Tượng hình hóa kiến thức
Là một trong những giáo viên có bề dày kinh nghiệm trong việc tổ chức dạy học và ôn thi cho học sinh lớp 12, cô Phạm Thị Thanh Hà - Tổ trưởng Tổ Sinh – Công nghệ, Trường THCS&THPT Nguyễn Bỉnh Khiêm (Hà Nội) chia sẻ: Trước hết, thầy cô giáo cần làm công tác tư tưởng với HS, để các em nhận thức được mỗi một môn học đều có vị trí nhất định, góp phần làm nên kết quả cao cho kỳ thi. Vì thế cần có kế hoạch học tập và ôn thi hợp lý để “rinh” được điểm như ý.
“Chẳng hạn với môn Sinh học, với HS lớp 12 ban cơ bản A, giáo viên cần giúp học sinh thấy được việc học môn Sinh học năm học này không chỉ để biết, vận dụng vào đời sống mà còn để thi THPT quốc gia. Giáo viên cần giúp HS không “sợ” môn Sinh học bằng cách: Tượng hình hóa kiến thức. Tức là kiến thức trừu tượng thì vẽ mô hình đơn giản để học sinh dễ tưởng tượng. Môn Sinh học khó vì có nhiều từ khó hiểu nên phải làm cho nó đơn giản và liên hệ với những điều học sinh đã biết.
“Ví dụ, khi giới thiệu về một trong những khái niệm trừu tượng như Nhiễm sắc thể (NST), học sinh rất khó ghi nhớ. Nhưng nếu giáo viên liên hệ đến môn Vật lý đơn vị là km, m, mm thì môn Sinh đơn vị là quần thể, cá thể, tế bào, NST, ADN, operon (một nhóm gen đi liền nhau), gen và giáo viên vẽ hình một người rồi đến một tế bào, rồi đến NST học sinh sẽ thấy NST nằm ngay trong cơ thể mình và nó là một đơn vị cấu tạo, còn km, m... của môn Vật lý là đơn vị đo chiều dài”- cô Hà dẫn giải.
Cũng theo cô Hà, giáo viên có thể dùng ngôn ngữ thường ngày thay cho ngôn ngữ khoa học trừu tượng. Ví dụ dạy khái niệm gen, HS sẽ rất khó nhớ nhưng mô tả cơ thể cô là ADN thì gen là đôi mắt, đôi tay... hay chọn lọc tự nhiên là sự phân hóa khả năng sống sót và sinh sản của các kiểu gen khác nhau trong quần thể theo hướng thích nghi. Có quá nhiều từ phức tạp, cần phải đơn giản hóa bằng từ mạnh, gây ấn tượng, gần gũi.
“Sau mỗi bài học, giáo viên cần chốt kiến thức trong vài dòng, gạch chân từ khóa, dạy HS cách ghi nhớ và hôm sau kiểm tra vòng tròn, kết thúc một chủ đề kiểm tra vấn đáp một lần, kiểm tra trắc nghiệm. Ví dụ khi học về cấu tạo và hoạt động của Operon. HS hay nhầm vùng O với P nên giáo viên có thể dạy học sinh cách nhớ máy móc: “Ông Vận Ức” - Ông là vùng O, Ức là protein ức chế, Vận là vận hành, Protein ức chế bám vào vùng vận hành. Vẽ sơ đồ điều hòa hoạt động gen”- cô Hà trao đổi.
Thiết kế 3 vòng hiệu quả
Theo cô Nguyễn Tâm Dung – Tổ trưởng Tổ Vật lý Trường THCS&THPT Nguyễn Bỉnh Khiêm, qua việc nghiên cứu đề thi minh họa của Bộ so với đề thi chính thức Kỳ thi THPT quốc gia 2018 cho thấy, độ khó của đề thi minh họa được giảm đi tương đối rõ rệt và tập trung vào mục tiêu để xét công nhận tốt nghiệp. Số câu hỏi dễ và câu hỏi lý thuyết (nhận biết, thông hiểu) tăng lên, số câu vận dụng cao giảm đi chỉ còn chiếm khoảng 15% (khoảng 6 câu), đồng thời có sự giảm về độ khó của các câu hỏi này so với đề thi 2018. Vì vậy, giáo viên cần thay đổi cách dạy và cách ôn tập từ phần lý thuyết đến phần bài tập để đáp ứng yêu cầu của đề thi. Mục đích là để học sinh đạt kết quả cao nhất.
Cô Dung phân tích, kết thúc chương trình, nếu học sinh thi học kỳ II hết tuần đầu của tháng 4. Tổ bộ môn thống nhất nội dung ôn tập theo định hướng của đề tham khảo. Sau đó ôn tập tại lớp theo hình thức vấn đáp, trắc nghiệm với câu lý thuyết. Đồng thời rèn cách giải nhanh với các bài tập trắc nghiệm như: Giải tóm tắt, mẹo tính nhẩm… trong khi ôn tập và có các bài kiểm tra từng phần để phân loại học sinh để ôn tập và luyện thi cho sát đối tượng.
Khẳng định kỳ thi này không có gì đáng sợ, TS Nguyễn Văn Hòa – Chủ tịch Hội đồng quản trị Trường Nguyễn Bỉnh Khiêm nhấn mạnh: Giáo viên cần tạo cho HS tâm lý tự tin, quyết thắng. Trước đây, chúng ta lo đề thi không bám sát chuẩn kiến thức, kỹ năng, đề thi có mức phân hóa cao, thì nay Bộ GD&ĐT đã nhìn ra vấn đề và đã có sự điều chỉnh. Như vậy, năm nay vấn đề về đề thi không có gì đáng lo.