Trao đổi sinh viên mới ở bước khởi động

GD&TĐ - Các trường đại học trong cùng khối ngành đã ký kết hợp tác song, đa phương về trao đổi sinh viên.

Một lớp học trao đổi sinh viên trong học kỳ hè của ĐH Kinh tế TP Hồ Chí Minh (cơ sở Vĩnh Long). Ảnh: NVCC
Một lớp học trao đổi sinh viên trong học kỳ hè của ĐH Kinh tế TP Hồ Chí Minh (cơ sở Vĩnh Long). Ảnh: NVCC

Thế nhưng đến nay, số lượng tham giao trao đổi còn ít, thậm chí có nơi chưa tổ chức được khóa học do không có sinh viên đăng ký.

Đa dạng môi trường học tập

Học kỳ hè năm học 2022 - 2023, Trường Đại học Kinh tế, ĐH Đà Nẵng tiếp nhận 14 sinh viên đến từ Trường ĐH Kinh tế Quốc dân, Học viện Chính sách và phát triển tham gia 2 môn học Marketing và Giao tiếp kinh doanh. Trường cũng gửi 13 sinh viên vào Trường ĐH Kinh tế TP Hồ Chí Minh (nay là ĐH Kinh tế TP Hồ Chí Minh) tham gia học kỳ hè.

Tháng 10/2022, 10 cơ sở giáo dục đại học khối kinh tế đã ký kết thỏa thuận hợp tác trong đào tạo, nghiên cứu khoa học và đảm bảo chất lượng giáo dục. Một trong những nội dung ký kết là sinh viên có cơ hội được học tập trao đổi các khoá học ngắn và dài hạn ở những trường trong khối.

Theo đó, ở khóa dài hạn cho phép người học các trường được đăng ký học tập, thực tập, nghiên cứu tại trường đối tác. Người học đăng ký tối đa 25 tín chỉ. Các học phần đăng ký phải có trong chương trình đào tạo của trường tiếp nhận. Người học được sắp xếp học tập, thực tập, nghiên cứu cùng người học của trường tiếp nhận trong các lớp học mở theo kế hoạch học tập của trường. Với khóa ngắn hạn, các trường đại học tổ chức học trong thời gian hè, công bố chương trình, nội dung khóa học và cho phép người học đăng ký học tập tối đa 12 tín chỉ.

Thực hiện trao đổi sinh viên, trước mỗi học kỳ, Trường ĐH Kinh tế, ĐH Đà Nẵng đều gửi thời khóa biểu dự kiến đến cho 9 trường còn lại trong khối trường đào tạo kinh tế. Dựa trên thời khóa biểu dự kiến này, sinh viên muốn tham gia chương trình trao đổi sẽ chọn lựa các môn học, cân đối số tín chỉ phù hợp để đăng ký tại trường mình đang học.

PGS.TS Đoàn Ngọc Phi Anh - Trưởng phòng Đào tạo, Trường ĐH Kinh tế, ĐH Đà Nẵng cho biết: “Khi tiếp nhận sinh viên của trường đối tác, phòng sẽ hỗ trợ mở tài khoản để hoàn chỉnh việc đăng ký môn học, sắp xếp lớp sinh hoạt… Các công đoạn này được triển khai như tiếp nhận một sinh viên mới”. Học kỳ I năm học 2023 - 2024, có 2 sinh viên Học viện Ngân hàng đến học tại Trường ĐH Kinh tế, nhà trường gửi 7 sinh viên học chương trình trao đổi tại Trường ĐH Kinh tế Quốc dân.

Võ Thị Thiên Ân (Trường ĐH Kinh tế, ĐH Đà Nẵng) - sinh viên tham gia môn học Mô phỏng kinh doanh tại ĐH Kinh tế TP Hồ Chí Minh (cơ sở Vĩnh Long) trong học kỳ hè vừa qua cho biết: “Ngoài giờ lên lớp, sinh viên liên kết được tham gia nhiều hoạt động do nhà trường tổ chức như cuộc thi Biztech Hackathon, áp dụng giải pháp công nghệ để giải quyết các vấn đề kinh tế, tham gia chiến dịch tình nguyện hè, thi ngoại ngữ…”.

Thiên Ân cùng các bạn trao đổi đến từ trường đào tạo kinh tế khác trong cả nước được bố trí ở tại ký túc xá nhà trường. Theo Thiên Ân, học kỳ hè của chương trình liên kết là cơ hội để trải nghiệm môi trường học tập khác, kết nối thêm bạn bè ở nhiều trường học trên cả nước.

Các sinh viên tham gia học kỳ hè của ĐH Kinh tế TP Hồ Chí Minh (cơ sở Vĩnh Long) hoạt động trải nghiệm tại địa phương. Ảnh: NVCC

Các sinh viên tham gia học kỳ hè của ĐH Kinh tế TP Hồ Chí Minh (cơ sở Vĩnh Long) hoạt động trải nghiệm tại địa phương. Ảnh: NVCC

Còn nhiều rào cản

Sau ký kết hợp tác giữa 3 trường đào tạo khối ngành STEM gồm: ĐH Bách khoa Hà Nội, Trường ĐH Bách khoa – ĐH Đà Nẵng và Trường ĐH Bách khoa – ĐHQG TP Hồ Chí Minh, đã có nhiều buổi làm việc ở cấp độ các khoa để trao đổi việc tổ chức các khóa học ngắn hạn, xây dựng kho học liệu, bài giảng chung theo hướng chuyển đổi số. Như vậy, sinh viên có cơ hội học chung các thầy, cô tốt nhất của 3 trường.

PGS.TS Nguyễn Hồng Hải - Phó Hiệu trưởng Trường ĐH Bách khoa, ĐH Đà Nẵng cho hay: “Các khóa học trao đổi sinh viên là cơ hội để các em giao lưu, mở rộng không gian, môi trường học tập thay vì đóng khung trong một trường. Ưu điểm lớn nhất của mô hình là sự chia sẻ trong đầu tư nguồn lực. Mỗi trường có những môn học được xem là thế mạnh. Với sự công nhận tín chỉ lẫn nhau, sinh viên được lựa chọn môn học và giảng viên của một trong ba trường để có kiến thức tốt nhất cho định hướng nghề nghiệp”.

Trong khi đó, PGS.TS Đoàn Ngọc Phi Anh nhận xét, trao đổi sinh viên giữa các trường trong cùng khối, ngành đào tạo mới chỉ ở giai đoạn khởi động. “Đây là quy trình mới nên các trường phải bổ sung trong xây dựng phần mềm để có thể lưu trữ thông tin sinh viên thuộc diện trao đổi.

Việc này không chỉ phục vụ cho công tác quản lý sinh viên trước mắt mà còn tính đến trường hợp sau này, cựu sinh viên quay trở lại trường xin xác nhận thông tin về quá trình học tập. Do đó, phần mềm quản lý đào tạo phải cập nhật để có sự đồng bộ hóa”. Chưa kể, ngoài điểm học tập, sinh viên được đánh giá cả điểm rèn luyện nên quá trình trao đổi sinh viên phát sinh nhiều phần việc.

Sinh viên Võ Thị Thiên Ân cho rằng, sinh viên ít tham gia các chương trình trao đổi một phần do điều kiện kinh tế. Một nguyên nhân nữa bởi đây là chương trình khá mới trong khi đó nhiều bạn có tâm lý ngại thay đổi.

PGS.TS Đoàn Ngọc Phi Anh - Trưởng phòng Đào tạo Trường ĐH Kinh tế, ĐH Đà Nẵng cho biết: “Phòng Đào tạo thường phải tư vấn kỹ cho sinh viên trong lựa chọn môn học, số lượng tín chỉ để thuận lợi việc công nhận kết quả học tập ở trường đối tác. Việc sinh viên muốn tham gia chương trình trao đổi hay không phụ thuộc phần nhiều vào công tác truyền thông, nỗ lực của từng trường trong giải quyết những thủ tục sau tiếp nhận sinh viên và công nhận kết quả học tập”.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

TIN BUỒN

TIN BUỒN

GD&TĐ - Gia đình chúng tôi vô cùng thương tiếc báo tin: