỉ chọn thi môn Tiếng Anh để xét tốt nghiệp, cần nắm chắc phần kiến thức căn bản, ôn tới đâu chắc tới đó.

Với thí sinh cần đạt điểm cao để xét tuyển vào ĐH-CĐ, ngoài việc nắm chắc phần kiến thức căn bản, cần phải nắm vững kỹ năng đọc hiểu, kỹ năng phân tích logic, kỹ năng đoán nghĩa của từ hoặc cụm từ qua ngữ cảnh.

Ở Trường THPT Ten Lơ Man trong thời gian ôn tập, học sinh sẽ được hệ thống lại kiến thức đã học thông qua các chuyên đề, vận dụng sơ đồ tư duy để hiểu, nhớ dễ dàng các công thức, cấu trúc câu đã học. Thí sinh được ôn tập và làm quen với việc giải đề thi minh họa của Bộ, đề thi của những năm gần đây, và đề của các giáo viên trong tổ soạn riêng, để bổ sung kiến thức và rèn luyện kỹ năng làm bài thi.

Rèn kỹ năng làm bài thi

Bên cạnh việc ôn tập, kỹ năng làm bài thi trắc nghiệm cũng rất quan trọng. Mặc dù, học sinh đã được làm quen rất nhiều đề thi trắc nghiệm, nhưng trước bài thi của kỳ thi quan trọng này phải thật cẩn trọng. Cô Thu Hương lưu ý: “Khi làm bài thi thí sinh nên làm lần lượt từ trên xuống, không nên dừng lại quá lâu ở những câu hỏi khó, với những câu này các em sẽ dùng phương pháp loại suy, sau khi đã hoàn thành các câu hỏi vừa sức. Không được bỏ trống bất cứ câu nào”.

Với thí sinh cần đạt điểm cao để xét tuyển vào ĐH-CĐ, ngoài việc nắm chắc phần kiến thức căn bản, cần phải nắm vững kỹ năng đọc hiểu, kỹ năng phân tích logic, kỹ năng đoán nghĩa của từ hoặc cụm từ qua ngữ cảnh. 

Học sinh cần tô trực tiếp vào giấy làm bài trắc nghiệm bởi thời gian không nhiều. Khi tô, phải kín và đúng câu, nhớ mang kèm theo một cục tẩy để khi cần có thể tẩy ngay.

Ngoài ra, thí sinh phải sắp xếp thời gian ôn tập hợp lý, môn ngoại ngữ không thể học nhồi nhét, phải học thường xuyên đều đặn mỗi ngày, và còn phải dành thời gian cho các môn thi khác nữa. Đặc biệt là phải giữ sức khỏe, không thức quá khuya, ăn uống điều độ và có tinh thần thật tốt sẵn sàng cho kỳ thi sắp tới.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ