3 yếu tố để trở thành giáo viên ngoại ngữ giỏi

GD&TĐ - Đội ngũ giảng viên ngoại ngữ là nguồn nhân lực chất lượng cao, đặc biệt của giáo dục đại học, là lực lượng quyết định bảo đảm chất lượng đào tạo của nhà trường. 

Sinh viên Trường Đại học Ngoại ngữ - Đại học Thái Nguyên học trên giảng đường. Ảnh: INT
Sinh viên Trường Đại học Ngoại ngữ - Đại học Thái Nguyên học trên giảng đường. Ảnh: INT

Tiếp cận năng lực

Vấn đề tiếp cận năng lực được xem xét dưới góc độ phát triển nguồn nhân lực. Cách tiếp cận này dựa theo yêu cầu, đặc điểm, biểu hiện về năng lực của người lao động (nhân lực) ở từng vị trí việc làm. Cụ thể ở đây là giảng viên ngoại ngữ ở trường đại học.

PGS Đặng Quốc Bảo - nguyên Hiệu trưởng Trường Cán bộ Quản lý Giáo dục và Đào tạo (nay là Học viện Quản lý Giáo dục) - cho rằng, phát triển đội ngũ cán bộ giáo dục theo tiếp cận năng lực là phương thức tích hợp ưu điểm và lợi thế từ các mô hình hoạt động nghề nghiệp của người cán bộ giáo dục.

Theo GS.TSKH Nguyễn Minh Đường - nguyên ủy viên Hội đồng quốc gia giáo dục và phát triển nhân lực: Để phát triển đội ngũ cán bộ giáo dục theo tiếp cận năng lực, trước hết cần phân tích, mô tả yêu cầu nhiệm vụ và tương ứng với mỗi nhiệm vụ ấy cần đòi hỏi năng lực gì (về giảng dạy, phát triển chuyên môn, nghiên cứu, hoạt động xã hội, quản lý); từng năng lực cụ thể đạt yêu cầu ở cấp độ nào (được mô tả ra sao). Từ đó, xác định các nhân tố có ảnh hưởng, tác động đến các hoạt động phát triển đội ngũ cán bộ giáo dục.

Tiếp cận năng lực vận dụng vào phát triển đội ngũ giảng viên ngoại ngữ ở trường đại học là một phương pháp tiếp cận chuẩn hóa hệ thống các kiến thức, kỹ năng, thái độ cần thiết mà người giảng viên cần phải có để thực hiện nhiệm vụ của mình. Cách tiếp cận này giúp các trường đại học hiểu được năng lực của từng giảng viên và đội ngũ giảng viên và làm thế nào để giúp họ phát triển các năng lực đặc trưng để thực hiện vai trò, nhiệm vụ một cách tốt nhất.

Sinh viên Trường Đại học Ngoại ngữ - Đại học Thái Nguyên.
Sinh viên Trường Đại học Ngoại ngữ - Đại học Thái Nguyên.

Các thành tố trong khung năng lực

Trên thế giới, Tổ chức Teaching Australia, một cơ quan nghiên cứu độc lập của Úc, với nhiệm vụ củng cố và phát triển nghề dạy học quan niệm “chuẩn nghề nghiệp nhà giáo là sự phát triển rõ ràng về những gì nhà giáo phải biết và có khả năng thực hiện, trên cơ sở các giá trị của nghề dạy học, kinh nghiệm của những nhà giáo thành đạt và kết quả nghiên cứu trong lĩnh vực dạy học”. Quan niệm này tập trung vào những giá trị cốt lõi của nghề dạy học.

Như vậy, khung năng lực giảng viên ngoại ngữ phải bao hàm ba yếu tố, đó là: “Một công cụ đo lường, việc đo lường này phải dựa trên sự đồng thuận về các giá trị của nghề và được thực hiện với những bằng chứng sao cho kết luận tin cậy”.

Trên cơ sở các kết quả nghiên cứu phân tích trên cho thấy, khung năng lực đội ngũ giảng viên ngoại ngữ ở trường đại học cần bao gồm các tiêu chuẩn cơ bản như: Phẩm chất chính trị, đạo đức, lối sống; Năng lực chuyên môn, năng lực sư phạm và nghiên cứu khoa học; Năng lực quan hệ xã hội, quan hệ công chúng; Năng lực phát triển hợp tác quốc tế và hội nhập; Năng lực phát triển nghề nghiệp, phát triển bản thân; Năng lực sử dụng thiết bị và phương tiện dạy học; Năng lực giao tiếp và năng lực đánh giá.

Trong đó, phẩm chất chính trị là yếu tố thuộc phạm trù tư tưởng, thế giới quan, thái độ, nhãn quan, niềm tin chính trị của giảng viên ngoại ngữ đối với Nhà nước, với chế độ và bản lĩnh chính trị trước những biến động và thách thức của hoàn cảnh.

Năng lực chuyên môn, năng lực sư phạm và nghiên cứu khoa học: Giảng viên ngoại ngữ vừa có được những thành công trong lĩnh vực chuyên môn sâu tại cơ sở đào tạo (bộ môn/ khoa/ viện nghiên cứu) nhờ vào năng lực chuyên môn của mình vừa là nhà khoa học làm việc trong môi trường học thuật cao.

Năng lực quan hệ xã hội, quan hệ công chúng: Đặc điểm này đặt ra cho giảng viên ngoại ngữ phải có năng lực thiết lập, duy trì và củng cố các mối quan hệ xã hội, quan hệ công chúng, năng lực quảng bá hình ảnh thương hiệu của nhà trường tới người học, phụ huynh, cộng đồng xã hội.

Năng lực phát triển hợp tác quốc tế và hội nhập: Giảng viên ngoại ngữ ở trường đại học cần phải có tầm nhìn toàn cầu, tư duy đổi mới mạnh mẽ, tham gia vào các dự án hợp tác đào tạo liên kết, nghiên cứu khoa học, các hội thảo, hội nghị khoa học, trao đổi, giao lưu, nghiên cứu khoa học…

Năng lực phát triển nghề nghiệp, phát triển bản thân: Giảng viên ngoại ngữ phải có khả năng định hướng, thiết lập mục tiêu, lựa chọn và tìm kiếm các cách thức, phương pháp hành động để phát triển nghề nghiệp.

Năng lực sử dụng thiết bị và phương tiện dạy học: Sử dụng được các phương tiện dạy học phù hợp với mục tiêu, nội dung và phương pháp dạy học ngoại ngữ. Thường xuyên cập nhật và sử dụng các phương tiện dạy học hiện đại để nâng cao hiệu quả dạy học ngoại ngữ.

Năng lực sử dụng ngôn ngữ: Ngôn ngữ là phương tiện giao tiếp của người giảng viên. Giảng viên phải có khả năng diễn đạt tốt, có ngôn ngữ rõ ràng.

Năng lực giao tiếp: Năng lực này còn thể hiện ở khả năng truyền đạt, truyền cảm hứng, kết nối và ứng biến linh hoạt của giảng viên.

Năng lực đánh giá: Năng lực này đòi hỏi người giảng viên phải nắm vững quy chế đào tạo, hiểu biết về các loại hình, phương pháp, kỹ thuật kiểm tra đánh giá kết quả học tập của sinh viên theo tiếp cận dựa vào năng lực.

Định hướng cho giảng viên phấn đấu

Việc xác định khung lý luận cơ bản về khung năng lực giảng viên ngoại ngữ sẽ giúp các nhà quản lý, các cơ quan quản lý ở trường đại học có cơ sở khoa học để xây dựng và ban hành khung chuẩn giảng viên ngoại ngữ phù hợp. Đồng thời là cơ sở thực tiễn trong quy hoạch, tuyển dụng, đào tạo, bồi dưỡng, đánh giá và định hướng phấn đấu cho giảng viên ngoại ngữ trong tương lai.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Lễ kết nạp đảng viên đối với anh Nguyễn Cảnh Cường (bìa trái) - Giám đốc thú y cụm trang trại 2 kiêm chuyên gia thú y của Dự án chăn nuôi bò sữa TH ở Nga.

Phía sau những ly sữa tươi sạch

GD&TĐ - Một trong những yếu tố căn bản phía sau làm nên thương hiệu sữa tươi TH chính là kinh nghiệm trong công tác xây dựng Đảng của Đảng bộ Công ty.